Chia sẻ với PV, ông Angus Liew, Chủ tịch Công ty Gamuda Land Việt Nam cho rằng: Để tránh tạo ra các nút thắt và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, các cơ quan chức năng và ngân hàng nên phối hợp với nhau để thiết lập cơ chế thẩm định và ưu tiên các dự án có tính pháp lý tốt tạo điều kiện cho các nhà phát triển đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tránh tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung sản phẩm trên thị trường.
PV: Theo ông, doanh nghiệp nên làm gì thời điểm này và người mua nhà nên quyết định như thế nào?
Ông Angus Liew: Đây là lúc các nhà phát triển bất động sản phải xem xét lại kế hoạch và chiến lược kinh doanh của mình một cách kỹ lưỡng, từ danh mục dự án, tình hình tài chính, đến hệ thống vận hành… Chủ đầu tư nên bắt đầu chuyển đổi sang phát triển các sản phẩm xanh, tuân thủ các tiêu chuẩn ESG. Các yếu tố này không phải để trang điểm cho các dự án đẹp hơn, mà ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận dòng vốn của họ.
Hiện nay, có rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ cung cấp khoản vay với lãi suất rất thấp để hỗ trợ các sáng kiến ESG. Đây là những nơi mà chủ đầu tư nên xem xét tiếp cận. Khi chúng ta có nguồn vốn rẻ hơn, chi phí hoạt động sẽ thấp hơn, điều đó chắc chắn sẽ giúp tăng trưởng kinh doanh.
Giải pháp nữa là điều chỉnh tỷ lệ cán cân vay nợ thông qua việc thoái vốn tại các dự án không trọng điểm để tránh bội chi, nhằm giảm áp lực lên vốn chủ sở hữu khi chi phí sử dụng vốn có xu hướng tăng.
Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh danh mục đầu tư, cơ cấu lại phân khúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người mua nhà về tiêu chuẩn nhà ở và phong cách sống tốt hơn. Dự kiến tiềm năng tiêu dùng của bộ phận khách hàng này sẽ tăng lên trong thời gian tới khi người tiêu dùng ngày càng hiểu biết nhiều hơn về sản phẩm bất động sản và đặt ra những kỳ vọng cao hơn.
Về phía người mua nhà nên cẩn trọng hơn khi lựa chọn bất động sản để đầu tư và việc đầu cơ đẩy giá sẽ dẫn đến các vấn đề khủng hoảng. Hoạch định tài chính là yếu tố then chốt và mục tiêu đầu tư dài hạn với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh cần được xác định.
PV: Nhu cầu của phân khúc bất động sản cao cấp sẽ thay đổi như thế nào sau khi dòng tiền rẻ hơn xuất hiện trở lại trên thị trường với gói kích cầu của Chính phủ, thưa ông?
Ông Angus Liew: Việc thị trường có thêm dòng tiền bởi các gói kích cầu và nởi lỏng chính sách, chắc chắn nhu cầu đối với bất động sản chất lượng cao sẽ tăng lên.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có triển vọng kinh tế tốt, với dòng vốn chảy vào nền kinh tế ngày càng nhiều hơn và dòng vốn FDI ổn định, sẽ có nhiều việc làm mới được tạo ra. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập cho đại bộ phận dân cư, từ đó nâng cao yêu cầu về chất lượng sống cao hơn của người mua nhà.
Chúng ta đã và đang nhận thấy xu hướng ngày càng tăng của người dân Việt Nam đòi hỏi môi trường sống tốt hơn và phát triển bền vững. Tóm lại, cầu luôn có và trong tình hình khan hiếm cung như hiện nay thì cầu sẽ tăng trưởng tích cực.
PV: Xin ông cho biết những kiến nghị để thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng phát triển bền vững?
Ông Angus Liew: Tôi cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang mở ra vô số cơ hội tuyệt vời và vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng vượt trội hơn nữa. Đề xuất đầu tiên là nên nhanh chóng số hóa thủ tục hành chính, chuyển sang trực tuyến một cách toàn diện, như vậy sẽ giúp rút ngắn quy trình đi khá nhiều. Số hóa cũng giúp cho mọi thứ minh bạch hơn, giúp chúng ta theo dõi tình trạng hồ sơ dễ dàng hơn.
Đề xuất tiếp theo là phi chính quy hóa một vài khâu trong việc thực thi thủ tục. Một ví dụ điển hình ở Malaysia là việc kiểm tra cấp giấy chứng nhận hoàn thiện dự án trước đây là do chính quyền địa phương phụ trách. Nhưng từ năm 2005, việc này đã được luật hóa chuyển giao cho các tổ chức chuyên môn, như các công ty kiến trúc hoặc kỹ thuật xây dựng
Tôi cho rằng, đây là biện pháp mà chúng ta có thể áp dụng. Rất nên để cho các tổ chức chuyên môn thực hiện công việc, và nhà chức trách kiểm soát bằng việc thanh kiểm tra ngẫu nhiên. Như vậy thì pháp luật và quy định vẫn được đảm bảo, đồng thời tiết kiệm thời gian hơn cho cả sở ban ngành cũng như các chủ đầu tư.
Vấn đề khác là thủ tục phê duyệt dự án ở Việt Nam thường khá lâu. Từ lúc thu mua quỹ đất đến khi sẵn sàng triển khai dự án là một khoảng thời gian dài. Việc Chính phủ nỗ lực thực hiện biện pháp đấu giá đất là rất tốt. Bởi vì khi cơ quan công quyền đứng ra thực hiện công tác đền bù giải tỏa và sau đó cho đấu thầu, thì các chủ đầu tư có thể bắt tay vào phát triển dự án ngay.
Vậy nên, Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện cơ chế này, sao cho quá trình đấu thầu diễn ra minh bạch và hiệu quả hơn. Dĩ nhiên là khi sửa luật, sẽ dẫn đến vấn đề một số điều luật mâu thuẫn với nhau, khiến cho thủ tục phê duyệt có thể bị trục trặc, không thể xử lý. Nếu các bộ ngành có thể xử lý rốt ráo những bất cập này sẽ giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong thời gian tới.
Mặt khác, khi mọi công đoạn phát triển dự án được đẩy nhanh và chuẩn chỉnh hơn, thì mặt bằng giá nhà cũng sẽ được kiểm soát ổn định, tao điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân đều có thể sở hữu nhà.
PV: Xin cảm ơn ông!