Long An hưởng lợi lớn sau đại dịch
Đại dịch Covid-19 gây ra sự xáo trộn lớn trên mọi ngành nghề và tác động không nhỏ đến tình hình chung về kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, bất kể khó khăn nào cũng có cơ hội cho những ai biết tận dụng thời thế. Có một xu thế đang diễn ra rất nhanh đó là sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu về các nước Đông Nam Á. Trong đó , Việt Nam được đánh là vô cùng tiềm năng nhờ tình hình chính trị ổn định, nhân công rẻ, chi phí đầu tư thấp, nhiều chính sách ưu đãi… Sự dịch chuyển của các công xưởng đặt tại Trung Quốc cho thấy Việt Nam sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên. Trên thực tế, xu hướng này đã được các doanh nghiệp tính toán đến sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, dịch covid chỉ là chất xúc tác giúp đẩy nhanh tiến trình này.
Theo ông Nguyễn Anh Đào - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viethome, đây là xu thế đang diễn ra rất nhanh chóng. Thậm chí, các quốc gia như Mỹ, Nhật sẵn sàng tài trợ ngân sách cho các doanh nghiệp đang có nhà máy sản xuất tại trung quốc nhằm đưa doanh nghiệp của họ rút khỏi Trung Quốc. Vừa qua, Nhật chấp nhận hỗ trợ 2,4 tỷ đô để doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc. Họ nhận thấy rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là rất rủi ro. Đây cũng có thể là cơ hội để Việt Nam được hưởng lợi lớn. Đặc biệt là bất động sản tại các tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh sẽ có sự tăng trưởng đột biến nguồn cầu.
Từ phân tích của chuyên gia, giới đầu tư nhìn nhận khách quan rằng Long An là điểm đến nhiều tiềm năng sinh lời ở thị trường phía Nam. Long An có lợi thế về vị trí chiến lược kinh tế khi liền kề TP.HCM và là cửa ngõ giao thương với 3 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế biên giới Campuchia. Ngoài yếu tố vị trí kinh tế chiến lược, Long An cũng sở hữu hệ thống giao thông kết nối liên vùng, liên quốc gia cực kỳ đa dạng và linh hoạt: tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành, Xuyên Á, cao tốc N2, Vành Đai 4 và rất gần với biển đông. Trên thực tế, Đồng Nai và Bình Dương hiện là 2 tỉnh đã phát triển rất mạnh về công nghiệp. Trong khi đó, Long An là khu vực tiềm năng nhờ một loạt ưu thế lớn về hạ tầng nhưng chưa được khai phá triệt để.
Từ yếu tố khách quan về dịch chuyển công xưởng thế giới cùng với những yếu tố cộng hưởng về hạ tầng, quỹ đất rộng… sẽ là tiền đề giúp cho Long An trở thành điểm nhắm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Minh chứng là chỉ trong quý 1/2020 Long An đã thu hút hơn 6 tỷ đô FDI và 37 quốc gia đang rót vốn vào đây.
Ông Trần Hải Quân - Tổng Giám Đốc Tây Nam Land nhận định, thị trường bất động sản Long An đang có dấu hiệu ấm dần lên sau dịch. Nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn đánh giá Long An là điểm đến hợp lý để đầu tư phân khúc nhà ở, đất nền... vì tiềm năng khai thác nguồn cầu rất lớn. Một mặt Long An phát triển mạnh về công nghiệp sẽ quy tụ lượng lớn người nhập cư, công nhân là các đối tượng mua nhà trực tiếp.
Long An cũng đang phát triển nhanh về hệ thống cảng quốc tế, hạ tầng, nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua sẽ phát triển mạnh về Logistic và thu hút lượng lớn vốn ngoại đổ về. Đây cũng là địa phương tiếp giáp với TP.HCM nên sẽ là nơi đón đầu xu hướng giãn dân từ TP.HCM ra các tỉnh lân cận. Do đó, các sản phẩm nhà ở có giá vừa túi tiền, vị trí giao thông thuận tiện và đáp ứng đầy đủ các tiện ích xung quanh sẽ là hấp lực lớn trên thị trường bất động sản phía Nam.
Hạ tầng đồng bộ tạo đà cho bất động sản bật lên
Không chỉ hưởng lợi nhờ bất động sản công nghiệp, một loạt các điểm nhấn về hạ tầng cũng giúp cho Long An thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhà/đất. Đánh giá đúng về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lại, chính quyền tỉnh này cũng đang tập trung đầu tư nâng cấp và mở rộng loạt tuyến đường trọng điểm kết nối với các khu vực lân cận, đặc biệt là Tp.HCM. Trong đó, đường Vành đai 4 (đi qua 5 tỉnh là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM và Long An, dài 198km) khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc giải phóng giao thông, tạo đà phát triển hạ tầng, kinh tế, bất động sản khu vực này.
Đoạn 4 của vành đai này từ QL22 (Củ Chi, TP.HCM) – cao tốc Tp.HCM (Bến Lức – Long An). Bắt đầu tại quốc lộ 22 đi theo ĐT.823 đến thị trấn Hậu Nghĩa, đấu nối với đường ĐT.824 và ĐT.830, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương. Như vậy, sau khi hình thành đường vành đai 4 cùng với dự án đường Vành đai 3 (đang kêu gọi đầu tư) đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào khai thác sẽ tạo sự đồng bộ kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào TP.HCM và các tỉnh lân cận. Mục tiêu của tỉnh Long An là xây dựng tỉnh này thành khu vực có quan hệ trực tiếp với các hoạt động kinh tế – xã hội với Nam Sài Gòn, là cầu nối của sự nghiệp phát triển công nghiệp – dịch vụ từ Thành phố Hồ Chí Minh tới các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mới đây, dự án KCN Đức Hòa III - Slico có tổng diện tích hơn 195ha cũng đã được khởi công tại huyện Đức Hòa, Long An. Đây là KCN lớn thứ ba trong cụm 13 KCN của Đức Hòa III. Chủ đầu tư định vị đây là khu đô thị dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến. Dự án này kì vọng sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp phía Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Long An.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, huyện Đức Hòa hiện là một trong những nơi khởi nguồn cho làn sóng đầu tư bất động sản nhờ sở hữu vị trí thuận lợi: Phía Bắc giáp huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn Tp. HCM: Phía Đông Nam giáp huyện Bình Chánh, Tp. HCM, Phía Tây giáp huyện Đức Huệ, Long An, Phía Tây Nam giáp huyện Bến Lức, Long An. Từ Đức Hòa có thể liên hệ thuận lợi với các thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên Quốc lộ 22 và Quốc lộ 1, các phường của các quận tiếp giáp với huyện Đức Hòa. Tỉnh lộ 8 còn là trục giao thông quan trọng nối với Quốc lộ 22 tạo thành trục giao thông liên hệ trực tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Định hướng mở rộng xây dựng đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh được phê duyệt đến 2020 và chiến lược tầm nhìn đến 2050 thể hiện thị xã Bến Lức, thị trấn Đức Hòa và Thành Phố Tân An có vị trí quan trọng trong việc hình thành vùng liên kết kinh tế, gắn kết chặt chẽ với hạ tầng tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá đúng tiềm năng phát triển lâu dài ở thị trường này, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực cũng đã về đây phát triển các dự án bài bản. Ghi nhận thời gian qua một loạt các đại gia BĐS như Vingroup, Trần Anh Group, Thắng Lợi Group, Cát Tường Group, Nam Long, Tây Nam Land... đã tập trung đầu tư những dự án quy mô lớn tại khu vực này.
Theo đại diện công ty Nam Long, hiện Long An đang có 32 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.524ha và 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.106ha. Đáng chú ý, giữa tháng 5-2020, khu công nghiệp Việt Phát diện tích lên đến 1.800ha đã được khởi công, chuẩn bị đón làn sóng đầu tư FDI mới vào Việt Nam. Song song với việc thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế, Long An cũng tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị, cung cấp nhà ở cho người lao động. Do đó, Long An đang là điểm đến tiềm năng cho giới đầu tư lẫn người mua ở thực. Thời gian gần đây, số lượng khách hàng quan tâm đến các dự án của doanh nghiệp này ở Bến Lức, Long An khả quan hơn trước, trung bình 1000 khách/tuần. Điều này cho thấy khách hàng tiềm năng vẫn quan tâm đến thị trường bất động sản nhà ở vùng ven.
Khảo sát mặt bằng chung, giá đất ở khu vực Long An hiện còn rất “mềm” so với các dự án ở Bình Dương, Đồng Nai nên cơ hội đầu tư sinh lời lớn. Theo chia sẻ từ Thắng Lợi Group, thị trường Long An đang có dấu hiệu hồi phục nhanh khi các dự án đang chào bán tại khu vực đều ghi nhận lượng giao dịch, mức độ quan tâm liên tục hơn trước. Mặc dù chưa có dấu hiệu tăng trưởng đột biến về nguồn cầu nhưng thị trường đang trên đà hồi phục nhanh nhờ các yếu tố cộng hưởng khách quan mang lại. Với những thuận lợi về hạ tầng và tiềm năng cho bất động sản công nghiệp trỗi dậy, Long An chắc chắn sẽ hưởng lợi lớn và thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong thời gian không xa.