"Ác mộng" giao thông
Thanh Huyền, một nhân viên văn phòng đang sinh sống tại khu vực Cầu Giấy cho biết, công ty cô vừa chuyển trụ sở lên khu vực Tây Hồ. Tuy khoảng cách từ nhà xa hơn so với nơi làm việc cũ tại Lê Văn Lương khoảng 5 - 6 cây số, nhưng cô cảm thấy rất nhàn nhã vì di chuyển nhanh hơn, ít tắc đường hơn và từ đó bớt đi nhiều mệt mỏi, bức bối.
Chưa kể, gần đó là công viên mặt nước, đường dạo bộ và hàng loạt hạ tầng tiện ích như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim với hàng loạt chuỗi nhà hàng, quán café, shop quần áo trong dãy shophouse chạy dọc con đường này. Huyền nói vui, việc chuyển văn phòng làm việc từ tuyến đường đau khổ Lê Văn Lương về khu đô thị "sang chảnh" ở Tây Hồ giống như "chuyển văn phòng sang Singapore" vậy.
Chỉ 10 năm trước, tuyến đường Lê Văn Lương nối xuống trục Tố Hữu từng là “con đường trong mơ” với lòng đường rộng đến 24m. Thế nhưng, sau vài năm, việc phải gánh thêm gần 40 dự án chung cư cao tầng và tòa nhà văn phòng từ 25 - 35 tầng khiến việc đi lại trên con đường này vào những giờ đi làm hoặc tan tầm trở thành "ác mộng".
Câu chuyện trên tuyến đường Lê Văn Lương không phải là trường hợp cá biệt, mà thực tế đã trở thành "đặc sản" của nhiều tuyến phố Hà Nội. Đến nỗi, thay cho “miếng trầu…”, người Hà Nội bây giờ có một thứ để “… làm đầu câu chuyện”, đó là “tắc đường”, bởi lẽ nhắc đến vấn nạn này, bao giờ cũng có cái để nói và dễ khơi gợi sự đồng cảm.
Thống kê cho thấy, mỗi năm, dân số Thủ đô ước tăng khoảng 200.000 người. Tính đến cuối năm 2018, dân số Hà Nội đạt khoảng 7,8 triệu người, dự báo tăng gấp đôi đến năm 2050. Không tính người dân các địa phương lân cận đến làm ăn theo mùa vụ và người vãng lai, mật độ dân số trung bình đã lên tới gần 2.300 người/km2.
Dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận nội thành cao gấp 4,9 lần so mật độ dân số trung bình toàn Thành phố (mật độ dân số trung bình của 12 quận là trên 11.200 người/km, trong đó cao nhất là quận Đống Đa trên 42.000 người/km2, thấp nhất là quận Long Biên cũng lên tới gần 5.000 người/km2).
Đường sá chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, cùng với việc mất cân đối trong quy hoạch hạ tầng giao thông, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị, thấp hơn nhiều so với nhiều đô thị kiểu mẫu trên thế giới với 20 - 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông. Thậm chí, một số khu vực theo nhiều khảo sát và thống kê cho thấy chỉ dành 3 - 5% diện tích đất cho giao thông.
PGS. TS Hồ Ngọc Hùng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, các giải pháp quy hoạch giao thông thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông thực tế đang ngày một tăng nhanh. Điều này khiến Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng thiếu hạ tầng giao thông trầm trọng. Tình trạng ùn tắc, thiếu điểm đỗ… vẫn đang là vấn đề nan giải trong bối cảnh dân số tăng nhanh, nhu cầu nhà ở cũng tăng theo, làm cho Hà Nội phát triển “nóng”, nhất là ở “vùng lõi”.
Các dự án nhà ở cao tầng, cao ốc, văn phòng cho thuê mọc lên ở nhiều tuyến phố huyết mạch thuộc “vùng lõi” làm cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vốn đã quá tải càng quá tải hơn. Tắc đường, kẹt xe, thiếu trường học, bệnh viện, khu vui chơi, ô nhiễm không khí... ngày một trầm trọng.
Giải pháp tình thế không mang lại hiệu quả
Hà Nội có tổng chiều dài mạng lưới đường đô thị khoảng 1.200km, tập trung nhiều ở khu vực trung tâm, tuy nhiên, có đến hơn 70% số đường có mặt cắt nhỏ hơn 11 m, nhiều tuyến thậm chí còn nhỏ hơn 5m. Với khoảng 1.000 nút giao thông, trong đó số nút giao khác mức chỉ hơn 10 nút; khoảng 300 nút điều khiển bằng đèn tín hiệu và nhiều trong số đó hoạt động chưa thực sự hiệu quả, số điểm ùn tắc theo ghi nhận được lên tới 37 điểm.
Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh chóng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Cụ thể, số xe máy tăng từ 3,58 triệu xe lên 5,5 triệu và ô tô tăng từ 311.000 lên 546.000 chỉ từ năm 2000 đến 2017, tỷ lệ sở hữu phương tiện là 682 xe máy và 74 xe ô tô trên 1.000 người. Con số này chưa tính đến khoảng 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh hàng ngày lưu thông trên địa bàn Hà Nội.
Với tình hình hạ tầng và nhu cầu giao thông như vậy, các trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu, Kim Mã - Cầu giấy - Xuân Thủy - Lê Đức Thọ, Quốc lộ 70 khu vực Cầu Tó - Thanh Trì và Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - Đường Láng đã trở thành những điểm đen về tắc đường.
Dù Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện hệ thống giao thông, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn và tổng thể làm cho hạ tầng giao thông khó có khả năng đáp ứng kịp nhu cầu đi lại. Công tác lập quy hoạch và triển khai các dự án hạ tầng giao thông vẫn quá chậm chạp. Do nguồn vốn khó khăn nên hiện thành phố vẫn chưa thực hiện được đồng thời đã dẫn tới nhiều bất cập.
Ngoại trừ tuyến đường đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, có tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng do Tập đoàn Vingroup thực hiện theo hình thức BT còn có hy vọng sớm đưa vào vận hành, nhiều tuyến đường mãi chưa thể triển khai.
Đơn cử, tuyến đường Lê Văn Lương dự kiến mở rộng từ năm 2003 nhằm kết nối với hai tuyến đường vành đai để giảm tải giao thông tại khu vực này nhưng việc bố trí ngân sách rất chậm. Gần đó, tuyến đường 70 tỷ lệ 1/500 (đoạn từ Hà Đông đến Đại lộ Thăng Long) với chiều dài toàn tuyến khoảng 4,26km dù đã lên kế hoạch từ rất lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thành hình.
Tại khu vực Hoàng Mai, tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát (thuộc trục đường Vành đai 2,5) đi qua khu vực Định Công nằm bên ngoài phía Bắc ga Giáp Bát, giao cắt với đường Giải Phóng, nối với Kim Đồng sau gần 20 năm thực hiện vẫn "mịt mù" ngày về đích khi các tồn đọng liên quan đến dự án vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh dự án Đầm Hồng - Giáp Bát, dự án mở rộng đường Lĩnh Nam đã lâu chưa thấy ngày khởi công, hay tuyến đường nối từ Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên kết nối đường Minh Khai với Vành đai 2,5 liên tục được nhắc tới như những dự án điểm đen về việc chậm triển khai.
Tại khu vực Tây Hồ, đường nối hai vành đai ở thủ đô dang dở sau 5 năm, tuyến đường nối cầu Nhật Tân với cầu Thăng Long dự kiến hoàn thành 5 năm trước nhưng đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng.
Báo cáo mới nhất về tiến độ giải ngân vốn cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cung cấp cho thấy, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố vẫn rất chậm, trong đó chậm nhất là ở cấp thành phố. Từ đầu năm 2019, với 2 lần bổ sung kế hoạch vốn, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư của toàn Thành phố là 52.525 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 9 tháng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố mới giải ngân được 16.000 tỷ đồng, đạt khoảng 34% kế hoạch giao (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 45,64% và thấp dưới mức bình quân chung của cả nước 49,14%). Trong đó, giải ngân vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cấp phát được 565,8 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch.
Thực tế cho thấy, chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá và còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của Thành phố. Cụ thể, với 223 dự án đầu tư cấp Thành phố, có 86 dự án chuyển tiếp và 137 dự án khởi công mới. Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 126/137 dự án khởi công mới năm 2019.
Trong số đó, Thành phố đã bố trí vốn đầu tư 1 dự án chuyển tiếp là Dự án xây dựng cầu Bắc Linh Đàm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. 5 dự án đầu tư theo cơ chế đặc thù từ nguồn tiền sử dụng đất thì năm 2019 đã bố trí vốn và đang tổ chức thi công xây dựng 3 dự án; đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 1 dự án và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng 1 dự án.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, đặc thù của Hà Nội cũng như một số thành phố lớn là thi công xây dựng công trình trong đô thị, mặt bằng thi công chật hẹp và phải thi công vào ban đêm đã gây ra những vướng mắc và chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án xây mới hoặc mở rộng các tuyến đường giao thông.
Theo ông Hùng, có tình trạng một số huyện đã dự kiến bố trí kế hoạch vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất nhưng mức thu được từ đấu giá đất không đạt theo kế hoạch, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn bố trí cho đầu tư. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định - thiết kế, dự toán công trình để đủ điều kiện tổ chức đấu thầu thi công thường mất từ 6 - 8 tháng. Tình trạng này làm cho những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh giải ngân vào những tháng cuối năm.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, để giảm quá tải hạ tầng, bên cạnh việc đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng giao thông cần thực hiện đồng bộ giải pháp gián tiếp để giãn dân, giảm tải nội đô ra các khu đô thị mới ngoại vi như định hướng quy hoạch chung đã được duyệt.
Theo quy hoạch, Hà Nội cho phép xây dựng hàng loạt các khu nhà ở cao tầng và thấp tầng từ vành đai 3 đến vành đai 4 kéo dài, toàn bộ phía bắc Sông Hồng từ Mê Linh, Đông Anh đến tận Long Biên. Đây là các khu vực phát triển nhà ở dân cư không hạn chế, có thể xây quy mô lớn đồng thời là đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật để tạo ra một chất lượng cuộc sống thực sự tốt hơn rất nhiều so với khu vực nội đô lịch sử.