Aa

Bất động sản giải trí: "Mỏ vàng" chờ người khai phá

Thứ Tư, 14/11/2018 - 01:35

Là loại hình bất động sản chuyên biệt và đặc thù, bất động sản giải trí gắn bó chặt chẽ với du lịch. Một nghịch lý không thể phủ nhận rằng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu để ăn uống, nghỉ ngơi, tắm biển, dạo phố,… và sau đó đi về bởi vì Việt Nam không có nhiều dịch vụ đủ hấp dẫn để giữ chân họ.

Vẫn ở dạng tiềm năng

Theo các con số thống kê, hằng năm, ngành du lịch giải trí đem về cho các quốc gia Đông Nam Á hàng chục triệu đô la. Đơn cử, một đất nước nhỏ bé như Singapore cũng đạt lượng doanh thu khổng lồ là 15,7 tỷ USD vào năm 2015. Trong khi đó, sở hữu diện tích rộng lớn và nhiều cảnh quan thiên nhiên tầm cỡ quốc tế nhưng ngành du lịch giải trí của Việt Nam cũng chỉ đạt con số này.

Lĩnh vực du lịch của Việt Nam thời gian qua liên tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng; đặc biệt là trong ba năm trở lại đây đều đạt mức tăng trưởng 2 con số/năm. Năm 2015, ngành du lịch đón 8 tiệu lượt khách quốc tế và 57 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu 338.000 tỷ đồng. Năm 2016, đón 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa và doanh thu trên 400.000 tỷ đồng… Riêng 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cầu Vàng tại Sun World Bà Nà Hill

Cầu Vàng tại Sun World Bà Nà Hill.

Với sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch, bất động sản giải trí đang có rất nhiều lợi thế để phát triển. Với nguồn cầu ngày càng lớn trong khi nguồn cung đang rất hạn hẹp như hiện nay, bất động sản giải trí còn rất nhiều dư địa để các nhà đầu tư “sinh lời”.

Là loại hình bất động sản chuyên biệt và đặc thù, bất động sản giải trí gắn bó chặt chẽ với du lịch. Một nghịch lý không thể phủ nhận rằng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu để ăn uống, nghỉ ngơi, tắm biển, dạo phố,… và sau đó đi về bởi vì Việt Nam không có nhiều dịch vụ đủ hấp dẫn để giữ chân họ. Trong khi đó, con số thống kê về lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng rất đáng chú ý. Theo Hiệp hội lữ hành Việt Nam, hằng năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 6 tỷ USD. Lượng tiền tính bằng tỷ USD mà người Việt tiêu dùng ở nước ngoài có một phần lý do bắt nguồn từ việc các khu du lịch, khu vui chơi – giải trí trong nước không có đủ sức hấp dẫn với người dân.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam phát triển phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí hơi chậm so với nhu cầu phát triển cũng như tiềm năng du lịch. Cũng vì thế mà việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng giải trí trở nên không đồng bộ trong thời gian qua: có lễ hội nhưng không đủ hạ tầng để đảm bảo lễ hội diễn ra tốt đẹp. Các dự án du lịch – nghỉ dưỡng hiện nay đa phần mới chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tiên là để ở mà chưa chú trọng đến hai nhu cầu lớn của khách hàng khi tìm đến trong một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng là mua sắm và vui chơi giải trí.

Thực tế, bất động sản giải trí đã xuất hiện tại Việt Nam, nhất là những năm gần đây, tuy nhiên xét cả quy mô và loại hình dường như vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch. Hằng năm, vẫn có những cảnh tượng phổ biến như dòng người đông đúc, chen lấn tại các khu du lịch tâm linh (Đền Hùng, Chùa Hương,…) vào các mùa lễ hội, cảnh người dân chen chúc tại các trung tâm thương mại (Royal City, Times City, Vincom Bà Triệu, Mipec, Keangnam,…) Và cả những địa điểm truyền thống như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, Bách Thảo,… cũng không kém phần đông đúc vào dịp cuối tuần.

Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nguồn cung về bất động sản giải trí cũng chưa thực sự đa dạng. Hầu hết các khu vui chơi giải trí truyền thống như công viên, các khu vui chơi ngoài trời hay các trung tâm thương mại cũng chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân. Trong khi đó, nhu cầu về mua sắm, tiện tích và giải trí vẫn còn rất hạn chế.

Những bước chân tiên phong

Tại các thành phố lớn, bất động sản giải trí đã hình thành trong lòng các đô thị hoặc nằm ở rìa thành phố. Phổ biến và đang duy trì được khả năng thu hút khách du lịch là các mô hình giải trí kiểu cũ như Đầm Sen, Suối Tiên hay Đại Nam ở TP.HCM, Thiên Đường Bảo Sơn tại Hà Nội… Các khu vui chơi giải trí này không còn đơn thuần như các công viên bình thường mà đã có sự kết hợp những giá trị dân gian, cảnh quan và một số công nghệ giải trí hiện đại để phục vụ nhu cầu của du khách.

Bên cạnh các khu vui chơi này, hiện nay, Việt Nam đã tiến theo xu hướng chung của thế giới, thực hiện xã hội hóa đầu tư mảng bất động sản giải trí để phát triển du lịch như các thành phố du lịch – giải trí nổi tiếng trên thế giới như Pattaya, Genting, Lan Quế Phường,...

Trò chơi mạo hiểm tại công viên Vipearl Land Phú Quốc.

Trò chơi mạo hiểm tại công viên Vipearl Land Phú Quốc.

Tham gia vào thị phần này chủ yếu là các “ông lớn” trong ngành bất động sản với những sản phẩm tiếng tăm, là những bước đi đầu tiên khai phá thị trường bất động sản giải trí tại Việt Nam.

Thương hiệu Sun Group đóng góp vào hệ thống này một chuỗi dự án chất lượng cao, gồm Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng), Sun World Danang Wonders (Đà Nẵng), Khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Lào Cai), tổ hợp Sun World Halong Complex (Hạ Long, Quảng Ninh), Universal Studios ở dự án Kim Quy (Hà Nội), hay tổ hợp cáp treo Hòn Thơm (Phú Quốc)…

Sun Group rất quan tâm đến việc khai thác tiềm năng du lịch – giải trí tại các thắng cảnh tự nhiên, đưa đến cho khách du lịch trải nghiệm, khám phá sự hũng vĩ của thiên nhiên bằng hình thức cáp treo. Sun Group hiện là chủ đầu tư của hàng loạt dự án cáp treo đạt kỷ lục thế giới tại Việt Nam mà mở đầu là hệ thống cáp treo Bà Nà Hills (Đà Nẵng), bắt đầu xây dựng năm 2007, đạt 4 kỷ lục thế giới vào năm 2013.

Tập đoàn Vingroup cũng gây ấn tượng với hệ thống gồm Vinpearl (Nha Trang, Khánh Hòa), Vinpearl Safari Phú Quốc (Kiên Giang)…

Hệ thống vui chơi giải trí tại Vinpearl vẫn đang được nâng tầm toàn diện, sánh ngang với các khu vui chơi giải trí cao cấp trên thế giới. Hàng loạt trò chơi bãi biển được bổ sung như: Đứng trên nước, lái xe trượt nước, cano kéo dù, lướt sóng sau cano, canoeing – chèo xuồng, bóng nổi, đi dạo dưới đáy biển, tàu lặn biển, tàu đáy kính…

Song song với đó, toàn chuỗi phát triển mạnh các hệ thống dịch vụ chuyên biệt “chỉ có tại Vinpearl” như hệ thống vườn thú mở Safari; hệ thống sân golf cao cấp; hệ thống hội nghị, ẩm thực, vui chơi giải trí liên hoàn Ocean Hill và Almaz… nhằm mang lại trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

Công viên vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc là công viên đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế xây dựng theo quy mô Safari - một mô hình sở thú bán hoang dã nổi tiếng khắp thế giới. Khu du lịch này vừa để du khách tham quan, vừa phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, dã ngoại tại những khu rừng nguyên sơ như thật 100% cùng với hệ thống quần thể động vạt quý hiếm và đa dạng.

Siêu dự án Cocobay Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Empire xuất hiện vào giữa tháng 6/2016 đã mang đến “làn gió mới” cho thị trường bất động sản Đà Nẵng với mô hình bất động sản đậm chất giải trí. Khách hàng đến đây có thể tận hưởng mô hình tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí thực thụ chứ không chỉ theo phong cách đơn thuần.

Không chỉ đa dạng, phong phú về các loại hình bất động sản giải trí, Cocobay còn tạo tiếng vang lớn trên thị trường bất động sản giải trí Việt Nam với các chương trình giải trí tầm cỡ, các sự kiện âm nhạc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Lễ hội Coco Fest là hoạt động thường niên diễn ra tại đây Cocobay Đà Nẵng. Mới đây nhất, Cocobay Đà Nẵng vinh dự được chọn là nơi tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2018 với nhiều phần thi và hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.

Có thể nói đây những màn mở đầu khá ấn tượng cho thị trường bất động sản giải trí tại Việt Nam, các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ đem lại những sắc màu mới, đáp ứng toàn diện “tam giác” nhu cầu du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí của du khách trong và ngoài nước. Giấc mơ ghi danh Việt Nam vào bản đồ giải trí thế giới sẽ ngày càng đến gần hơn với sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp.

 

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top