Theo số liệu của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, các KCN, KKT thu hút được 445 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7 tỷ USD và 259 dự án đầu tư trong nước (DDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 46.000 tỷ đồng.
Nhiều dự án "khủng"
Một số dự án có số vốn đầu tư lớn vào KCN, KKT trong năm 2018 như dự án mở rộng nhà máy của công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh.
Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,201 tỷ USD tại KCN Cái Mép. Dự án công ty TNHH Laguna (Việt Nam) điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD tại KKT Chân Mây – Lăng Cô.
Dự án Nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định tại KCN Bảo Minh với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD. Dự án Nhà máy YKK Hà Nam tại KCN Đồng Văn III với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD…
Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp thuê nhà xưởng, kho bãi, một số doanh nghiệp phát triển BĐS công nghiệp cũng đang tăng tốc đầu tư nhằm đón đầu cơ hội các nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Đơn cử như công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial), một liên doanh giữa quỹ đầu tư Warburg Pincus và Tổng công ty Becamex IDC hướng tới việc cung cấp nhà kho hiện đại, nhà xưởng xây sẵn cho thuê và các sản phẩm liên quan đến BĐS công nghiệp tại các KKT để đáp ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Hiện liên doanh đã mua 8 dự án với hơn 2 triệu m2 đất công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh để phục vụ cho mục tiêu trên.
Các doanh nghiệp phát triển hạ tầng sản xuất nước ngoài trước đây như Amata (Thái Lan), Sembcorp (Singapore)… cũng đang gia tăng việc xây dựng, cung cấp nhà xưởng nhằm đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam.
Hemaraj, một tên tuổi khác của Thái Lan, đang có dự án hợp tác với doanh nghiệp trong nước để xây dựng hạ tầng khu công nghiệp – đô thị ở tỉnh Nghệ An. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ, quy mô 3.200 héc ta.
Cũng theo thống kê này, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53%, riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 73%. Số lượng các KKT ven biển đã thành lập là 17 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 845 nghìn ha.
"Đất lành chim đậu"
Trả lời báo chí về phát triển BĐS công nghiệp mới đây, Ts. Ngô Anh Tuấn, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang chọn Việt Nam là quốc gia để đặt nhà máy sản xuất và đầu tư dài hạn…
Do đó, Việt Nam sẽ là điểm đến của các DN nước ngoài lớn sau khi các FTA được đàm phán và thực thi. Đây sẽ là cầu tăng đối với BĐS công nghiệp khi các DN lớn của nước ngoài sẽ tăng cường đặt các nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhằm tận dụng được những ưu đãi về thuế và chi phí nhân công cạnh tranh.
Lãnh đạo công ty JLL Việt Nam cho biết số lượng các công ty có nhu cầu dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc ngày càng tăng, vì chi phí lao động ngày càng tăng và môi trường kinh doanh đầy thử thách.
Trong khi đó, Việt Nam có hàng loạt yếu tố thu hút doanh nghiệp, như chi phí lao động thấp, khu kinh tế có nhiều ưu đãi về thuế và việc ký kết các FTA với EU, Hàn Quốc, CPTPP và gần đây là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung…
Lãnh đạo công ty JLL Việt Nam dự báo ngành công nghiệp và logistics ở Việt Nam sẽ tăng trưởng trong những năm tới và nhu cầu của các nhà đầu tư, nhà sản xuất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 KCN, trong đó diện tích cần khoảng 200 nghìn ha, phấn đấu tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng lên 60% so với 40% hiện nay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đi kèm với sự phát triển, thị trường BĐS công nghiệp cũng đối mặt nhiều rủi ro, bất ổn như ô nhiễm môi trường, thu hẹp an ninh lương thực, phá vỡ quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương và cả nước. Do đó, cần phải lường trước rủi ro và tận dụng cơ hội để phát triển bền vững.
Theo các kiến nghị này, Chính phủ cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS công nghiệp. Minh bạch hoá thông tin quy hoạch BĐS, tạo điều kiện để quy luật cung cầu thị trường vận hành có hiệu quả. Chính phủ tập trung nghiên cứu và định hướng sự phát triển của thị trường theo hướng khắc phục các thất bại của thị trường.