Aa

Bất động sản “đặc khu”: Cơ hội nào cho 2019?

Thứ Năm, 21/02/2019 - 06:00

Mặc dù năm 2018 đã qua đi với sự chững lại của thị trường bất động sản “đặc khu kinh tế tương lai” sau cơn bão sốt đất, song giới đầu tư lạc quan nhận định rằng, thị trường này sẽ trở lại thành miền đất hứa cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bùng nổ vào năm 2019.

Nhìn lại “cơn bão” năm 2018

Năm 2018 là một năm đầy biến động của thị trường bất động sản. Cũng là năm mà giới đầu tư nhắc đến cụm từ “bất động sản đặc khu” nhiều đến nỗi… khiến cho thị trường nơi đây đã trở thành tâm điểm chi phối đến bức tranh bất động sản chung của cả nước.

Kể từ thời điểm cuối năm 2017, khi thông tin 3 địa phương Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) dự kiến lên đặc khu kinh tế, thị trường bất động sản nơi đây bắt đầu chuyển dịch và khởi sắc. Đến đầu năm 2018, lượng giao dịch tại 3 địa phương trên tăng đột biến.

Tại Vân Đồn, vị trí có giá biến động mạnh nhất là khu vực gần sân bay quốc tế Vân Đồn với mức giá 30 -40 triệu đồng/m2, cá biệt có nơi lên tới 60 triệu đồng/m2. Cũng theo Báo cáo thị trường Quý I của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mức giá bất động sản ở Vân Đồn tăng gấp 5 - 6 lần so với năm 2016 - 2017.

Nằm trong cơn sốt đó, một số điểm tại thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) thuộc Bắc Vân Phong giá đất vọt lên 60 - 70 triệu đồng/m2. Ở những xã thuộc huyện Vạn Ninh như Vạn Thắng, Vạn Thọ, dù cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn song giá cũng tăng gấp chục lần so với trước đó. Đại diện chính quyền nơi đây cho biết, trong quý I của năm 2018, số giao dịch chuyển nhượng mà huyện tiếp nhận và giải quyết là khoảng 2.300 hồ sơ, gần gấp đôi so với cả năm 2016 và bằng 65% tổng hồ sơ cả năm 2017.

Trong khi đó, bất động sản Phú Quốc cũng chứng kiến sự biến động giá mạnh mẽ. Giá đất tăng gấp 18 – 20 lần tại các xã như Dương Tơ, Hàm Ninh. Thống kê từ văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc, lượng giao dịch bình quân mỗi ngày trên 300 khách và có tới 1.000 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mỗi tháng. 

Đặc khu kinh tế tương lai Phú Quốc. (Ảnh: Zing)

Đặc khu kinh tế tương lai Phú Quốc. (Ảnh: Zing)

Chưa bao giờ, những nhà đầu tư nhỏ lẻ lại có thể đổ tiền vào đất một cách dễ dàng như vậy. Họ chưa cần biết vị trí ở đâu, quy hoạch ra sao, chỉ cần gắn mác “đất đặc khu” là sẵn sàng xuống tiền. Ngay cả những nhà đầu tư lão luyện cũng phải ngạc nhiên bởi cơn bão sốt đất quá lớn.

Ở thời điểm Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong đang nóng như chảo lửa, chính quyền tại 3 địa phương đã phải sử dụng công cụ hành chính nhằm kiểm soát sự biến động quá mạnh của giá cả. Nhưng đến ngày 11/06, thông tin Quốc hội tạm dừng chưa thông qua Luật Đặc khu đã khiến thị trường tại 3 địa phương trênrơi vào tình trạng gần như “đóng băng”.

Tương lai đi về đâu?

Đánh giá từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá đất tại các khu vực trên vẫn giữ ở mức cao nhưng tính thanh khoản thấp. Các nhà đầu tư và nhân viên môi giới có cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường.

Trên góc độ phân tích khác, giới đầu tư cho rằng, dù bị “đóng băng” sau cơn sốt đất song năm 2018 là bản lề để thị trường bất động sản “đặc khu tương lai” bứt phá vào năm 2019. Nhiều chuyên gia dự báo, với định hướng chiến lược biến Vân Đồn và Phú Quốc trở thành điểm du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại nơi đây được kỳ vọng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ vào năm tới.

Tính đến nay, Vân Đồn gần như đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng với tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Cũng theo phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nơi đây được định hướng trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo. Nhờ chiến lược lâu dài đó cùng sự phát triển tổng thể mà Vân Đồn đang đạt được, nhiều nhà đầu tư lớn tại Vân Đồn cho rằng, chẳng có lý do gì khiến họ rút khỏi nơi đây. 

Như lời chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HD Mon Holdings: “Dù có chững lại nhưng Vân Đồn vốn là điểm du lịch và rất có tiềm năng phát triển du lịch nên sẽ không có chuyện đất đai đóng băng”. Lời khẳng định của vị Chủ tịch HD Mon Holdings hoàn toàn có cơ sở khi đến thời điểm hiện tại, Vân Đồn đã và đang thu hút rất mạnh mẽ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Sungroup, FLC, CEO Group, HD Mon,… 

“Dù có chững lại nhưng Vân Đồn vốn là điểm du lịch và rất có tiềm năng phát triển du lịch nên sẽ không có chuyện đất đai đóng băng”.

- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HD Mon Holdings

Trong khi đó, thị trường bất động sản Phú Quốc tiếp tục vẫn khẳng định là “hòn Ngọc” lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư. Với định hướng chiến lược trở thành điểm du lịch, Phú Quốc chưa bao giờ từ bỏ lỡ cơ hội để trở thành cực hút các nhà đầu tư và dòng vốn trên thị trường khi nơi đây liên tục chào đón các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như VinGroup, Sun Group… Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Phú Quốc đã thu hút 279 dự án đầu tư cùng số vốn lên tới 270.500 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản đặc khu, “Phú Quốc được định hướng trở thành trung tâm du lịch. Thế nên, nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều điểm tựa như casino, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và sự đầu tư ồ ạt từ các doanh nghiệp lớn. Với tiềm lực vốn có, Phú Quốc vẫn sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”. Ông Giới khẳng định, năm 2019, thị trường bất động sản Phú Quốc sẽ trở nên sôi động trở lại, nhất là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.  

Dù được giới đầu tư đánh giá trầm lắng hơn so với Vân Đồn và Phú Quốc, song Bắc Vân Phong vẫn được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm 2019.  Với mục tiêu ưu tiên phát triển Bắc Vân Phong là cảng biển quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm dịch vụ - du lịch hiện đại có casino, có dịch vụ y tế, giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển công nghệ cao và chuyển giao công nghệ ngang tầm thế giới, giới đầu tư nhận định rằng, Bắc Vân Phong sẽ sớm sôi động trở lại mạnh mẽ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top