Aa

Bất động sản bán lẻ lấy lại đà tăng trưởng

Thứ Bảy, 09/01/2021 - 10:45

Với những nỗ lực không ngừng để kiểm soát dịch bệnh, thị trường bán lẻ Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng ngay trong những tháng cuối 2020.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, nhìn lại năm 2020, lĩnh vực bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tổng doanh thu và tiêu dùng dịch vụ của Việt Nam trong năm 2020 chỉ khoảng 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,8% trong năm 2019.

Bất động sản bán lẻ cũng chứng kiến một số tác động đáng kể trong năm đại dịch bùng phát. Tại Hà Nội, mặt bằng bán lẻ có tỷ lệ trống tăng ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Tại khu vực trung tâm, tỷ lệ trống tăng 12,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 14,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Báo cáo thị trường bất động sản 2020 của CBRE.

Đồng thời, tỷ lệ trống ở khu vực ngoài trung tâm tăng 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, lên 12,3%. Hầu hết khách thuê đều phải trải qua những thử thách trong thời gian khó khăn này, trong đó nhóm khách thuê chịu nhiều thiệt hại nhất đến mức phải đóng cửa thường là các cửa hàng thời trang, phụ kiện và ăn uống đặt tại tầng cao trong khu vực trung tâm.

Tuy nhiên, theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, với những nỗ lực không ngừng để kiểm soát dịch bệnh trong suốt cả năm, thị trường bán lẻ Việt Nam đã lấy lại đà phát triển với việc hai dự án bán lẻ khai trương trong Quý 4 năm 2020 là International Centre (cải tạo) và Vincom Mega Mall Ocean Park, đóng góp thêm 41.000m2 diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê tại Hà Nội. Kết quả là đến cuối năm 2020, nguồn cung bán lẻ của Hà Nội đạt 1.050.000m2, tăng 4% so với năm 2019.

Tại khu vực trung tâm, tỷ lệ trống tăng 12,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 14,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011

Tốc độ tăng này thấp hơn so với hai năm trước do có một số dự án không đi vào hoạt động như kế hoạch. Giá chào thuê trung bình (tầng một và tầng trệt, không bao gồm VAT và phí dịch vụ) ở khu vực trung tâm tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 107,7 USD/m2/tháng do một số mặt bằng bán lẻ tại vị trí đắc địa chào thuê ở mặt bằng giá cao hơn, sau khi được nâng cấp lại. Mặt khác, giá chào thuê tại khu vực ngoài trung tâm ghi nhận mức tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24,5 USD/m2/tháng.

Đáng chú ý, chuyên gia CBRE Việt Nam cũng cho biết, mặt bằng nhà phố những khu vực trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Hồ Tây - trước đây được coi là trọng điểm thì nay tỷ suất sinh lời đã giảm rất nhiều so với khu vực khác và so với thời kỳ 2018-2019. Việc hạn chế nguồn cung và tỷ suất sinh lời giảm làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý các nhà đầu tư.

Phố cổ Hà Nội.

Theo ghi nhận thực tế, sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thể hiện rõ khi hàng loạt các cửa hàng mặt phố tại trung tâm phố cổ Hà Nội phải chịu cảnh đóng cửa. Nhiều chủ nhà tại phố cổ đã phải “xuống nước” để đàm phán giá thuê với khách thuê, tích cực đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường nhưng vẫn không cải thiện được tình thế.

Đánh giá về thị trường mặt bằng bán lẻ trong những năm tới, chuyên gia CBRE cho rằng, trong 3 năm tới, thị trường bán lẻ chào thuê mới với gần 300.000 m2 mặt bằng đều đến từ khu vực ngoài trung tâm. Nhiều nhãn hàng đã và đang mở rộng cửa hàng mới sẽ là xung lực mới cho thị trường mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại lên ngôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top