Đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại khu vực Chùa Hương của doanh nghiệp Xuân Trường mặc dù chưa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận nhưng đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của người dân xã Hương Sơn cũng như dư luận xã hội trong thời gian vừa qua. Nhiều người lo ngại siêu dự án cạnh chốn tâm linh Chùa Hương nếu được triển khai, xây dựng sẽ tác động đến giá trị tâm linh của di tích quốc gia đặc biệt này và cảnh quan thiên nhiên vốn có.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng, việc người dân lo ngại dự án sẽ phá hủy cảnh quan thiên nhiên hay giá trị văn hóa, tâm linh của di sản là điều tất nhiên, tuy vậy, không nên quá vội vàng trong việc phán xét, “ném búa rìu” vào đầu doanh nghiệp khi họ đề xuất những ý tưởng để tham gia phát triển văn hóa, du lịch. “Trước hết, khi doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất một dự án hết sức nhạy cảm như vậy thì doanh nghiệp, các nhà quản lý cũng như các nhà hoạch định chính sách sẽ phải xem xét và tìm hiểu kỹ lưỡng để đưa ra phương án tối ưu nhất. Nếu đề xuất này được tiến hành làm một cách đồng bộ, có mục đích chính đáng và được quản lý tốt thì tôi nghĩ đây là một việc làm rất tốt, nên được khuyến khích”.
“Doanh nghiệp Xuân Trường đã có công và vai trò rất lớn, họ không chỉ rót tiền mà còn rót chất xám, tâm huyết vào di sản Tràng An. Vì vậy, Tràng An đã trở thành di sản kép của thế giới, vừa là di sản thiên nhiên vừa là di sản văn hóa.
Vịnh Hạ Long cũng vậy, nếu như không có sự đóng góp, đầu tư của doanh nghiệp thì Hạ Long không thể trở thành viên ngọc quý của cả thế giới. Đà Nẵng cũng là một ví dụ, cây cầu Vàng cũng đã trở thành một biểu tượng linh thiêng của du lịch Việt Nam. Sự đầu tư của doanh nghiệp nếu đi đúng hướng sẽ là rất tốt và đem lại nhiều lợi ích, lợi ích cho chính doanh nghiệp, đất nước và thậm chí là cả thế giới”, TS Nguyễn Ánh Hồng nêu dẫn chứng.
Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng, không nên chỉ vì những lo sợ mà cấm việc doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch, “Vấn đề là dừng lại ở bao nhiêu phần trăm thì đảm bảo được tính khoa học. Một số quần thể bất động sản xây dựng ở khu vực tâm linh nếu có thể phá vỡ cảnh quan, môi trường chung và làm mất đi tính thiêng của khu vực tâm linh thì cũng không nên. Nhưng nếu như thiếu dự án ở những khu vực tâm linh thì sẽ không thúc đẩy được dịch vụ du lịch. Khu tâm linh lúc này chỉ mang tính linh thiêng mà không gắn liền với sự phát triển của xã hội. Do vậy, muốn phát triển thì phải có tính đồng bộ, khoa học và được quản lý một cách hiệu quả”.
Cũng theo bà Hồng, mấu chốt của vấn đề là doanh nghiệp phải có một sự hiểu biết nhất định, chuyên sâu về các lĩnh vực của di sản, phải hình dung được quá trình tôn tạo, trùng tu, bảo vệ, phát huy thì ở đâu là ranh giới, là điểm dừng. Khi khai thác các thế mạnh, các giá trị của di sản thì phải đảm bảo di sản phải bảo tồn được giá trị gốc, mặt khác phải để di sản có sự bổ sung, sự kế thừa để phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.
“Nếu các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế mà không chú trọng đến lợi ích tinh thần thì sẽ không ổn. Nhưng nếu chúng ta cứ giữ quan điểm truyền thống là bảo tồn một cách nguyên vẹn mà không vận động phát triển thì đó cũng là cách giết chết di sản, di tích chứ không phải tốt cho di tích”, bà Hồng nhấn mạnh.
Theo TS Hồng, cách bảo tồn tốt nhất là vừa giữ nguyên giá trị nhưng cũng vừa vận động, phát triển. Cụ thể, bảo tồn ở đây là bảo tồn các yếu tố tĩnh tại, những yếu tố có giá trị, không phải là bảo tồn cấu trúc. Hay nói cách khác, bảo tồn phải vì mục đích là phục vụ cho phát triển. Cho nên muốn để thúc đẩy du lịch và bất động sản phục vụ cho văn hóa du lịch của người Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, một mặt phải phát triển, mặt còn lại vẫn bảo tồn. Nếu bảo tồn theo hướng “giữ khư khư hay đóng cửa để đấy” các khu có di sản, di tích, danh lam thắng cảnh thì sẽ có tác hại rất lớn. Nó làm ngưng lại dòng chảy của cuộc sống, làm cho quá khứ và hiện tại tách biệt nhau.
Bên cạnh đó, việc chúng ta phải kêu gọi đầu tư, hỗ trợ trong hoạt động xã hội hóa cũng là một trong những yếu tố để phát triển du lịch. Du lịch không thể không liên quan và không phụ thuộc vào yếu tố kinh phí. Nhưng đầu tư của doanh nghiệp như thế nào lại là vấn đề khác. Khi mà các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tâm linh thì phải bắt tay cùng với các nhà quản lý văn hóa và đặc biệt là bắt tay với nhà quản lý xã hội. Nếu các các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp ngồi lại với nhau để bàn bác thì sẽ có được những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi. “Nếu chúng ta giải quyết được bài toán là phải cân bằng giữa hai yếu tố bảo tồn và phát triển thì tất cả sẽ được hưởng lợi, từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở vùng di sản và rộng hơn là mang lại ích kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tuy nhiên, để việc phát triển của doanh nghiệp không đi quá giới hạn, theo bà Hồng, chắc chắn đó không phải là một điều dễ dàng, vì vậy cần phải có những tọa đàm khoa học để các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa, nhà đầu tư ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ những khó khăn để tìm ra tiếng nói chung thì lúc đó mọi việc sẽ được giải quyết.
Các doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình này, trước hết họ phải biết lắng nghe ý kiến của chuyên gia, biết tham vấn các nhà quản lý, các chuyên gia và cộng đồng để xem cộng đồng đang nghĩ gì vì người được hưởng lợi ích đầu tiên sẽ là cộng đồng. Doanh nghiệp không thể vội vàng mà phải có những bước hoạch định trước, đồng thời lắng nghe phản biện của xã hội và sau đó hoàn thiện kế hoạch của mình. Kế hoạch đó phải được cân nhắc, lựa chọn để đi theo hướng khả thi nhất và để bảo tồn nguyên vẹn giá trị gốc nhưng đồng thời không làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, trong câu chuyện phát triển bất động sản du lịch vùng di sản, cơ quan quản lý cũng có vai trò rất lớn. Quản lý sẽ giúp cho quá trình thực thi dự án của doanh nghiệp đi đúng lộ trình và đảm bảo đúng pháp luận nhưng đồng thời cũng thỏa mãn nhu cầu và tâm nguyện của doanh nghiệp.