Aa

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và J-CODE đẩy mạnh xúc tiến hợp tác trong năm 2022

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Hoàng Trang
Hoàng Trang hoangtrang.98ajc@gmail.com
Thứ Tư, 11/05/2022 - 17:30

Chiều ngày 11/5, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn Hiệp hội Phát triển các thành phố sinh thái ở nước ngoài của Nhật Bản (J-CODE).

Tham gia buổi làm việc, về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gồm có: TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư bất động sản Việt Nam; Bà Dương Kim Dung, Phụ trách công tác đối ngoại của Hiệp hội; Ông Lưu Quốc Yên, đại diện Tập đoàn CEO cùng đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hội viên tham gia theo hình thức online… Về phía đoàn Hiệp hội Nhật Bản gồm có các thành viên của nhóm nghiên cứu J-CODE.

Buổi làm việc giữa Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và J-CODE là cuộc gặp gỡ khởi đầu lại mối quan hệ hợp tác hai bên sau một thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Theo đó, chương trình buổi làm việc bao gồm các phần: Chào và giới thiệu thành phần tham gia của hai bên; phía Nhật Bản giới thiệu về Dự án thành phố thông minh; các doanh nghiệp hội viên VNREA đặt câu hỏi; lãnh đạo VNREA đánh giá các khả năng hợp tác với J-CODE và định hướng mục tiêu hợp tác trong năm 2022.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn Hiệp hội Phát triển các thành phố sinh thái ở nước ngoài của Nhật Bản (J-CODE).

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của J-CODE trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm 2020 và năm 2021 chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả. 

Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc hợp tác giữa hai bên với các chương trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng hơn, hướng đến dẫn dắt các doanh nghiệp hội viên hoạt động tốt và có các dự án đầu tư chất lượng.

Đồng quan điểm, đại diện J-CODE cho rằng, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kết nối và hợp tác của hai bên. Vào năm 2019, lãnh đạo J-CODE đã có cơ hội đến thăm và làm việc với VNREA nhưng do Covid-19 nên hai năm nay chưa có cơ hội quay trở lại. Vì vậy, buổi làm việc lần này là rất quan trọng và cần thiết, đánh dấu sự trở lại của hai bên để hợp tác với nhau trong những dự án tiếp theo. Từ đó, xây dựng các kế hoạch hoạt động của hai Hiệp hội trong tương lai gần.

Chia sẻ tại buổi họp, đại diện phía J-CODE cũng cho biết, J-CODE gồm 51 công ty thành viên, tập trung vào phát triển các dự án có tính chất hiện đại. Trong đó có 33 công ty quan tâm tới việc phát triển sang thị trường Việt Nam. Bởi theo các nghiên cứu và đánh giá, Nhật Bản và Việt Nam đang có rất nhiều điểm tương đồng trong việc phát triển đô thị, thị trường bất động sản. Vì vậy, có những mô hình dự án tại Nhật Bản có thể áp dụng vào Việt Nam. Đơn cử như dự án Koshigaya Laketown.

Theo đại diện phía J-CODE, Koshigaya Laketown là một dự án điển hình ở Nhật Bản có thể áp dụng và giải quyết nhiều vấn đề phát triển đô thị tại Việt Nam. Đây là dự án nằm phía Bắc Tokyo, có diện tích khoảng 200ha, với khoảng 20.000 người dân sinh sống ở đây. 

Trước khi cải tạo, tình trạng phát triển xung quanh dự án rất bất cập như đất nền sụt lún, ngập lụt diễn ra thường xuyên. Nhưng sau khi được sử dụng các phương pháp hiện đại, đồng bộ, dự án Koshigaya Laketown đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của người dân nơi đây. 

“Để giải quyết những vấn đề này, chúng tôi đã đứng ra bàn bạc với Chính phủ cũng như những đơn vị khác các hướng giải quyết. Theo đó, phương pháp chúng tôi lựa chọn là xây dựng hồ điều tiết. Hồ có  diện tích 30ha, điều tiết được 1,2 triệu mét khối nước. Hồ có vai trò giữ nước hoặc thoát nước khi cần giúp cho khu vực không còn xảy ra tình trạng ngập lụt. Xung quanh hồ thì xây dựng đường đi bộ, cây cối để tạo không gian cho người dân. Ngoài ra là phát triển thêm hệ thống giao thông với một tuyến đường sắt và nhà ga mới, khu vực ven xung quanh cũng được tập trung xây dựng. 

Đặc biệt, để bảo vệ môi trường, chúng tôi còn sử dụng kết hợp các phương pháp tái chế để làm phần lót đường hay dùng các tấm năng lượng mặt trời để tạo ra điện, giảm lượng thải CO2”, đại diện J-CODE chia sẻ.

Ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Đánh giá về dự án Koshigaya Laketown, Phó Chủ tịch VNREA cho rằng, dự án có rất nhiều nét tương đồng với các dự án ở Việt Nam như địa thế, tình trạng ngập lụt. Với quy mô của dự án cũng rất phù hợp với quỹ đất nhiều chủ đầu tư tại nước ta. Vì vậy những công nghệ được sử dụng trong dự án này có thể cân nhắc sử dụng trong các dự án phát triển đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi triển khai cần phải bàn một cách cụ thể để áp dụng một cách có hiệu quả. 

“Không chỉ mô hình dự án trên 200ha mà mô hình xây dựng nhà ở dưới 5ha cũng rất phù hợp với các chủ đầu tư tại Việt Nam hiện nay. Bởi quỹ đất phát triển tại những thành phố lớn ngày càng bị bó hẹp, hạn chế nên những dự án dưới 5ha sẽ ngày càng phổ biến. Vì vậy, chúng tôi cũng rất quan tâm đến những dự án này”, ông Phan Hữu Thắng nhìn nhận. 

Cũng theo ông Thắng, khi Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định 82 về việc phát triển các khu công nghiệp Việt Nam sẽ mở ra cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư mới. Do đó, mọi mô hình phát triển đều cần được quan tâm.

Tại buổi họp, đại diện hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Vì vậy, việc định hướng để hợp tác với J-CODE sẽ được chú trọng quan tâm.

Bên cạnh việc bày tỏ mong muốn được hợp tác với J-CODE nói riêng và các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, đại diện các thành viên VNREA cũng đặt các câu hỏi cho phía J-CODE. Nội dung các câu hỏi xoay quanh những vấn đề như: Yêu cầu cụ thể của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với câu chuyện pháp lý các dự án ở Việt Nam như thế nào? Mô hình hợp tác nào sẽ phù hợp với hai bên? Phân khúc khách hàng hướng đến cho các dự án công nghệ cao là gì?...

Theo phát biểu của đại diện một doanh nghiệp hội viên VNREA, Nhật Bản là nước rất thận trọng trong vấn đề hợp tác đầu tư. Đặc biệt là vấn đề pháp lý của dự án. Điều này cũng đang gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp Việt Nam khi có nhu cầu hợp tác.

Để trả lời đầy đủ các câu hỏi, đại diện phía J-CODE đề xuất sẽ tập hợp lại và gửi bản phản hồi sớm nhất thông qua ý kiến của nhiều thành viên hiệp hội. Ngoài ra, đại diện phía J-CODE mong muốn được tiếp tục tìm kiếm khả năng tham gia vào các Dự án Phát triển Đô thị tại Hà Nội và một số thành phố lớn của Việt Nam cùng các Hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Sau buổi họp lần này, mong muốn sẽ có các buổi gặp gỡ, giao lưu trực tiếp để cùng trao đổi, xúc tiến tốt hơn. 

Đại diện J-CODE và hội viên VNREA tham gia cuộc họp bằng hình thức trực tuyến.

Kết thúc cuộc họp, TS. Phan Hữu Thắng đánh giá tính hiệu quả của buổi làm việc hôm nay, cùng với đó là đưa ra những kế hoạch triển khai trong năm 2022. 

“Phía Việt Nam cũng giống Nhật Bản, cần quan tâm đến hai điều quan trọng nhất là đối tác và dự án. Chúng ta phải có sự lựa chọn dự án, đối tác phù hợp với mỗi bên để đạt tính khả thi cao nhất. Cả hai bên phải thanh lọc dự án, thanh lọc đối tác trước khi cung cấp thông tin cho nhau để tránh mất thời gian của các bên. Tính pháp lý của dự án rất cần thiết tuy nhiên việc hoàn thiện điều này cũng mất rất nhiều thời gian.

Đặc biệt, trong năm 2022 VNREA sẽ cố gắng thành lập một nhóm V-CODE để rà soát các dự án của J-CODE khi đã sẵn sàng về đất đai và pháp lý. Cố gắng trong năm 2022 tìm ra được 10 dự án đủ điều kiện để cả hai cùng bắt tay hợp tác triển khai”, ông Phan Hữu Thắng định hướng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ cuộc họp, đại diện VNREA cũng mời lãnh đạo J-CODE sẽ đến tham dự Đại hội nhiệm kỳ V Lễ hội Bất động sản quốc tế trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top