Aa

Du lịch check-in và sự quảng bá không mất tiền

Thứ Sáu, 01/05/2020 - 05:55

Xu hướng du lịch chụp ảnh check-in đang ngày càng phố biến, nếu biết khai thác sẽ mang lại hiệu quả quảng bá du lịch cực cao mà không tốn kém nhiều.

Chụp ảnh – nhu cầu ngày càng lớn của du khách

Nếu bạn đặt câu hỏi với các du khách: Đi du lịch để làm gì? Hẳn bạn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời. Nhưng những câu trả lời ấy có khác nhau thế nào thì du lịch cũng nhằm thỏa mãn một số nhu cầu chính của con người đó là khám phá, trải nghiệm, để được hòa mình vào thiên nhiên (du lịch sinh thái), để nghỉ ngơi (du lịch nghỉ dưỡng). Đối với người Việt, nhiều tour du lịch còn nhằm mục đích tiến hành các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng (du lịch tâm linh)…

Ngày càng có nhiều các hình thức du lịch mới ra đời. Tuy nhiên, có một xu hướng, tuy không phải mới xuất hiện, nhưng ngày càng phát triển và bao trùm hầu hết các hình thức du lịch kể trên: Đó chính là du lịch chụp ảnh, check-in.

Đây không phải là một loại hình du lịch độc lập, riêng biệt, mà nó là nhu cầu tự thân của hầu hết các du khách và của chính… du lịch, nằm trong tất cả các loại hình du lịch.

Thực ra, chụp ảnh khi đi du lịch đã xuất hiện từ lâu, bởi du lịch luôn gắn liền với khám phá và trải nghiệm, gắn với nhưng địa điểm nổi tiếng, gắn với những phong cảnh đẹp, những phong tục và nét văn hóa lạ, độc đáo… Do đó, du khách luôn có nhu cầu muốn ghi lại và lưu giữ bằng hình ảnh để đánh dấu nơi mình đã có mặt, đã đặt chân đến. Đó là một nhu cầu chính đáng. Nhu cầu ấy ngày càng phát triển, trở nên phổ biến và quan trọng hơn, nó ngày càng được đáp ứng rộng rãi bởi sự phát triển của kinh tế và khoa học công nghệ.

Nhu cầu chụp ảnh check-in đối với du khách ngày càng phổ biến

Nếu như trước đây, máy ảnh còn là cái gì xa lạ với nhiều người bởi đó là cả một tài sản lớn không dễ gì có được và để chụp, tráng phim, in phóng ra được những tấm ảnh là cả một quá trình phức tạp, tốn kém mà không phải ai cũng làm được, thì ngày nay, bất cứ ai, từ trẻ em đến các cụ già, cũng đều có thể sở hữu một chiếc smartphone và tự chụp cho mình, chụp cho người thân những tấm ảnh chất lượng khá tốt…

Không những thế, điện thoại di động được các hãng chạy đua cải tiến từng ngày từng giờ, liên tục cho ra đời các dòng máy mới với tính năng ngày càng hiện đại, tiện lợi và giá ngày càng rẻ. Đặc biệt, tính năng chụp ảnh hầu như được các hãng sản xuất điện thọai di động đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, máy ảnh, một phương tiện trước đây chỉ dành cho các nhiếp ảnh gia, giờ ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, với sự ra đời của dòng máy ảnh compact (ống kính liền) và mirroless (máy ảnh không gương lật) gọn nhẹ, dễ sử dụng, tiện mang đi trong các chuyến du lịch và “all in one” (tất cả trong 1), thì việc chụp ảnh “có tính chuyên nghiệp” cũng không còn là vấn đề quá sức đối với những du khách bậc trung và có thú chụp ảnh.

Hơn nữa, ngày trước chụp ảnh là để in phóng ra ảnh còn nay, mục đích chính của việc chụp ảnh là để check-in “up phây”, đưa lên mạng xã hội (ở Việt Nam chủ yếu là facebook). Trong khi đó, các mạng xã hội ngày càng mở rộng, lôi kéo không chỉ giới trẻ mà ngay cả người già, trẻ em cũng tham gia nhiều. Mặt khác, mạng wifi, 3G, 4G và sắp tới là 5G hầu như đã phủ sóng rộng khắp thì việc up ảnh, thậm chí là livetream, truyền trực tiếp ngay khi đang đi du lịch là điều hết sức bình thường. Đó là chưa kể, các phần mềm chỉnh sửa ảnh trên điện thoại đi động cũng ngày càng nhiều, dễ sử dụng và cho ra những bức ảnh chất lượng không kém gì chụp bằng máy ảnh… Điều đó càng hỗ trợ, kích thích du khách chụp ảnh và đã bắt đầu hình thành những tour du lịch mà mục đích chính là để… chụp ảnh.

Cũng xuất phát từ nhu cầu của du khách, những cơ sở lưu trú, nhất là của tư nhân ngày càng chú ý đến việc tạo tiểu cảnh trong khuôn viên khách sạn, home stay và ngay trong điểm đến để du khách dễ dàng có được những bức ảnh “tự sướng”… đẹp đến nao lòng.

Chủ đẩu tư chủ động tạo các tiểu cảnh để check-in tại cơ sở lưu trú và điểm đến để thu hút du khách

Các nhà nghỉ cộng đồng tuyến Tây Bắc có khuôn viên rộng thường trồng đào, mận, lê và rất nhiều hoa để phục vụ du khách. Thậm chí, những năm gần đây đã hình thành những “tour hoa mận”, “tour hoa cải trắng”, “tour tam giác mạch”… Còn ở điểm du lịch như điểm săn mây Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình), chủ nhân của khu vườn này còn dựng chòi để các nhiếp ảnh gia có thể dựng máy chờ mây, còn ở ngoài vườn thì tạo nhiều tiểu cảnh như đu, chòi, quán gió, mô hình guồng nước…, tạo khung cảnh rất thơ mộng và… Tây Bắc.

Có thể nói, chụp ảnh du lịch ngày nay đã rất phổ biến và dần trở thành một trong những mục đích của du khách trong những chuyến du lịch.

Hiệu quả quảng bá cao, không tốn kém…

Từ việc đáp ứng nhu cầu tự thân của du khách, với sự phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi của mạng xã hội, việc chụp ảnh khi đi du lịch và đưa lên mạng xã hội vô tình đã trở thành công cụ quảng bá rất hữu hiệu cho du lịch.

Chụp ảnh du lịch có thể phân làm hai loại: Thứ nhất là ảnh chụp chính du khách (tạm gọi là đối tượng chụp hay mẫu chụp) gắn với địa danh, điểm đến; hai là du khách (trong đó có cả nhiếp ảnh gia) chụp phong cảnh và nét văn hóa đặc trưng, truyền thống, phong tục tập quán của người dân bản địa ở điểm đến. Nhưng cho dù là loại hình nào thì mục đích chính của du khách cũng là đưa lên mạng xã hội để check-in, để “khoe”…

Du khách chụp ảnh chính họ là chủ yếu, nhưng bức ảnh ấy sẽ chẳng có giá trị gì với chuyến đi nếu không gắn nó với dấu hiệu nhận biết của điểm đến. Dấu hiệu ấy có thể là chỉ dẫn địa lý như cột cây số, cột mốc, biển chỉ đường, nhưng chủ yếu là hình ảnh đặc thù, đặc trưng, thậm chí trở thành biểu tượng của điểm đến, chẳng hạn như tháp Effel của Pháp, tháp nghiêng Pisa của Ý, Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh; hay trong nước như Hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội, cột cờ ở Lũng Cú (Hà Giang), ruộng bậc thang Mù Cang Chải của Yên Bái, nhà công tử Bạc Liêu ở Sóc Trăng… 

Do đó, khi đưa ảnh cá nhân lên mạng, du khách cũng đồng thời đưa cả hình ảnh của điểm đến, của địa phương với những nét đặc trưng và dấu hiệu nhận biết cá biệt.

Tháp Effel và tháp Pisa đã trở thành biểu tượng tại các điểm đến ở Pháp và Ý
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đang được xây dựng thành biểu tượng cho du lịch mùa vàng Tây Bắc

Điều đặc biệt là nhờ hình thức quảng bá này, chủ đầu tư, cơ quan quản lý hay địa phương có điểm đến không tốn kém gì mà hiệu quả lại rất cao nhờ tính lan tỏa lớn và đầy sức thuyết phục. Cứ cho ít nhất mỗi tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của một du khách có 100 người theo dõi thì một đoàn 10 du khách đưa ảnh lên mạng đã lan tỏa tới 1.000 người. Đó là chưa kể các tài khoản lại tag người thân, bạn bè của mình vào thì độ lan tỏa còn được nhân lên gấp bội. Đặc biệt, đây lại là ảnh “người thật việc thật” của những người gần gũi, thân quen nên độ tin cậy hầu như là tuyệt đối. 

Chính vì thế, tính hiệu quả quảng bá điểm đến thông qua ảnh của du khách rất cao mà hiện tượng Cầu Vàng ở Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Nói như thế không phải để phủ nhận sự lạ, độc đáo, đánh trúng thị hiếu, nhu cầu và xu hướng du khách của Cầu Vàng, nhưng rõ ràng, sau khi du khách người Malaysia, anh Jason Goh, chụp và đưa bức ảnh Cầu Vàng lên trang cá nhân, đã tạo sự lan tỏa rất mạnh mẽ mà ngay tác giả cũng phải “bất ngờ”. 

Điều đầu tiên phải nói là cây cầu rất đẹp nhưng quan trọng là người chụp cũng rất giỏi. Bức ảnh chụp từ trên cao bao trọn khung cảnh đôi bàn tay ôm lấy vòng cầu, hòa quyện dưới ánh nắng chan hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên… đã gây tiếng vang lớn trong giới thích xê dịch trên thế giới. Đó là lý do quan trọng khiến sau đó, lượng khách đến đây không ngừng tăng.

Bức ảnh chụp Cầu Vàng (Đà Nẵng) của du khách người Malaisia thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Ảnh: Jason Goh

Có thể nói, quảng bá du lịch qua nhu cầu chụp ảnh của du khách không tốn kém mà lại hiệu quả bất ngờ. Chỉ có điều, nó hầu như mới chỉ mang tính tự phát từ phía du khách. Còn hầu hết các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý, các địa phương đều chưa chú ý đến điều này, nếu không muốn nói là bị… thả nổi.

…nhưng bị thả nổi

Sở dĩ chúng tôi nói “bị thả nổi”, bởi rất nhiều điểm đến ở nước ta có phong cảnh đẹp, độc đáo, hấp dẫn nhưng du khách không được tạo điều kiện và sự hướng dẫn để có thể chụp được những tấm ảnh đẹp.

Chẳng hạn như hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, vừa có tính lịch sử đặc biệt gắn với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả gươm thần cho rùa vàng, đồng thời là một địa điểm có phong cảnh tuyệt đẹp. Đặc biệt, ở khu vực phía phố Đinh Tiên Hoàng đối diện trụ sở UBND Thành phố, có góc chụp tuyệt vời mà dân nhiếp ảnh gọi là “góc chụp quốc dân”, bởi bất cứ tay máy nào đến Hồ Hoàn Kiếm vào mùa thu và mùa xuân, đều không bỏ lỡ việc ghi những tấm hình từ góc chụp này.

Góc chụp "quốc dân ở Hồ Hoàn Kiếm thu hút rất nhiều tay máy và du khách

Ở đây có cây bằng lăng cổ thụ, vào cuối năm có sắc lá vàng rất đặc trưng và mùa xuân nẩy lộc rất đẹp. Đặc biệt, cây bằng lăng này trồng gần sát mép hồ và có cành cây buông xuống mặt hồ có dáng rất tự nhiên làm tiền cảnh, lại ôm lấy Tháp Rùa, rất dễ lấy bố cục cho một bức ảnh hoàn hảo. Còn du khách đến đây vào mùa thu và mùa xuân muốn check-in thì đây cũng là điểm lý tưởng vì vừa lấy được Tháp Rùa là dấu hiệu đặc trưng của Hồ Hoàn Kiếm, vừa có tán cây làm tiền cảnh hài hòa với khung cảnh mặt nước trong xanh…

Tuy nhiên, chỗ này lại chỉ có một đường dạo hẹp sát mép hồ, lại ngăn cách với đường dạo phía ngoài bởi một dải đất trồng hoa, cây xanh, được rào lại, gây khó khăn rất nhiều cho người chụp ảnh. Tôi cứ thầm ước, giá như cơ quan quản lý hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội để ý đến điều này, tham vấn các nhiếp ảnh gia, quy hoạch lại khu vực này để có đủ không gian rộng rãi cho đối tượng đứng check-in, lại có khu vực cho các tay máy có được chỗ đứng chụp ưng ý thì tốt biết mấy.

Địa điểm chật hẹp tại "góc chụp quốc dân" gây rất nhiều trở ngại cho việc chụp ảnh và check-in

Việc này không tốn kém gì nhiều mà đôi bên cùng có lợi. Khi các du khách hoặc các nhiếp ảnh gia có được bức ảnh tốt nhất, đẹp nhất, thì cũng là lúc thành phố đạt được hiệu quả cao nhất về quảng bá hình ảnh. Và không chỉ quảng bá cho Hồ Hoàn Kiếm, bức ảnh đẹp chụp du khách đứng bên hồ còn là sự quảng bá hữu hiệu cho cả Hà Nội, thậm chí cho cả đất nước Việt Nam nếu người chụp là du khách nước ngoài. Tránh tình trạng hiện nay, năm nào cũng vậy, khi mùa xuân đến, cây bằng lăng này đâm chồi nảy lộc là các tay máy lại chen chúc nhau mà nhiều khi người này chụp… gáy người kia. Còn du khách thì ít khi len vào được để check-in.

Tương tự như vậy, rất nhiều người đến Mù Cang Chải (Yên Bái) vào mùa lúa chín, được gọi là mùa vàng, nhưng ngoại trừ các nhiếp ảnh gia, còn rất ít du khách có được bức ảnh check-in đẹp. Lý do là khi đến đây, họ bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của bức tranh trùng điệp ruộng bậc thang và lúa chín vàng, mà không biết đứng đâu để chụp được bức ảnh đẹp nhất, điển hình nhất của Mù Cang Chải. Vì vậy, họ đành đứng bên ruộng lúa rồi bấm đại mấy tấm hình. Có người lại leo lên tận đỉnh Mâm Xôi để chụp mà không biết rằng, đứng ở đó thì chỉ chụp được hình người với một đám lúa, còn chẳng thấy “bậc thang” hay “mâm xôi” đâu.

Tôi cứ nghĩ, nếu Yên Bái muốn xây dựng đồi Mâm Xôi thành biểu tượng của mùa vàng Tây Bắc, thì việc tạo điều kiện về địa điểm cho người du lịch đứng để check-in là điều không thể bỏ qua. Điểm ấy (cho cả mẫu và nhiếp ảnh gia) phải làm sao bao quát được cả bối cảnh ruộng bậc thang, lại có điểm nhấn là đồi Mâm Xôi, mà du khách vẫn là đối tượng chính của bức ảnh.

Từ việc tạo điểm nhấn đặc trưng ở từng điểm đến…

Để khắc phục tình trạng “thả nổi” đề cập ở trên, theo chúng tôi, một mặt chủ đầu tư, địa phương có điểm đến, có danh lam thắng cảnh… cần chủ động chọn hoặc xây dựng biểu tượng cho điểm đến và địa phương; mặt khác cần tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu chụp ảnh, check-in của du khách.

Trong đó, để nâng cao hiệu quả của sự quảng bá thông qua chụp ảnh check-in của du khách, bên cạnh các yếu tố cần và đủ của một điểm đến du lịch hay của một địa phương, cần chủ động tạo điểm nhấn cho điểm đến, mang tính đặc thù, đặc trưng và trở thành biểu tượng. Ví dụ như cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang, cột cây số 0 ở Tràng Vĩ (Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh), biểu tượng con thuyền ở điểm ghi tọa độ của Mũi Cà Mau…

Thực tế cho thấy, biểu tượng càng độc đáo, đặc trưng và có tính nghệ thuật bao nhiêu, du khách càng thích chụp ảnh check-in và hiệu quả quảng bá càng cao bấy nhiêu. Điểm đến càng có nhiều điểm chụp ảnh đẹp và có công trình mang tính biểu tượng càng cao, thì càng hút khách.

Một điểm check-in không thể bỏ qua khi đến với đất mũi Cà Mau

Đồng thời, cần tạo điều kiện cho du khách chụp ảnh và chụp được bức ảnh đẹp nhất. Đó là khi xây dựng biểu tượng, phải chọn địa điểm thích hợp để tạo không gian, bối cảnh cho biểu tượng, đồng thời phải tạo điểm đứng check-in thuận lợi cho du khách. Thậm chí phải tính đến các tình huống du khách đứng 1 người, cũng có thể một tốp người, một đoàn hay cả một tập thể đông cũng vẫn được. Ở những nơi có điều kiện, nên xây bậc tam cấp để vừa tôn được biểu tượng, vừa đáp ứng tình huống khi đoàn đông có thể đứng đủ mà người đứng trước không che lấp mặt người đứng hàng sau.

Đồng thời cũng phải quan tâm đến góc chụp. Đó là điểm đứng để bấm máy, giới nhiếp ảnh gọi là góc chụp. Làm sao để khi đứng ở đây sẽ có góc nhìn toàn cảnh, chụp được bức ảnh đẹp nhất về điểm đến, vừa đủ bao quát được địa điểm, phản ánh được nét đặc trưng, tính biểu tượng của điểm check-in, vừa có bối cảnh, không gian đủ để nhận biết mà nhân vật vẫn rõ, không bị chìm. Điều đó vừa đáp ứng được nhu cầu check-in của du khách, vừa “buộc” du khách khi đưa hình ảnh của mình lên trang cá nhân, đồng thời cũng “phải” đưa cả hình ảnh của điểm đến một cách hài hòa có tính nghệ thuật. Ở một số điểm có phong cảnh đẹp, nên tạo điều kiện cho các nhiếp ảnh gia có thể chụp được bức ảnh tốt nhất: Nơi đứng bấm máy rộng rãi, chắc chắn, thoáng đãng, bao quát được phong cảnh, không bị các vật che khuất.

Tại một số địa điểm nổi tiếng ở một số nước, người ta nghiên cứu tìm ra điểm đứng chụp ảnh tốt nhất cho một phong cảnh, đánh dấu điểm đó bằng một vòng tròn bên trong vẽ cái máy ảnh hoặc dòng chữ “Camera” để chỉ dẫn cho du khách biết, đứng ở đó sẽ chụp được cảnh vật một cách hoàn hảo nhất. Ví dụ như ga tàu điện ngầm ở trung tâm Moscow (Nga), tháp truyền hình Quảng Châu (Trung Quốc)… Còn ở Seoul (Hàn Quốc), trên cung đường hoa anh đào nổi tiếng, tuy chính quyền không vẽ chỉ dẫn điểm check-in, nhưng ở một vị trí có view đẹp nhất, khi đến mùa hoa anh đào, thường có một thợ nhiếp ảnh túc trực ở đây, sẵn sàng chụp dịch vụ. Cũng chính vì thế, du khách có một “chỉ dẫn sống” để có góc chụp tốt nhất mà không mất công tìm kiếm.

Vị trí check-in đẹp trên cung đường hoa anh đào ở Seoul (Hàn Quốc)

Cầu Vàng (Đà Nẵng) là dẫn chứng điển hình của việc quảng bá du lịch qua ảnh chụp của du khách. Nhưng đó là bức ảnh chụp toàn cảnh cầu Vàng, tức là đứng ở một điểm cao hơn để chụp được toàn cảnh. Còn thực tế, du khách thường đứng trên cầu để chụp (cả đối tượng và người chụp) nên thường chỉ lấy được một phần cây cầu, thậm chí là một điểm rất nhỏ so với toàn thể. Thú thực, tôi chưa đến Cầu Vàng nên cũng không dám đưa ra ý kiến. Nhưng với tưởng tượng và suy đoán của mình, tôi nghĩ nếu chủ đầu tư có chỉ dẫn một số điểm check-in cụ thể trên cầu, giống như ở ga tàu điện ngầm trung tâm Moscow, hay thậm chí mạnh dạn xây tiếp một điểm check-in mà đứng ở đó, có thể chụp bức ảnh có nhân vật chính ở gần và có bối cảnh là toàn cảnh cây cầu. Đồng thời có chỉ dẫn cụ thể, thì hẳn du khách sẽ rất thích thú.

…đến cung cấp cái du khách cần

Thực tế hiện nay, nhu cầu chụp ảnh, nhu cầu chính đáng và có thật của du khách đang dần trở thành một xu hướng không thể bỏ qua nếu muốn phát triển du lịch. Nhưng ở hầu hết các điểm đến, chủ đầu tư, địa phương hay cơ quan chức năng địa phương mới cung cấp cái họ có, chứ chưa phải đã đứng ở góc độ du khách để cung cấp cái mà du khách cần.

Do đó, đáp ứng nhu cầu chụp ảnh check-in ngày càng cao của du khách bằng việc tạo biểu tượng đẹp, dễ ghi hình, đồng thời tạo cho du khách có không gian, điều kiện để có bức ảnh check-in đẹp nhất gắn liền với hình ảnh đặc trưng của điểm đến và địa phương nơi họ đến, là một việc làm cần thiết mà không quá tốn kém.

Muốn vậy, các chủ đầu tư hay cơ quan quản lý điểm đến cần thay đổi tư duy, đặt mình vào địa vị du khách để biết được nhu cầu của khách và đáp ứng. Những nhu cầu về hạ tầng đòi hỏi thời gian và nguồn tài chính lớn thì cũng cần thời gian nghiên cứu và thực hiện dài. Còn đáp ứng nhu cầu về chụp ảnh của du khách thường không quá phức tạp, không tốn kém nhiều mà chỉ cần lưu tâm một chút là có thể đáp ứng được. 

Điều này, nếu chủ đầu tư coi là cần thiết, thì có thể đưa vào kế hoạch ngay từ khi xây dựng dự án, từ khâu quy hoạch, thiết kế và đầu tư thỏa đáng. Bởi việc đầu tư này không phải là “một vốn bốn lời”, mà là “nhất bản vạn lợi”. Vừa thực hiện được phương châm khách hàng là thượng đế, đồng thời lại đạt được hiệu quả, lợi ích tối đa, không gì đo đếm được, khi được chính du khách tự nguyện quảng bá miễn phí với hiệu quả cực cao cho điểm đến và địa phương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top