Bất động sản Móng Cái: “Cơn sóng ngầm” đã nổi
Trong làn sóng “di cư” tìm vùng đất mới của những “đại bàng” bất động sản, Móng Cái (Quảng Ninh) đang trở thành “vùng trũng” hấp dẫn. Những tiềm năng về vị trí, quy hoạch, cảnh quan, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa của một thành phố cửa khẩu vốn là “cơn sóng ngầm” nhiều năm qua đang dần nổi lên nhờ cú hích hạ tầng.
Quy hoạch bài bản, thông tin minh bạch là cơ sở để thị trường bất động sản Móng Cái vững vàng vượt qua những cơn sốt ảo gây nhiễu loạn, hướng mạnh vào giá trị thực. Với các nhà đầu tư, thị trường Móng Cái rất có triển vọng dài hạn khi mức giá vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với tiềm năng.
*******
(Video: Nguyễn Nam)
Sự “hậu thuẫn” từ quy hoạch, hạ tầng
Móng Cái là vùng đất có vị trí địa chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đặc biệt: Nằm ở cực tăng trưởng phía Bắc Tổ quốc, là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia được Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, là cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á, được tỉnh Quảng Ninh xác định là 1 trong 2 “mũi đột phá” trong chiến lược phát triển. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Móng Cái được xác định là một trong những trung tâm động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, cùng với Vân Đồn và khu kinh tế ven biển Quảng Yên.
Móng Cái cũng là một trong số ít địa phương “cấp huyện” của cả nước được Trung ương, tỉnh Quảng Ninh quan tâm phê duyệt đầy đủ các quy hoạch chiến lược phát triển quan trọng, nhất là Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 16/3/2021 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 với quy mô lập quy hoạch chung trên diện tích khoảng 121.197ha.
Quy hoạch xác định Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc). Đồng thời là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; Đô thị biển hiện đại và bền vững; Khu vực có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Cấu trúc phát triển không gian chia thành 5 khu vực chính. Trong đó, khu A - khu trung tâm thành phố Móng Cái phát triển theo cấu trúc vành đai và hướng tâm - phát triển các khu đô thị và dịch vụ tập trung phía Bắc đường ven biển, khu vực phía Nam phát triển hệ thống cảng biển, hậu cần cảng và các khu công nghiệp chế tạo công nghệ cao kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch cao cấp. Khu B - Khu công nghiệp Hải Hà, định hướng phát triển khu công nghiệp cảng biển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Khu C - khu đô thị dịch vụ tích hợp gồm các chức năng khu công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics và các dịch vụ công cộng chất lượng cao. Khu D - khu du lịch biển đảo với chức năng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp. Khu E là dịch vụ thương mại vùng biên và phát triển nông thôn.
Quy hoạch chung được phê duyệt là tiền đề để khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái định hướng cho việc quy hoạch cũng như xác định các chương trình, dự án hạ tầng ưu tiên đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.
Theo ông Đặng Duy Quân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Móng Cái, quy hoạch chung được điều chỉnh là căn cứ pháp lý để thu hút và mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến với TP. Móng Cái, từ đó, tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định. Các doanh nghiệp Móng Cái có nhiều cơ hội để tham gia các chuỗi phát triển kinh tế từ đó đem lại lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định thu nhập cho người dân. “Trong tương lai gần, người dân và doanh nghiệp Móng Cái sẽ được làm việc, được sống, phát triển kinh tế trong một không gian đô thị văn minh và hiện đại”, ông Quân khẳng định.
Thời gian qua, các dự án hạ tầng động lực đã và đang được khẩn trương thi công đảm bảo tiến độ, từng bước hiện thực hóa quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tạo thành hệ thống hạ tầng đồng bộ xuyên suốt, liên thông về giao thương từ Cửa Khẩu Bắc Luân 2 đến Hà Nội và hệ thống vành đai lên đến Lạng Sơn.
Cụ thể, đã có trên 230 dự án phát triển hạ tầng được triển khai tại khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, trong đó, đặc biệt là dự án cầu Bắc Luân 2 sau khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019 đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động xuất nhập khẩu. Chỉ tính riêng trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Bắc Luân 2 vẫn đạt trên 2 tỷ USD, trở thành cửa khẩu có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất toàn tuyến biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, cảng Thành Đạt và Cầu Phao tại KM3+4 cũng là hạ tầng quan trọng để thúc đẩy giao thương hàng hóa 2 bên biên giới. Cùng với đó, Quảng Tây - Trung Quốc cũng đã đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ từ TP. Đông Hưng vào nội địa bằng các tuyến đường cao tốc đường sắt tốc độ cao, thông qua đó, hình thành một hành lang giao thương thuận lợi nhất trong khu vực. Đây là lợi thế mở ra những cơ hội phát triển mới thực sự đột phá cho khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Gần đây nhất, Móng Cái đón nhận cú hích lớn về hạ tầng giao thông khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn cuối của tuyến cao tốc xương sống dài gần 200km của Quảng Ninh chính thức được thông xe, kết nối đồng bộ từ Thủ đô Hà Nội qua TP. Hải Phòng đến Móng Cái, giảm thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Móng Cái từ 7 giờ xuống còn 3 giờ. Dự án có điểm đầu nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II tại Móng Cái (nối sang thành phố Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc).
Tuyến cao tốc không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái với hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, mà còn giúp phá độc đạo của Quốc lộ 18 đang dần xuống cấp, tạo kết nối thuận tiện và an toàn giữa khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với sân bay quốc tế Vân Đồn, mở ra cơ hội phát triển cho cả vùng. Tuyến đường còn kiến tạo ra các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thống kê của Phòng Văn Hóa - Thông tin TP. Móng Cái cho biết, ước tính địa phương đã đón được 150.000 lượt khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 2/9, ghi nhận kỷ lục kể từ đầu năm đến nay. Đây là minh chứng cho thấy hiệu quả tức thì của tuyến cao tốc mà Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group vượt khó để thi công suốt hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua.
Móng Cái đón nhận cú hích lớn về hạ tầng giao thông khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn cuối của tuyến cao tốc xương sống dài gần 200km của Quảng Ninh chính thức được thông xe.
Theo các chuyên gia, quy hoạch bài bản, hạ tầng giao thông hoàn thiện chính là sự hậu thuẫn vững chắc để khơi dậy tiềm năng, nâng cao vị thế của Móng Cái. Đây cũng là động lực quan trọng đánh dấu những bước tăng trưởng và chuyển mình mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Bởi khi giao thông thuận tiện, các định hướng về phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch… trong quy hoạch được thực thi, nhu cầu về nơi ở, lưu trú, nghỉ dưỡng... tại Móng Cái sẽ tăng nhanh. Dự kiến đến năm 2025, Thành phố sẽ thu hút khoảng 102.000 lao động, cùng hàng triệu lượt khách du lịch, tham quan và các nhà đầu tư, chuyên gia cao cấp đến nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư và làm việc.
“Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu thuộc khu kinh tế đặc biệt là các phân khu chức năng, quy hoạch vùng lõi để đưa ra các dự án phát triển hạ tầng - thu hút đầu tư. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng đường thủy trọng điểm động lực có tính liên kết vùng, phát triển vùng: Hoàn thành, khai thác đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái xuống cảng Vạn Ninh; Đường ven biển liên kết Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế Vân Đồn, đoạn từ Cầu Voi, Vạn Ninh đến tỉnh lộ 335;...”, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái khẳng định.
Cũng theo ông Nam, Móng Cái đang tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chỉ như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư.
Đó cũng chính là “cơn gió lớn” thúc đẩy những đợt sóng nổi lên tại thị trường bất động sản Móng Cái, giúp địa phương này trở thành điểm sáng có sức hút mới tại Quảng Ninh, bên cạnh Hạ Long và Vân Đồn, đặc biệt là khi các dự án của những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp đang được rục rịch triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Các “ông lớn” mở đường
Với tổng diện tích tự nhiên trên 121 nghìn héc-ta, Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu có diện tích lớn nhất trong 28 khu kinh tế cửa khẩu trên cả nước. Trong đó, quỹ đất dự trữ phát triển mới là gần 16 nghìn héc-ta, đủ điều kiện thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn mang tính động lực.
Trong nhiều năm trở lại đây, nhờ quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự đồng bộ dần đều về hạ tầng cùng chủ trương thu hút đầu tư cởi mở của chính quyền, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã thu hút được trên 100 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có hơn 30 dự án vốn đầu tư nước ngoài FDI với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sun Group, T&T, Bến Thành Holdings, Ecopark, Vinaconex, Tập đoàn Texhong, Công ty CP Trung Chính… và hàng loạt các doanh nghiệp khác đã đến nghiên cứu, tìm hiểu đề xuất ý tưởng và triển khai đầu tư các dự án quy mô lớn, mang tính đột phá.
Trong đó, Vingroup đã “kéo quân” đến thị trường Móng Cái từ những năm 2018 với dự án tổ hợp thương mại và shophouse ngay giữa trung tâm Thành phố. Chưa dừng lại ở đó, Tập đoàn này đang tiếp tục đầu tư vào dự án Khu đô thị Vinhomes Bắc Luân (Vinhomes Golden Avenue) tại cầu Bắc Luân 2, phường Hải Hòa, TP. Móng Cái. Dự án có quy mô 110ha với 2.500 sản phẩm được phát triển là khu phức hợp đô thị công nghiệp dịch vụ hiện đại. Hiện tại, dự án hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng và tiếp tục triển khai thi công.
Dự án Khu đô thị Vinhomes Bắc Luân (Vinhomes Golden Avenue) đang được tích cực triển khai.
Sun Group cũng đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị kết nối cầu Bắc Luân I và cầu Bắc Luân II tại phường Hải Hòa, bên cạnh việc trở thành nhà đầu tư BOT của dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Bên cạnh đó, Thành phố nơi địa đầu Tổ quốc còn ghi nhận sự đổ bộ của “ông lớn” Vinaconex với dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa với tổng diện tích đất quy hoạch 48,8ha, tổng mức đầu tư 1.739 tỷ đồng, liên danh với Phúc Khánh Việt Nam. Tổng thể khu đô thị đại lộ Hòa Bình cung ứng 631 căn nhà, nhà phố thương mại khoảng 248 căn, nhà ở liền kề là 246 căn và 137 căn biệt thự. Ngoài ra, dự án cũng sẽ dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, dự kiến khoảng 28.871,1m2. Dự án này đang hứa hẹn nhiều tiềm năng thu hút nhà đầu tư.
Hải Phát Invest cũng đã góp mặt tại thị trường này với dự án HP Naia City Móng Cái: Dự án khu đô thị thương mại và giải trí tại tỉnh Quảng Ninh tại phường Hải Yên, có tổng diện tích 54,8 ha (giai đoạn 1 được triển khai với tổng diện tích 43,8 ha) gồm các loại hình căn hộ khách sạn, casino, shophouse, nhà liền kề và biệt thự đơn lập.
Công ty Cổ phần Trung Chính đang là chủ đầu tư phát triển dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Trà Cổ Long Beach Luxury Quảng Ninh. Đây là dự án khu phức hợp biển bao gồm shophouse, shop villas, boutique và biệt thự, tọa lạc trên tuyến đường Tràng Vĩ, phường Trà Cổ, TP. Móng Cái. Dự án nằm liền kề với sân golf quốc tế Móng Cái, có tổng diện tích 20,47ha, đang trở thành một “điểm hẹn” của các nhà đầu tư khi tìm đến thị trường Móng Cái.
Khu du lịch nghỉ dưỡng Trà Cổ Long Beach Luxury Quảng Ninh đang trong giai đoạn triển khai, hoàn thiện
Ngoài ra, theo khảo sát còn có nhiều chủ đầu tư đang phát triển các mô hình khu đô thị, dịch vụ thương mại tại Móng Cái như ASC với dự án Khu đô thị ASC Móng Cái tọa lạc tại đường Trần Nhân Tông ngay vòng xuyến nút giao cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thuộc xã Hải Xuân và phường Hòa Lạc, cung cấp ra thị trường các sản phẩm gồm: Nhà liền kề shophouse với diện tích lô thường từ 90 - 120m2, diện tích lô góc từ 200 - 250m2, sản phẩm biệt thự với diện tích từ 300 - 600m2 và sản phẩm căn hộ thương mại - dịch vụ.
Dự án khu đô thị Royal Riverside City được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Victory đầu tư với tổng số vốn trên 2.450 tỷ đồng, tọa lạc bên bờ sông Ka Long (ranh giới giữa Việt Nam - Trung Quốc). Dự án có tổng diện tích 481.233 m2, được quy hoạch bao gồm: Khu thương mại để phục vụ kinh doanh bán và cho thuê kiot, khu âu thuyền để phục vụ chuyển và bốc dỡ hàng, khu nhà ở kết hợp kinh doanh, khu nhà ở chia lô liền kề, khu biệt thự và các công trình tiện ích khác.
Công ty CP Sản xuất Bao bì và Hàng xuất khẩu Promexco đang là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Promexco (khu đô thị Hải Yên) tọa lạc tại km5 Quốc lộ 18, phường Hải Yên, có tổng diện tích khoảng 29ha, mật độ xây dựng hơn 40%, dự kiến cung ứng các lô đất xây nhà liền kề, shophouse, biệt thự và khu trung tâm thương mại.
Không chỉ vậy, TP. Móng Cái đã thu hút được thêm các nhà đầu tư chiến lược khác như: Amata, Bến Thành, Bình Minh đến khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu triển khai lập dự án đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn, tạo động lực phát triển mới cho khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Như một quy luật tất yếu, việc các “ông lớn” dẫn đầu “cuộc chơi” tại Móng Cái đã góp phần thay đổi diện mạo của thị trường, trở thành đầu kéo thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thứ cấp về đây tìm kiếm cơ hội. Trong một tương lai không xa, khi các dự án được thành hình, sẽ là đòn bẩy đắc lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại Móng Cái, cũng như chuẩn bị cơ sở lưu trú hiện đại để đón làn sóng dịch chuyển dân cư đến với TP, các chuyên gia, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp công nghệ cao và khách du lịch.
Xu hướng đầu tư “ăn chắc mặc bền”
Với những lợi thế và tiềm năng lớn của một thành phố cửa khẩu có biển và những bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản Móng Cái không ít lần đối mặt với những cơn sốt ảo gây nhiễu loạn, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022 - sốt đất lan rộng trên cả nước. Tuy nhiên, Móng Cái lại là một trong số ít địa phương có thể kiểm soát nhanh chóng các cơn sốt, đưa thị trường về với giá trị thực.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, trong thời gian qua, khi thị trường có dấu hiệu biến động, chính quyền địa phương đã ngay lập tức quản lý chặt chẽ theo từng nhóm vấn đề. Thứ nhất là quản lý thật chặt các sàn giao dịch bất động sản, tránh tình trạng thổi giá, làm méo mó thị trường bất động sản. Thứ hai là quản lý chặt tiến độ của các dự án đầu tư và đảm bảo phải thực hiện theo các quy định pháp luật, yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết hoàn thiện xong toàn bộ hạ tầng mới được đưa các sản phẩm ra thị trường. Thứ ba là tăng cường quản lý về thuế, thu nhập và các giấy phép hoạt động của các nhà đầu tư cũng như của các sàn giao dịch bất động sản.
“Bởi có sự giám sát chặt chẽ như vậy nên trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Móng Cái hầu như không có tình trạng thổi giá đất nền và trong thời gian tới cũng sẽ như vậy”, ông Hoàng Bá Nam khẳng định.
Hiện giá đất nền tại khu vực hành lang kinh tế cửa khẩu Móng Cái chỉ từ 25 - 30 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm thành phố dao động 45 - 80 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí. Đây là mức giá được nhiều nhà đầu tư đánh giá là cực kỳ hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng của khu vực cửa khẩu lớn nhất miền Bắc này.
Theo chia sẻ của các môi giới lâu năm tại thị trường Móng Cái, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, đa phần ở trạng thái chờ và nghe ngóng sau đợt sốt đất nửa đầu năm, thì tại Móng Cái, thị trường bất động sản vẫn đang có những chuyển động hướng vào giá trị thực. Sau động thái kiểm soát rốt ráo của chính quyền để hạn chế các cơn sốt ảo hồi đầu năm, thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã rục rịch quay trở lại hoặc tìm đến thị trường Móng Cái, nhất là khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào khai thác.
Chia sẻ với Reatimes, ông Trịnh Ngọc Hoàng Quang, Giám đốc Sàn Móng Cái, Công ty cổ phần Bất động sản Duyên Hải cho biết, các nhà đầu tư trong thời gian qua đến với thị trường bất động sản Móng Cái chủ yếu đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Đánh giá về dư địa tăng giá thị trường bất động sản Móng Cái, ông Quang cho rằng, hiện Móng Cái có rất nhiều cơ hội và lợi thế để tăng giá khi du lịch được đẩy mạnh, giao thông và các cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ kéo theo giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu thuận tiện.
“Giá bất động sản Móng Cái hiện tại vẫn còn rẻ hơn so với mặt bằng chung, rẻ hơn đất ở một số địa phương Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong khi tiềm năng Móng Cái rất tốt, thu nhập GRDP của người dân Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng rất cao, đứng top 2 toàn quốc. Giá bất động sản lại đang tỷ lệ nghịch với thu nhập của người dân. Đây là điểm đáng lưu ý để chúng ta đầu tư vào thị trường bất động sản Móng Cái, sau này giá bất động sản cũng sẽ tăng tỷ lệ thuận với thu nhập của người dân nơi đây. Theo đánh giá của tôi, thị trường bất động sản Móng Cái trong vòng 1 năm tới sẽ tăng giá được trong khoảng 30 - 40%”, ông Quang nhìn nhận.
Cũng theo sàn này, thời điểm hiện tại, phân khúc đất nền vẫn thu hút các nhà đầu tư mạnh nhất, bởi tính pháp lý an toàn. “Hầu như các dự án đất nền trên địa bàn TP. Móng Cái pháp lý đều là sổ đỏ lâu dài, đất nền có biên độ tăng giá tốt và tính thanh khoản cao nên rất thu hút được các nhà đầu tư”, ông Quang nói.
Ghi nhận tại một sàn giao dịch bất động sản khác tại Móng Cái, những ngày gần đây, khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được thông xe, sàn liên tiếp nhận được cuộc gọi của khách hàng quan tâm đến thị trường này, bên cạnh đó cũng có nhiều nhà đầu tư đến tìm sản phẩm phù hợp để xuống tiền.
“Thị trường bắt đầu có sự chuyển biến tích cực, giao dịch xuất hiện với nhịp độ dày hơn. Giá đất nền tại Móng Cái đã có sự tăng lên khoảng 5% từ khi tuyến cao tốc thông xe, đây là mức tăng vẫn rất an toàn, còn rất nhiều cơ hội để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này”, anh Tiến Cường, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Bossland chia sẻ.
Theo anh Cường, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động là một cú hích lớn đối với thị trường bất động sản Móng Cái. “Bởi giá bất động sản Móng Cái hiện tại đang còn ở vùng trũng, giá rất thấp, khi tuyến cao tốc khơi thông, nhiều người biết đến Móng Cái hơn và họ bắt đầu tìm hiểu, về tham quan thị trường ngày một nhiều, thị trường đang đứng trước cơ hội thiết lập mặt bằng giá mới”.
Nhà đầu tư này phân tích thêm, trước đây trong suy nghĩ của người dân, khi nhắc tới Móng Cái là nhắc tới một nơi xa xôi, hẻo lánh, chỉ có hoạt động mua bán thương mại gần cửa khẩu, nhưng khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động, thời gian di chuyển từ các tỉnh thành khác về đây đã được rút ngắn rất nhiều, lượng khách bắt đầu về với vùng đất này tăng lên mỗi ngày.
Bên cạnh đó, anh Cường cho biết, với tâm lý “ăn chắc mặc bền”, nhu cầu mua đất nền sở hữu pháp lý rõ ràng làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.
Anh Cường cũng cho rằng, ngoài đất nền, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều đến các dự án khu đô thị và nghỉ dưỡng trên địa bàn. Với sự xuất hiện của nhiều dự án khu đô thị mới có hạ tầng hiện đại, giá đất tại trung tâm TP. Móng Cái đã bật tăng mạnh trong khoảng 3 năm gần đây, lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, mức giá tại đây vẫn còn khá mềm, chỉ bằng 30 - 55% so với bất động sản tại các khu vực cửa khẩu khác và so với mặt bằng chung tại Cẩm Phả, Vân Đồn hay Hạ Long, nên cơ hội đầu tư rất lớn. Đó là những lý do khiến Móng Cái đang trở thành điểm hút các nhà đầu tư tới đây chỉ trong thời gian ngắn.
Về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, anh Cường cho hay, hiện tại ở khu vực khu du lịch quốc gia Trà Cổ, dự án ven biển mới chỉ có giá từ 22 - 67 triệu/m2, tùy vị trí. Theo Giám đốc sàn Bossland, đây là mức giá rất tiềm năng, thời gian tới có thể tăng gấp 3, gấp 5 lần, “vì so sánh trên thị trường cả nước có thể thấy hiếm có khu vực nào có giá đất ven mặt biển giá dưới 100 triệu/m2 (riêng trong tỉnh Quảng Ninh như khu vực Hạ Long - Vân Đồn đã có giá từ 150 - 200 triệu/m2). Một điều nữa là các cơ sở lưu trú ở đây rất ít, kém chất lượng, khi lượng khách về đây lớn, nhu cầu cao hơn - đây là một cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư”.
Chị Thanh Bùi, một nhà đầu tư, đồng thời là môi giới lâu năm tại thị trường Móng Cái cũng nhìn nhận, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã thay đổi xu hướng của giới đầu tư đối với thị trường bất động sản tại Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng. Thay vì lựa chọn những sản phẩm gắn liền với du lịch, nghỉ dưỡng như condotel đắt đỏ, nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý tới loại hình đất nền, khu đô thị, dự án đô thị nghỉ dưỡng, hướng tới sản phẩm có sổ đỏ lâu dài, vừa ở, vừa đầu tư với tầm nhìn dài hạn.
Trong đó, những khu đô thị được quy hoạch bài bản, đầu tư đồng bộ đến từ các chủ đầu tư uy tín nhận được quan tâm nhiều nhất bởi giá vốn phải chăng, lại đáp ứng được nhu cầu kép, vừa cư trú an toàn, vừa đầu tư bền vững.
Những khu đô thị được quy hoạch bài bản, đầu tư đồng bộ đến từ các chủ đầu tư uy tín nhận được quan tâm nhiều nhất.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá bán các sản phẩm tại dự án Ka Long Reverside đang dao động từ 28 - 40 triệu/m2. Dự án Hải Yên Vilas cũng đang có mức giá dao động 18 - 30 triệu/m2. Dự án Green Park thuộc phường Hải Xuân, TP. Móng Cái có giá dao động khoảng 35 - 45 triệu/m2. Dự án ASC thuộc phường Hải Hoà, Hải Xuân có giá dao động khoảng 36 - 40 triệu/m2. Dự án HP Naia City Móng Cái có giá từ 31 - 45 triệu/m2. Khu đô thị Phượng Hoàng có giá dao động từ 22 - 45 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Đối với các dự án còn vướng mắc về pháp lý, giá đang ở mức thấp hơn, thuộc “vùng trũng”.
“Thị trường Móng Cái đang có ưu điểm ổn định, bền vững, và giá sản phẩm bất động sản phản ánh giá trị thực, không sốt ảo. Đất nền dự án tại Móng Cái đang trong giai đoạn thiết lập mốc giá mới, tăng khoảng 30% đối với cuối năm 2021. Trong thời gian tới, cùng với sự chuyển mình của Thành phố, dư địa tăng giá còn rất lớn”, chị Thanh Bùi khẳng định.
Trong tương lai gần, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường liên kết, kết nối giữa trục cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái với các khu kinh tế và 11 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cảng nước sâu tổng hợp Vạn Ninh đang triển khai xây dựng và được định hướng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của tỉnh Quảng Ninh với các nước Asean và Đông Bắc Á. Đây được xem là bảo chứng vững chắc cho một tương lai phát triển mạnh mẽ của kinh tế, đô thị và thị trường bất động sản toàn tỉnh nói chung và Móng Cái nói riêng.
Sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thực còn đến từ tư duy thu hút đầu tư của lãnh đạo TP. Móng Cái. Thông điệp “cùng đi - cùng đến - cùng chia sẻ lợi ích - cùng hướng tới thành công” được Móng Cái nhất quán về nhận thức và cam kết đồng hành với các nhà đầu tư. Thành phố cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư trên tinh thần sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nhưng làm đến đâu phải chắc đến đó, làm đến đâu, hiệu quả đến đó, tránh tình trạng đầu cơ giữ đất để tạo ra lợi ích nhóm, tạo ra sự phát triển méo mó của thị trường bất động sản. Chính quyền địa phương cùng với nhà đầu tư và nhân dân chia sẻ lợi ích, đóng góp cho sự phát triển chung.
“Chúng tôi sẽ làm tốt quy hoạch để sẵn sàng đón các nhà đầu tư đến, nhưng các nhà đầu tư phải cam kết với chính quyền trong việc hoàn thiện hạ tầng cho những khu du lịch, nghỉ dưỡng trước khi phát triển và kinh doanh các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng biệt thự, khách sạn... Chúng tôi sẽ quản lý chặt chẽ từ quy hoạch, dòng vốn đầu tư đến tiến độ của các dự án.
Chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ nguyên tắc vì nhân dân, phù hợp quy hoạch chung, sự phát triển chung, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Lựa chọn nhà đầu tư chọn lọc và có chất lượng, ưu tiên các nhà đầu tư có uy tín, có thế mạnh, kinh nghiệm trong lĩnh vực Thành phố đang quan tâm, có năng lực tài chính đầu tư, thi công nhanh, hiệu quả”, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái khẳng định.
Cơ hội đầu tư đang rất rộng mở với các nhà đầu tư khi đến với thành phố ven biên, ven biển - Móng Cái, tuy nhiên, “bánh ngon” không dành cho mọi nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, hiện nay, đã hết thời của đầu tư lướt sóng, theo đám đông với mong muốn “kiếm bộn tiền” sau những cơn sốt ảo. Theo đó, đầu tư dài hạn là xu hướng tất yếu. Lựa chọn vị trí tiềm năng, dự án đảm bảo pháp lý, chủ đầu tư uy tín luôn là phương châm mà các nhà đầu tư nên giữ trong mình khi quyết định rút hầu bao xuống tiền./.