Aa

Bất động sản 24h:Diễn biến bất ngờ trên thị trường bất động sản TP.HCM 5 năm qua

Thứ Tư, 30/10/2019 - 10:30

5 năm bùng nổ của thị trường bất động sản TP.HCM và những diễn biến bất ngờ; Nhôm Việt trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội lớn từ thách thức... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

5 năm bùng nổ của thị trường bất động sản TP.HCM và những diễn biến bất ngờ

Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường địa ốc TP.HCM có xu hướng chững lại và thể hiện rõ việc suy giảm cả về nguồn cung và cầu trong năm 2019. Số lượng dự án và số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền, căn hộ bình dân đều giảm sút.

Nhìn lại diễn biến của thị trường bất động sản TP.HCM trong suốt 5 năm qua để thấy chu kì lên xuống của thị trường này.

Năm 2015: Tăng trưởng mạnh

Thị trường bất động sản TP.HCM phục hồi và tăng trưởng mạnh trên tất cả các phân khúc của thị trường, với hơn 26.000 giao dịch nhà ở trong năm 2015, tăng 1,5 lần so với năm 2014.

Năm 2016: Sôi động

Thị trường bấnt động sản TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng so với năm 2015.

Năm 2017: Bùng nổ

Thị trường bất động sản TP.HCM đạt quy mô tăng trưởng cao nhất

Năm 2018: Bắt đầu chững lại

Thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm, chỉ có 19 dự án được công nhận chủ đầu tư, 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 53 dự án được cấp giấy phép xây dựng...

09 tháng đầu năm 2019: Sụt giảm mạnh

Thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư (00 dự án); chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Internet

Nhôm Việt trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội lớn từ thách thức

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công thương đã có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc từ 2,49 - 35,58%.

Trước đó, thị trường nhôm Việt đã chứng kiến sự đổi chiều trong cán cân thị phần khi cơn lốc nhôm Trung Quốc ào vào Việt Nam. Với giá rẻ song tiêu chuẩn chất lượng chưa rõ ràng, nhôm Trung Quốc đã tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp sản xuất nhôm nội.

Trong bối cảnh đó, phía doanh nghiệp nhôm nội đề xuất các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn hàng nhôm nhập khẩu từ nước ngoài như áp thuế, điều tra chống bán phá giá hoặc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm bảo vệ thị phần của nhôm nội.

Vào tháng 1/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc mức thuế chống bán phá giá với nhôm nhập từ Trung Quốc được đề nghị áp dụng là 35,58%. Và đến nay, Quyết định áp dụng biện pháp chống phá giá đã có hiệu lực.

Xung quanh vấn đề này, Reatimes có cuộc trò chuyện với ông Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Austdoor, Phó Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam.

Theo ông Tuấn, cơ hội lớn trước mắt nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn thách thức đang chờ đợi ngành nhôm Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động rất xấu tới thị trường nhôm Việt Nam và khu vực. Trước muôn vàn khó khăn từ trong và ngoài nước, giải pháp cần thiết nhất để nhôm Việt Nam bảo vệ và khẳng định được vị thế của mình chính là đoàn kết, phối hợp và thông tin chặt chẽ với Hội.

Các doanh nghiệp nhôm cần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, quan tâm tới các yếu tố được các thị trường khó tính đánh giá cao như vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người lao động.

Xem chi tiết tại đây

Dự án 317 Trường Chinh: Viện KSND Tối cao đề nghị Hà Nội chỉ đạo cung cấp tài liệu phục vụ điều tra

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với đơn vị này trong việc trao đổi, cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến dự án 317 Trường Chinh.

Liên quan đến vụ việc tranh chấp kéo dài tại dự án Khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở - gọi tắt là dự án 317 Trường Chinh (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) giữa Công ty CP tư vấn đầu tư dự án Quốc tế (Công ty ICC) và Công ty CP Thương mại và Đầu tư xây dựng Tân Hồng Hà (Công ty Tân Hồng Hà), ngày 2/10/2019, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với đơn vị này trong việc trao đổi, cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cho biết, đơn vị này đang thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo đơn tố cáo của Công ty ICC, tố cáo ông Nguyễn Minh Khoa cùng Công ty Tân Hồng Hà làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng các tài liệu đóng dấu giả để lừa dối cơ quan chức năng.

Đồng thời, Công ty Tân Hồng Hà đã sử dụng các tài liệu đóng dấu giả này để khởi kiện việc tranh chấp Hợp đồng kinh doanh thương mại với Công ty ICC ra Tòa án Nhân dân (TAND) quận Ba Đình.

Xem chi tiết tại đây

Nhà đầu tư âm thầm săn đất nền ven Hà Nội

Trong những ngày cuối tuần, theo chân một nhóm nhà đầu tư đi tìm hiểu đất nền ven Hà Nội. Anh Trung – một nhà đầu tư phân tích, đất nền vùng ven có những hấp lực mạnh mẽ riêng, mà không phải kênh đầu tư nào cũng có.

Đất nền vùng ven vẫn là loại hình đầu tư đem lại biên độ lợi nhuận cao (Ảnh: Một dự án ở Thái Nguyên đang trong giai đoạn GPMB)

Đó là lợi nhuận tốt, tính thanh khoản cao và đất nền được xem là “của để dành” lý tưởng nhất. Đây luôn là phân khúc có nhu cầu lớn tại mọi thời điểm. Là tài sản có giá trị bảo toàn và gia tăng theo thời gian. Ngoài ra, phân khúc này còn được xem là kênh đầu tư an toàn, giúp bảo toàn vốn nhàn rỗi trước những biến động của thị trường. Đặc biệt, khi nguồn cung đất nền tại Hà Nội dần trở nên cạn kiệt, thị trường vùng ven càng có nhiều cơ hội tăng trưởng và khẳng định sức hút.

Lấy dẫn chứng từ Thái Nguyên - nơi nhóm nhà đầu tư đặt chân tới, anh Trung cho biết, Thái Nguyên luôn được biết đến là “điểm nóng” của thị trường đất nền phía Bắc, nhất là từ năm 2017 trở khi Samsung đầu tư mạnh vào khu vực này. Điều này kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng lên nhanh chóng.

Khảo sát của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, tại TP Thái Nguyên, thống kê ghi nhận có tới gần 3.000 căn chung cư, gần 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thự liền kề được chào bán trong nửa đầu năm 2018. Con số này tăng gấp rưỡi ở 9 tháng đầu năm 2019 đến từ nhiều chủ đầu tư mới.

Xem chi tiết tại đây

Bất thường hàng trăm tỷ đồng Bình Định chuyển cho Tập đoàn Phúc Lộc

UBND tỉnh Bình Định đã chi 201 tỷ đồng tạm ứng ngân sách địa phương, để tạm ứng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc thực hiện dự án, nhưng đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng, vẫn chưa được thu hồi.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa thông báo kết luận thanh tra số 1348/TB chỉ ra sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó, có việc UBND tỉnh đã chi 201 tỷ đồng tạm ứng ngân sách địa phương, để tạm ứng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc thực hiện dự án, nhưng đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng, vẫn chưa được thu hồi.

Cụ thể, theo kết quả kiểm tra hồ sơ pháp lý về quyết định đầu tư, phê duyệt dự án và chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, đấu thầu, đối với dự án Xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp Hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh, kết luận thanh tra ngày 9/8/2019 nêu: “UBND tỉnh phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 3.006 tỷ đồng (trong đó 90% là vốn ngân sách của Trung ương và 10% vốn ngân sách địa phương) khi chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở (không điều tra, khảo sát kỹ, chưa được ngân sách Trung ương bố trí vốn…) nên không triển khai thực hiện được dự án như đã phê duyệt.

Mặc dù đã dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, với số tiền 201 tỷ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng 137,123 tỷ đồng, đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng chưa được thu hồi”.

Với hàng loạt những vấn đề sai phạm của Tập đoàn Phúc Lộc đã được TTCP chỉ ra, dư luận đang đặt ra nghi vấn về sự ưu ái bất thường của tỉnh Bình Định dành cho Tập đoàn này. Tại sao một dự án trọng điểm, chưa được giao mặt bằng nhưng doanh nghiệp vô tư thi công mà không bị ngăn chặn? Tất cả vẫn chờ động thái tiếp theo của tỉnh Bình Định, trong việc xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm này.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top