Đề kháng tốt nhờ nhu cầu cao
Báo cáo mới được đưa ra bởi Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho thấy, bất chấp những lo ngại về dịch bệnh và sự hạn chế tập trung đông người, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Thậm chí, trong quý I/2020, giá đất bình quân đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tại thị trường phía Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc. Giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Nhà xưởng xây sẵn, lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4 - 5 USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy”, báo cáo JLL nhấn mạnh.
Theo JLL Việt Nam, từ tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, việc hạn chế di chuyển giữa các khu vực đã khiến các giao dịch bị đình trệ do các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, không thể trực tiếp thực địa và làm việc với chủ đầu tư khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy toàn khu vực tăng ở mức tương đối cao, khoảng 72% tính đến cuối quý I năm nay.
Còn tại thị trường phía Nam, JLL Việt Nam cũng ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, việc phát triển logistics, cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này vì quá trình phát triển cho những thay đổi đáng kể về hạ tầng vẫn diễn ra chậm chạp, do đó các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác.
“Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5 - 5USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại”, báo cáo nêu rõ.
Cơ hội từ dòng vốn FDI
Theo nhận định của JLL Việt Nam, dưới tác động của Covid-19, việc tạm hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới có khả năng ngày càng rõ nét hơn nếu tình hình không sớm cải thiện. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát.
JLL Việt Nam cho rằng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, khi họ đã quá phụ thuộc vào một quốc gia.
Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất vốn đã được đẩy nhanh vì căng thẳng thương mại vào năm ngoái diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh này, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp trong tương lai.
Trong khi đó, ông John Campbell, quản lý bộ phận dịch vụ công nghiệp của Công ty Savills Vietnam cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp hoạt động tốt trong năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể. Tuy nhiên quý I/2020 thị trường phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục sau đại dịch và làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc để tăng tốc dựa vào các nguyên nhân chính như chi phí lao động thấp, giá đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, các hiệp định quốc tế, địa điểm lý tưởng, dân số trẻ”, ông John Campbell nói.
Theo ông John Campbell, nguồn cung đất hiện tại đang có nhu cầu cao cho các hoạt động đầu tư sản xuất và các dự án được hình thành trong tương lai. Thị trường cần thêm nhà phát triển cung cấp giải pháp cho thuê linh hoạt như các giải pháp nhà xưởng xây sẵn (RBF) và nhà xưởng xây theo nhu cầu (BTS). Đồng thời, cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, phát triển thị trường bán lẻ và thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và giao dịch lớn trong các ngành có giá trị cao hơn, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.
Về phía đơn vị chuyên đầu tư vào chuỗi nhà xưởng dịch vụ xây sẵn tại Long An, ông Nam Kyoung Wan, phụ trách khối doanh nghiệp Hàn Quốc của Công ty cổ phần Kizuna, cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam từ Trung Quốc do tác động của dịch Covid-19 không giống với năm 2019. Dịch bệnh Covid-19 gây ra sự ngưng trệ của các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn thế giới.
“Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị suy thoái từ cả hai phía cung và cầu, không giống như các cuộc khủng hoảng kinh tế khác trong quá khứ. Các tập đoàn đa quốc gia giảm ít nhất 30% các khoản đầu tư mới, đồng nghĩa dòng vốn FDI cũng sẽ giảm tương ứng 30% so với năm trước”, ông Nam Kyoung Wan cho biết.
Cũng theo ông Nam Kyoung Wan, trong trường hợp đại dịch Covid-19 không bị đánh bại trong vòng 2 tháng tới, các công ty lớn sẽ chịu áp lực rất lớn do đòn bẩy tài chính của họ gặp vấn đề.
“Trong tình trạng hỗn loạn lớn về tài chính, không có công ty nào có thể nghĩ đến việc đầu tư vào các quốc gia khác, ngay cả đất nước của họ, họ bận lo sống sót để vượt qua đại dịch”, ông Nam Kyoung Wan nói và nhấn mạnh thêm, thời điểm này là lúc Chính phủ Việt Nam nên xây dựng các chính sách để có thể giữ chân, giúp các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn.
Ông Nam Kyoung Wan phân tích rằng, dịch Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm quy mô sản xuất. Tại Kizuna, khoảng 25% các doanh nghiệp đã giảm công suất sản xuất, đa số là các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn đã tạm ngừng hoạt động trong tháng 4 theo chỉ thị của Chính phủ Việt Nam.
“Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc bị ngưng trệ hoặc do đội ngũ lao động chuyên gia nước ngoài vẫn chưa thể quay lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết do đại dịch Covid-19”, ông Nam Kyoung Wan nói.
Nhìn một cách bao quát hơn, bà Shirakawa Satoko, phụ trách khối doanh nghiệp Nhật Bản và các quốc gia sử dụng tiếng Anh của Công ty cổ phần Kizuna, cho rằng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam sau khi dịch Covid-19 kết thúc, nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch với tổn thất tối thiểu, nhanh chóng mở cửa biên giới.
“Các doanh nghiệp quốc tế tiếp tục rời khỏi Trung Quốc để hạn chế rủi ro đã đối mặt từ năm 2019 như bạo loạn tại Hồng Kông và giờ là virus Corona, trong đó Việt Nam là điểm đến an toàn hơn. Xã hội Việt Nam đang phát triển ổn định, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiềm chế và kiểm soát đại dịch trên toàn quốc”, bà Shirakawa Satoko nói và cho biết, ngoài việc muốn giảm chi phí sản xuất, trong đó có chi phí nhân công khi dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản còn không muốn bị phụ thuộc vào Trung Quốc để hạn chế rủi ro, sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam nhanh chóng hơn.
“Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp khối Nhật Bản và các quốc gia nói tiếng Anh vẫn tiếp tục gia tăng tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tại các khu nhà xưởng xây mới của Kizuna nói riêng bằng hình thức trực tuyến. Các cuộc khảo sát thực tế để ra quyết định đầu tư được hoãn lại do các quốc gia đóng cửa biên giới. Quy mô đầu tư xưởng sản xuất cũng đang được xem xét để phù hợp với kế hoạch đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới”, bà Shirakawa Satoko nói.