Bất động sản Hà Nam - Nhiều động lực vươn tầm

Bất động sản Hà Nam - Nhiều động lực vươn tầm

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 04/02/2024 - 06:00

Những năm gần đây, sức hấp dẫn của Hà Nam đối với các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ trong và ngoài nước ngày càng tăng lên. Nhờ đó, thị trường bất động sản Hà Nam được hưởng lợi từ những thành quả đáng ngưỡng mộ về thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng, công tác thu hút đầu tư là nhiệm vụ hàng đầu được tỉnh quan tâm thực hiện. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Mỹ và một số nước châu Âu. Hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đó cũng là lý do, những năm gần đây Hà Nam liên tiếp nằm trong Top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Năm 2022, toàn tỉnh thu hút 62 dự án (bằng 126,5% so với năm 2021), trong đó có 17 dự án FDI và 45 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 175 triệu USD và 19.990,7 tỷ đồng.

Đến năm 2023, bất chấp những khó khăn, tỉnh vẫn thu hút được 47 dự án và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 32 dự án với tổng vốn đăng ký mới là 393,8 triệu USD.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.156 dự án đầu tư còn hiệu lực (tăng 3,7% so với cùng kỳ), trong đó 369 dự án FDI và 787 dự án trong nước với vốn đăng ký 5.415,5 triệu USD và 168.894,4 tỷ đồng.

Trên tinh thần "không đánh đổi chất lượng lấy số lượng", tỉnh Hà Nam xây dựng chiến lược và các tiêu chí cụ thể để chọn lọc các dự án đầu tư trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: "Tỉnh thực hiện chủ trương khuyến khích, thu hút và thúc đẩy đầu tư nhưng không phải bằng mọi giá mà có chọn lọc theo định hướng phát triển chung của tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; kết hợp hài hòa phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu; chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng phát triển công nghiệp xanh và bền vững.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước có tính chất dẫn dắt, kết nối doanh nghiệp khác để tạo ra "hệ sinh thái công nghiệp" gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước, trong khu vực và thế giới".

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc thu hút đầu tư có chọn lọc cùng sự ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao đã và đang giúp Hà Nam thu hút số lượng lớn cán bộ, công nhân viên đến lao động, sinh sống trên địa bàn, tạo cơ hội cho thị trường bất động sản nhà ở, nhà cho thuê phát triển.

Hiện số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp tại Hà Nam đạt khoảng 80 nghìn người; trong đó số lao động trong tỉnh khoảng gần 50 nghìn người (chiếm 62%), số lao động ngoài tỉnh và lao động nước ngoài khoảng 30 nghìn người (chiếm 38%). Theo dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp.

"Như vậy, hiện tại và cả tương lai, nhu cầu về nhà ở ổn định đối với người lao động tại Hà Nam là vô cùng lớn. Nhất là các khu vực đầu mối giao lưu về kinh tế, nơi tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh. Nhu cầu nhà ở lớn trong khi thị trường tại Hà Nam chưa thực sự sôi động và còn thiếu hụt nhiều về nguồn cung thì chắc chắn, thị trường nhà ở tại đây vào thời gian tới sẽ rất nóng" - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Hạ tầng giao thông luôn được xem là "bệ đỡ" vững chắc cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Hạ tầng giao thông càng đồng bộ, thị trường càng thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hiểu được điều này, cùng lợi thế là cửa ngõ quan trọng phía Nam của Thủ đô Hà Nội, nhiều năm qua, Hà Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tạo đà để bất động sản tỉnh tăng giá trị, tăng sức hấp dẫn cũng như gắn liền sự phát triển của bất động sản với phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng, phát triển hạ tầng giao thông là bước đi rất quan trọng. Có phát triển hạ tầng giao thông thì mới phát triển được các lĩnh vực xã hội khác. Vì vậy, để trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, việc đầu tư phát triển hạ tầng, đưa hạ tầng "đi trước một bước" là điều mà Hà Nam luôn phấn đấu thực hiện.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025, việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng cũng được lãnh đạo tỉnh xác định là một trong ba khâu đột phá cần tập trung triển khai.

Thực tế cũng cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hà Nam rất tích cực đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Về đường bộ, nhiều tuyến quốc lộ quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Phủ Lý, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38, Quốc lộ 38 tuyến tránh thị trấn Hòa Mạc, Quốc lộ 38B… đã được tỉnh đầu tư xây dựng, tạo thành mạng lưới giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa. Tỉnh cũng chủ động hỗ trợ, phối hợp giữa các địa phương giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng.

Bất động sản Hà Nam - Nhiều động lực vươn tầm- Ảnh 1.
Bất động sản Hà Nam - Nhiều động lực vươn tầm- Ảnh 2.

Hà Nam thực hiện chủ trương khuyến khích, thu hút và thúc đẩy đầu tư nhưng không phải bằng mọi giá mà có chọn lọc theo định hướng phát triển chung của tỉnh. (Nguồn: Báo Hà Nam)

Theo Quy hoạch mạng lưới Đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam sẽ có thêm 3 tuyến cao tốc kết nối với hệ thống quốc lộ và đường tỉnh bao gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông (tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình), cao tốc Phủ Lý – Nam Định và đường Vành đai 5 Thủ đô. Đây được coi là bước đột phá rất lớn về hạ tầng, góp phần mở rộng giao thương giữa Hà Nam với các khu vực lân cận, thúc đẩy giá trị bất động sản nơi đây gia tăng nhanh chóng.

Về đường sắt, Hà Nam là một trong 21 tỉnh có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và kết thúc tại TP.HCM. Đây là tuyến đường dài nhất kết nối 3 miền của Tổ quốc nên thường xuyên được ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hạ tầng.

Năm 2022, Bộ Giao thông - Vận tải đã thẩm định và phê duyệt báo cáo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Theo đó, Bộ cũng chấp thuận nghiên cứu xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, thuộc địa phận TP. Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, với chiều dài 8.751m.

Về đường thủy, toàn tỉnh Hà Nam có 196km đường sông và 18 cảng, trong đó sông Hồng 4 cảng và sông Đáy 14 cảng nằm trong Quy hoạch cảng nội địa phía Bắc, tạo thành một mạng lưới giao thông khép kín, giúp cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện.

Với chủ trương không ngừng nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, có thể nói, Hà Nam là một trong số những tỉnh đi đầu tại Việt Nam có mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại và được quy hoạch bài bản. Đây cũng chính là lợi thế hàng đầu của tỉnh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Với hệ thống giao thông liên tục được nâng cấp, hoàn thiện cùng trợ lực từ thu hút nguồn vốn FDI vào các khu công nghiệp, có thể nói, Hà Nam đang từng bước đưa thị trường bất động sản của tỉnh "cất cánh". Theo giới chuyên gia, khi thị trường bất động sản cả nước bước vào chu kỳ mới, Hà Nam sẽ là "ngôi sao sáng" của thị trường và là "bến đỗ" hấp dẫn giới đầu tư.

"Tôi cho rằng, bất động sản Hà Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tỏa sáng khi bước vào một chu kỳ phát triển mới cùng với thị trường cả nước. Với việc liên tục đón sóng đầu tư hạ tầng, công nghiệp, Hà Nam sẽ nhanh chóng là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi các thành phố lớn", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

Theo chuyên gia, trước đây thị trường bất động sản phía Bắc chủ yếu tập trung tại khu vực Hà Nội, song do tốc độ đô thị hóa tại đây diễn ra mạnh mẽ, quỹ đất Thủ đô trở nên hạn hẹp nên các nhà đầu tư đang tìm đến những vùng đất mới để phát triển. Trong đó, Hà Nam sở hữu vị trí chiến lược ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô cùng quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông hoàn thiện và đặc biệt là nhu cầu nhà ở tăng mạnh sẽ là hướng đi đầy triển vọng cho giới đầu tư.

Bất động sản Hà Nam - Nhiều động lực vươn tầm- Ảnh 3.

Khu công nghiệp Thanh Liêm, Hà Nam (Nguồn: Báo Hà Nam)

Phân tích rõ hơn về tiềm năng phát triển thị trường bất động sản Hà Nam trong chu kỳ mới, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: "Hà Nam có quỹ đất dồi dào nhưng chưa có nhiều loại hình sản phẩm da dạng, chưa trải qua sốt đất, giá đất ở đây vẫn còn thấp. Vì thế, tiềm năng phát triển của bất động sản Hà Nam là rất lớn. Hơn nữa, các chính sách xúc tiến, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh trong thời gian qua cũng được đánh giá cao. Do đó, Hà Nam là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư biết đi trước đón đầu".

TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, nhà ở xã hội nên là ưu tiên phát triển của tỉnh Hà Nam trong thời gian tới để đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của đông đảo người dân, công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần đẩy mạnh hình thành các khu đô thị cao cấp để đáp ứng nhu cầu của một số nhóm chuyên gia nước ngoài.

Hiện nay, không ít chuyên gia nước ngoài làm việc tại Hà Nam nhưng chọn giải pháp sinh sống tại Hà Nội, do các khu nhà ở trên địa bàn tỉnh không đảm bảo an ninh, không có sự đồng bộ về tiện ích. Sự thiếu hụt nguồn cung bất động sản cao cấp còn gây trở ngại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp trong việc giữ chân những chuyên gia, kỹ sư và người lao động có tay nghề cao.

Vì vậy, để gỡ "nút thắt" cho nguồn cung bất động sản trên địa bàn tỉnh, trong chiến lược phát triển đô thị sắp tới, Hà Nam nên tập trung xây dựng các khu đô thị xanh, thông minh kết hợp cải tạo, chỉnh trang các khu chung cư hiện hữu, các khu vực mới đô thị hoá, đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ - TS. Nguyễn Văn Đính chia sẻ thêm./.

Hà Nam được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Nam sẽ trở nên giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo các chuyên gia, việc định hướng Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực mạnh mẽ để địa phương phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu và con người; xây dựng chiến lược quy hoạch đồng bộ, có chiều sâu, có sự hài hòa giữa không gian phát triển kinh tế và không gian văn hóa; tận dụng tiềm năng để trở thành cực phát triển mới trong Vùng Thủ đô. Đối với lĩnh vực bất động sản, tầm nhìn đưa tỉnh lên thành phố cũng sẽ mở rộng dư địa để bất động sản Hà Nam có những bước tiến vượt bậc trong tương lai.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top