Aa

Bất động sản 24h: "Sốt" săn lùng đất làm nhà vườn

Thứ Tư, 29/04/2020 - 10:30

Săn lùng đất làm nhà vườn; Doanh nghiệp bất động sản và tư duy mới hậu Covid-19; Có nên nới 'room' cho người nước ngoài mua nhà?; Ngành bán lẻ lo khó khăn còn tiếp diễn 6 tháng cuối năm... là tin đáng quan tâm 24h qua

Săn lùng đất làm nhà vườn

Mua đất ở các tỉnh vùng ven TP. HCM để làm nhà vườn nghỉ ngơi dịp cuối tuần hoặc lễ tết là xu hướng đã tồn tại từ lâu, nhưng kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 lại càng phát triển rõ nét hơn.

Ngay từ cuối năm ngoái, nhiều nhà đầu tư đã dành một phần ngân sách lùng mua trang trại, nhà vườn ở ven TP. HCM và dòng vốn đầu tư này ngày càng mạnh đến mức giám đốc một công ty bất động sản nhận định sẽ trở thành trào lưu ngôi nhà thứ hai ở Việt Nam từ năm nay.

Trước khi có dịch Covid-19, giá đất vườn ở Đồng Nai chỉ từ 500 - 600triệu đồng/1000m2. Nhưng từ khi có thông tin nhiều người Việt về nước và Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội thì giá tăng liên tục, hiện giao dịch từ 600 triệu - 1 tỷ đồng/1000m2.

Lâm Đồng mới là địa điểm được nhiều khách hàng lựa chọn nhất, trong đó, giao dịch sôi động nhất là khu vực Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lâm và một phần Di Linh. Một đặc điểm nổi bật là đất Đà Lạt chủ yếu là đất nông nghiệp, chưa có sổ. Nếu mua đất nông nghiệp có sổ thì giá cao và đất có chút thổ cư nữa lại càng đắt hơn. Giá đất tùy thuộc vào vị trí, tình trạng pháp lý và hướng đất.

Cụ thể, giá đất nông nghiệp không thổ cư khu vực Đà Lạt dao động từ 400 triệu tới 10 tỷ đồng/1000m2. Nếu đất có thổ cư thì giá trên 10 triệu đồng/m2, tùy vị trí và hướng đất.

Giá đất ở huyện Đức Trọng dao động 500 - 700 triệu đồng/1000m2. Đất xung quanh khu du lịch Lộc An ở huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh từ 300 - 450 triệu đồng/1000m2.

Xem chi tiết tại đây 

VNREA kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 27/4, VNREA có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như phản ảnh những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ dịch Covid-19.

Tại văn bản số 30/CV-HHBĐSVN, ban hành ngày 27/4 của Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có nhấn mạnh các nội dung chính: Kiến nghị các giải pháp với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Phản ảnh những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật khi doanh nghiệp tiếp cận các chính sách.

Cũng từ đầu năm 2020, VNREA đã có nhiều văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trong văn bản số 30, VNREA tiếp tục cập nhật và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Xem chi tiết tại đây

Doanh nghiệp bất động sản và tư duy mới hậu Covid-19

Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Các hoạt động mở bán dự án tạm dừng, nhiều sàn giao dịch đã phải đóng cửa. Doanh nghiệp bất động sản rơi vào trạng thái khó chồng khó.

Tuy nhiên, "trong nguy có cơ", những doanh nghiệp chống chọi và vượt qua được “cơn bão” này sẽ trở nên cứng rắn và có sức chịu đựng bền bỉ hơn, sẵn sàng đón chào những cơ hội mới trên thị trường.

Sự biến động của nhu cầu thị trường có thể khiến doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng mặt khác nó cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn khi sự cạnh tranh sẽ làm doanh nghiệp buộc phải thay đổi mình để tạo ra được những sản phẩm giá trị, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân cũng đã nếm trải nhiều "cay đắng", họ đã thận trọng và chuyên nghiệp hơn, không quá phụ thuộc vào nguồn tiền vay ngân hàng như trước đây.

Cũng như các ngành kinh tế khác, thị trường bất động sản từ sau Covid-19 sẽ không còn như ngày hôm qua. Các kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 sẽ khiến thị trường bất động sản phát triển ổn định, thận trọng và bền vững hơn, loại bỏ tư duy chộp giật, ngắn hạn, thay đổi cách làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Càng lâm vào khó khăn, thì càng cần tư duy đường dài, tư duy để thích ứng với mọi hoàn cảnh, thay vì lệ thuộc vào những nếp cũ.

Xem chi tiết tại đây

Có nên nới 'room' cho người nước ngoài mua nhà?

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa có kiến nghị Chính phủ nới room (tỷ lệ) được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Việc nới room cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường.

Chủ đầu tư một dự án bất động sản (BĐS) cao cấp, tại khu vực Thủ Thiêm (Q.2, TP HCM), cho biết hiện nay nhu cầu về nhà ở cao cấp của người nước ngoài tại Việt Nam rất lớn vì giá BĐS tại Việt Nam rẻ hơn một số nước trong khu vực. Đơn cử, giá căn hộ tại khu trung tâm TP HCM đang giữ mức trung bình 5.500 - 6.500 USD/m2 (hơn 130 - 155 triệu đồng), thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) trong khi tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Chính vì vậy, khi dự án của công ty ông mở bán đã thu hút được rất lớn các khách hàng nước ngoài mua để ở và đầu tư, trong đó nhiều nhất là khách hàng đến từ Hong Kong và Hàn Quốc. “Dự án của chúng tôi ở Q.2 có mức bán khoảng 5.000 USD/m2 (gần 120 triệu đồng), người nước ngoài đăng ký rất nhiều nhưng do giới hạn room nên rất nhiều khách hàng trong số đó không thể mua được. Những người này đang sống và làm việc ở Việt Nam, họ muốn mua nhà để an cư cũng như kỳ vọng giá căn hộ sẽ tăng trong thời gian tới”, vị này cho hay.

Trong khi Bộ Xây dựng đang báo cáo phân khúc nhà ở cao cấp, condotel, BĐS nghỉ dưỡng cung vượt cầu thì với việc mở room cho người nước ngoài mua nhà ở phân khúc này càng khiến các doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư BĐS cao cấp, gây mất cân đối nguồn cung hơn nữa. Do đó, trước khi nới room cần nghiên cứu cẩn thận, có những đánh giá xác đáng hơn, nhất là về mặt tác động an ninh, an sinh xã hội và đối với cơ hội cho người nghèo mua nhà.

Xem chi tiết tại đây 

Ngành bán lẻ lo khó khăn còn tiếp diễn 6 tháng cuối năm

Khảo sát trong nước mới đây của CBRE Việt Nam trên 180 người đã cho thấy tâm lý lo ngại với tác động tiêu cực của Covid-19 của các khách thuê.

Theo đó, 79% khách thuê tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn; 43% khách thuê tham gia khảo sát cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10% đến 30% trong năm 2020; 61% khách thuê tham gia khảo sát chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà; 27% khách thuê tham gia khảo sát mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh của khách thuê đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top