Bão giá trên giấy
Những ngày cuối tháng 9, từ TP.HCM xuôi theo Quốc lộ 51 về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngã rẽ vào xã Lộc An, xã Bình Sơn (huyện Long Thành), dù nằm cách khu quy hoạch sân bay Long Thành hàng chục ki-lô-mét, nhưng những tấm biển rao mua bán nhà đất, văn phòng đất đai hiện ra như nấm sau mưa.
Thử gọi vào một số điện thoại trên tờ quảng cáo, ngay lập tức, chúng tôi được Nguyễn Đình Thanh, nhân viên của một sàn môi giới tại xã Bàu Cạn, dẫn đến một dự án nằm bên tỉnh lộ 769 và xởi lởi giới thiệu, khu đô thị này chỉ cách sân bay 5 phút, gần Trung tâm hành chính huyện Long Thành, gần các khu công nghiệp lớn, có sổ đỏ riêng từng nền… và giá chỉ 1,5 tỷ đồng/100m2.
Lý giải về mức giá rẻ, Thanh cho rằng, do khu đất 2,5ha này không phải san nền nên tiết kiệm được chi phí và hiện đã bán khoảng 70% nền đất với diện tích từ 80 - 183m2, chỉ cần kéo điện ra là có thể xây dựng.
Thấy chúng tôi tỏ ý chê “dự án” này còn ít sản phẩm nên không thể lựa chọn, môi giới dẫn đến thăm một khu khác có diện tích rộng hơn 1ha đã được san lấp mặt bằng và cho biết, khu vực này đang nóng lên trông thấy, nếu “các anh quyết định ngay bây giờ thì mới có giá từ 1,5 - 5 tỷ đồng/100 m2 tùy vị trí”.
“Sân bay đã đi vào khởi công, anh suy nghĩ nhanh không cuối tuần khách kéo về đông tụi em không giữ chỗ được”, nhân viên này hối thúc.
Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin “nóng hổi” mà Thanh đưa ra, dọc tuyến đường chính của xã Bàu Cạn, Phước Bình, đa số các sàn giao dịch vắng tanh, vài nhân viên môi giới rỗi việc ngồi lướt điện thoại, chứ không có cảnh tấp nập người ra kẻ vào, “mua không kịp sẽ hết”… như được vẽ ra. Những “dự án” được giới thiệu ở trên thực chất là các khu đất thu gom của dân rồi phân lô để bán.
Chim sợ cành cong
Sở dĩ thị trường Long Thành, Đồng Nai trầm lắng bất thường, theo các chuyên gia, là do nhà đầu tư đang gặp hội chứng “chim sợ cành cong” sau khi họ đã được rỉ tai rất nhiều tin đồn quy hoạch, sốt đất không có thật. Chẳng hạn, câu chuyện kéo sân bay Long Thành về địa giới TP.HCM một thời được bàn tán xôn xao thực tế là tin vịt.
Bên cạnh đó, giới "cò" đất còn vẽ ra rất nhiều dự án ảo như khu văn phòng tòa nhà Quốc hội phía Nam quy mô 42ha, Khu công nghiệp Long Đức mở rộng 292ha, Đại học Giao thông - Vận tải 28ha, Đại học An Ninh 23ha, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Phương Nam 25ha tại Long Thành... để gây nên những cơn bão giá.
Phân tích sâu hơn động thái thổi giá ảo, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Sea Holdings cho rằng, chiêu thức phổ biến hiện nay là các tay cò đất, thậm chí không loại trừ một số sàn môi giới sử dụng các thông tin nửa thực nửa ảo để bẫy khách hàng.
Sau khi tạo được tin đồn, giới cò đất bắt đầu tiếp cận nhà đầu tư thông qua mạng xã hội, hoặc gọi điện tư vấn trực tiếp về xu hướng “đón đầu quy hoạch”, thậm chí bỏ tiền ra tự tạo kịch bản, tạo tình huống mua bán thật để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh khuyến cáo về sự thận trọng của nhà đầu tư, ông Phương cũng cho rằng, sự thiếu công khai của các thông tin quy hoạch từ chính quyền chính là mảnh đất màu mỡ để tin đồn phát tán. “Thậm chí, chính quyền phải tư vấn, hỗ trợ người dân tìm hiểu các thông tin quy hoạch mới để ổn định trật tự xây dựng địa phương”, ông Phương nói.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh lại cho rằng, bản thân Sân bay Long Thành có sức hút lớn, nhưng nếu đầu tư thì phải có tầm nhìn từ 5 năm trở lên.
“Còn câu chuyện tung tin đồn để thổi giá giờ khó lừa các nhà đầu tư dày dạn lắm, nên diễn biến thị trường Long Thành, Đồng Nai hiện bình thường hay bất thường còn phụ thuộc vào góc nhìn đầu tư của từng người”, ông Chánh nói.