Aa

Bất động sản “hướng tâm” vẫn là “con cưng”

Thứ Sáu, 07/07/2023 - 17:00

Sau giai đoạn nhà đầu tư khắp nơi đổ xô ra thị trường bất động sản vùng ven, tỉnh lân cận để gom sản phẩm, hiện tại nhiều người đã trở lại với thị trường lõi Hà Nội.

Đi xa để trở về

Nguyên nhân dẫn đến xu hướng này một phần do đây vẫn là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh khó khăn kéo dài, hơn nữa cũng để đón đầu thông tin quy hoạch. Anh Hoàng Điệp - Nhà đầu tư BĐS đến từ Hà Nội cho biết, năm 2021 và 2022, anh cùng nhóm bạn đầu tư vào một số BĐS “đồng xa” tại Thái Nguyên, Bắc Giang, thậm chí Long An. Tuy nhiên sang năm 2023, nhóm của anh đã đổi chiến thuật, “quay xe” trở về “đồng gần”. 

Hiện tại nhà đầu tư vùng ven đã trở về khu vực trung tâm thành phố (ảnh minh họa)

“Năm ngoái, nhóm của tôi may mắn bắt được sóng đất nền Long An. Chỉ vài tháng mà thửa đất của tôi tăng giá gần 300 triệu đồng. Cụ thể, tháng 1/2022, tôi mua vào một lô đất nền tại huyện Đức Hòa dọc Tỉnh lộ 10, diện tích 100m2 với giá 12,5 triệu đồng/m2. Tới tháng 4/2022, tôi bán thửa đất với giá 15,4 triệu đồng/m2. Lúc này giá đất nền Đức Hòa tăng mạnh nhờ thông tin huyện lên thành phố” - Nhà đầu tư này nói. 

Anh Điệp còn kể thêm, sau khi “gặt nhanh gánh về”, thấy rằng triển vọng thị trường năm 2023 không sáng sủa, nhóm anh đã bán hết các lô đất ở tỉnh để thu tiền về. Hiện tại đang tìm các chung cư đã bàn giao (từ 1 - 2 năm) hoặc nhà đất có thể cải tạo thành chung cư mini tại trung tâm Hà Nội để kinh doanh cho thuê.

Ghi nhận cho thấy, trường hợp đầu tư như nhóm anh Điệp không hiếm thấy, thậm chí đang dần phổ biến hơn với các nhà đầu tư Thủ đô. 

Giám đốc Phát triển dự án, THM Land - Ông Nguyễn Đức Minh cho biết, sản phẩm bất động sản nội đô vẫn được quan tâm rất nhiều, nhất là các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực. Còn với thị trường ven đô hay tỉnh lẻ, vì BĐS chưa phục hồi nên các giao dịch rất hạn chế. 

Nhà đầu tư trở lại tìm kiếm căn hộ chung cư nội thành Hà Nội (ảnh minh họa)

“Bối cảnh khó khăn kéo dài khiến cho phần lớn các nhà đầu cơ BĐS phải thu mình lại. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn người âm thầm đi săn sản phẩm giá tốt tại một số khu vực như Gia Lâm, Đông Anh… kể cả những sản phẩm có giá trị tới vài chục tỷ đồng, miễn đảm bảo các tiêu chí như giá giảm sâu, pháp lý đầy đủ” - Vị này chia sẻ. 

Đồng thời, ở giai đoạn hiện nay thị trường đã bắt đầu xuất hiện lại nhóm nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để mua BĐS khi mặt bằng lãi vay có xu hướng giảm.

“Hiện tại không dễ như 2 - 3 năm về trước, các nhà đầu tư bây giờ lựa chọn rất kỹ càng, chỉ những dự án đủ pháp lý, quy hoạch bài bản và được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín… thì mới chốt mua” - Ông Đức nhấn mạnh. 

Dồn sự chú ý vào khu Tây Hồ Tây

Giám đốc Công ty cổ phần RB Land - Ông Nguyễn Văn Ngọc cho rằng, so với đầu năm nay, tâm lý nhà đầu tư hiện tại đã thoáng hơn nhiều, thấy rõ mức độ quan tâm thị trường BĐS, không ít dự án trước không bán được thì nay đã có vài giao dịch.

Tại thị trường Hà Nội, theo vị chuyên gia, thanh khoản đã tăng nhẹ trong thời gian này, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm để ở như căn hộ chung cư. Ở giai đoạn thị trường khó khăn, tâm lý chung của nhà đầu tư là thu hẹp phạm vi hoạt động, hướng về thị trường lõi, thị trường truyền thống an toàn với sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, có thể tạo dòng tiền ngay. 

“Nhà đầu tư Hà Nội và TP. HCM đóng vai trò quan trọng, góp phần giữ nhịp và giúp thị trường sôi động hơn. Hiện tại các nhà đầu tư này cơ bản đã về lại thị trường lõi (trung tâm thành phố), vậy nên thị trường BĐS tỉnh hay ven đô sẽ càng trầm lắng hơn, nếu còn giao dịch thì chủ yếu là của những nhà đầu tư địa phương. Điều này sẽ dẫn tới việc các sàn môi giới đồng loạt rút quân, thu hẹp bộ máy tại thị trường tỉnh” - Ông Ngọc phân tích. 

Bất động sản khu Tây Hồ Tây tăng giá khá mạnh (ảnh minh họa)

Theo ông Bùi Văn Lộc - Giám đốc Công ty 666Land, một trong những lý do khiến thị trường tỉnh ngày càng èo uột là do phần lớn nguồn cung đều là các sản phẩm đầu tư, khi thị trường gặp khó như hiện nay thì triển vọng giá thành cũng không tốt khiến giao dịch hạn chế. Vì vậy, các nhà đầu tư trở lại thị trường trung tâm, tập trung vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có thể tạo dòng tiền ngay cũng rất dễ hiểu. 

Giới quan sát cho rằng, xu hướng trở lại thị trường lõi được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường BĐS Hà Nội sôi động trở lại trong thời gian tới. Để đón đầu xu hướng, không ít chủ đầu tư dự án cũng bắt đầu “bung” hàng. 

Đơn cử, tại khu vực Tây Hồ Tây, tòa chung cư N01T6 - Khu Ngoại giao đoàn đã chào bán ra thị trường với giá khá cao. Chẳng hạn một căn hộ 4 phòng ngủ, diện tích 141 m2 có giá khoảng 6,8 tỷ đồng. 

Đặc biệt, giá nhà khu vực này tăng nhanh sau khi có thông tin Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch trụ sở làm việc của 36 bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể tại khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì, bao gồm 13 bộ, ngành sẽ được bố trí về khu Tây Hồ Tây rộng 35 ha. Trong đó, gần 21 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ), 14 ha thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm).

Chưa kể, Dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lớn nhất Đông Nam Á của Samsung cũng tại khu vực này với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, gồm 16 tầng nổi, 3 tầng hầm đã đi vào hoạt động. Trung tâm thương mại Lotte Mall Hanoi với tổng mức đầu tư 600 triệu USD dự kiến khai trương cuối năm 2023… Khu vực Tây Hồ Tây đang được các nhà đầu tư “mạnh gạo, bạo tiền” hướng tới. 

Dự án Heritage West Lake (đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) đang chào bán căn hộ với giá từ 100 - 140 triệu đồng/m2, dự án đã bán hết hơn 90% bảng hàng. Dự án chung cư cao cấp Han Jardin Hà Nội (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) hiện đang mở bán các căn còn lại với giá từ 75 triệu đồng/m2.

Bên cạnh chung cư thì giá nhà đất khu vực này cũng ở mức cao. Những căn biệt thự và shophouse tại khu K3, K5, K7 mặt đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được giao dịch phổ biến từ 300 - 560 triệu đồng/m2 mà vẫn “cháy hàng”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top