Aa

Bất động sản 24h: Sớm định danh bất động sản du lịch

Thứ Năm, 12/05/2022 - 14:35

Sớm định danh bất động sản du lịch; Trợ lực cho một vài phân khúc bất động sản trong thời gian tới… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Sớm định danh bất động sản du lịch

Các dự án bất động sản du lịch đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng đang “mắc kẹt”, cần có giải pháp khơi thông để hài hòa lợi ích các bên. Loại hình này cần sớm được định danh.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, thời gian qua đã phát triển mạnh các loại bất động sản du lịch khác nhau như: khu nghỉ dưỡng (resort); biệt thự du lịch (resort villa, shopvilla); nhà phố du lịch (shoptel), nhà phố thương mại (shophouse); mô hình căn hộ du lịch (condotel); căn hộ khách sạn (boutique hotel); du lịch lưu trú tại nhà dân bản địa (homestay); căn hộ dịch vụ lưu trú dài hạn (service apartment); du lịch trải nghiệm nông nghiệp (farmstay).

Đến nay, có khoảng 150 dự án với gần 20.000 căn hộ du lịch, 5.000 biệt thự du lịch, nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch cơ bản đã có khung pháp lý chung để điều chỉnh với 13 văn bản, bao gồm luật và văn bản dưới luật. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm: “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và các lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại”, càng chứng tỏ việc phát triển bất động sản du lịch là cần thiết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Trợ lực cho một vài phân khúc bất động sản trong thời gian tới

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, đánh giá trong thời gian tới đây, cùng với đà hồi phục chung của nền kinh tế, có nhiều yếu tố khiến chúng ta tiếp tục lạc quan về thị trường bất động sản (BĐS).

Về mặt chính sách, việc các cơ quan chức năng có những quyết sách cụ thể tiếp theo ra sao với việc siết tín dụng BĐS sẽ có tác động quan trọng bậc nhất với những diễn biến của phân khúc căn hộ, nhà liền thổ và BĐS nghỉ dưỡng.

Các chính sách nhằm điều tiết dòng vốn chảy nhiều hơn vào các ngành sản xuất và hướng đến những người có nhu cầu ở thực nhằm giúp họ có được chốn an cư là hết sức quan trọng và cần thiết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Mạnh dạn bán nhà đi ở thuê, liều mình đầu tư đất

Hai vợ chồng chị Lan ở quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội đều làm nhân viên văn phòng với tổng mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Chị Lan cho biết, sau cưới vợ chồng chị được gia đình cho một căn chung cư rộng 80m2 nên không phải lo lắng nhiều về chỗ ở, vợ chồng chỉ cần tập trung làm ăn. 

“Với thu nhập 30 triệu đồng/tháng, tuy nhà cửa đã có nhưng khi thêm con cái vào nữa làm chi phí phải độn thêm rất nhiều. Mức lương trên của gia đình tôi chỉ đủ ăn tiêu, chứ làm mãi đi chăng nữa cũng không để ra được đồng tiền nào dự trữ cho tương lai”, chị Lan kể.

Năm 2019, chị được người bạn rủ chung vốn mua một mảnh đất dịch vụ để sinh lời với giá hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vợ chồng chị dồn hết tiền cưới với tiền tiết kiệm mới chỉ được 400 triệu đồng, góp tiền mua chung với bạn. May mắn, sau 3 tháng mảnh đất đó bán được 1,8 tỷ, chị được bạn chia cho lãi 100 triệu đồng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Mạnh tay với trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản sẽ co hẹp hoạt động

Sự phát triển của thị trường bất động sản có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, nhiều phân khúc thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả. 

Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, song không thể phủ nhận rằng, cơ chế và chính sách huy động nguồn vốn đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua chưa thực sự rõ nét và phù hợp, thường có độ “trễ” lớn so với nhu cầu và biến động của thị trường. Nhiều vấn đề mới được đặt ra chưa có sự giải quyết kịp thời và hợp lý từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và J-CODE đẩy mạnh xúc tiến hợp tác trong năm 2022

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của J-CODE trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm 2020 và năm 2021 chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả. 

Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc hợp tác giữa hai bên với các chương trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng hơn, hướng đến dẫn dắt các doanh nghiệp hội viên hoạt động tốt và có các dự án đầu tư chất lượng.

Đồng quan điểm, đại diện J-CODE cho rằng, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kết nối và hợp tác của hai bên. Vào năm 2019, lãnh đạo J-CODE đã có cơ hội đến thăm và làm việc với VNREA nhưng do Covid-19 nên hai năm nay chưa có cơ hội quay trở lại. Vì vậy, buổi làm việc lần này là rất quan trọng và cần thiết, đánh dấu sự trở lại của hai bên để hợp tác với nhau trong những dự án tiếp theo. Từ đó, xây dựng các kế hoạch hoạt động của hai Hiệp hội trong tương lai gần.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top