Bất động sản nghỉ dưỡng - “Mảnh đất" vẫn luôn màu mỡ
Sau một thời gian phát triển nóng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự trầm lắng đáng kể từ năm 2019. Động thái thanh tra, rà soát các dự án đã khiến nguồn cung trên thị trường bị giảm sút nghiêm trọng.
Mặt khác, sau một thời gian dài phát triển ồ ạt, cấp phép tràn lan, quá nhiều doanh nghiệp địa ốc kiểu “vàng thau lẫn lộn” lấn sân đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã khiến thị trường bị “bê tông hóa”.
Điểm mấu chốt của câu chuyện này là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển bất động sản gắn liền phát triển du lịch khi phần lớn hiện tại vẫn “mạnh ai nấy làm”, manh mún, nhỏ lẻ. Ngay những dự án đất nền cũng chưa có sự đảm bảo sẽ trở thành một khu du lịch phức hợp hoàn chỉnh có sự kết nối với các dự án khác để thay đổi cả một hệ tầng xã hội trong phát triển du lịch tại các địa phương.
Tư duy chộp giật, ngắn hạn khiến nội tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã bộc lộ những điểm nghẽn, kéo lùi sự phát triển của phân khúc này. Bằng chứng là từ cuối năm 2019, một số sản phẩm nghỉ dưỡng trên thị trường vì chạy đua cam kết lợi nhuận mà đứng trước nguy cơ vỡ trận, mất thanh khoản, tồn kho lớn.
Sau giai đoạn trầm lắng, bất động sản nghỉ dưỡng lại phải đối mặt với thời kỳ tuột dốc không phanh khi đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, phân khúc này hứng chịu đòn giáng nặng nề nhất.
Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hoạt động kém nhất từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh cả về nguồn cung và giao dịch do chính sách phong tỏa.
Trong quý II/2020, thị trường chỉ đón nhận 4 dự án mở bán, cung ứng 128 căn biệt thự biển, con số này chỉ bằng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ rất khiêm tốn chỉ đạt 10% nguồn cung mới (khoảng 13 căn), chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, theo các chuyên gia, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
Cụ thể, mục tiêu của Việt Nam là đứng top 3 Asean về năng lực cạnh tranh du lịch, đón 35 - 50 triệu khách quốc tế vào năm 2030. Nhưng hiện mới có khoảng 100.000 phòng nghỉ dưỡng từ 3 - 5 sao trở lên (bao gồm cả căn hộ condotel), còn thiếu khoảng 300.000 phòng nghỉ dưỡng.
Ở góc độ nào đó, các chuyên gia đánh giá, đây lại là cơ hội. Theo đó, cùng với nhiều “cửa sáng” khác, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ là một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư sau khi vượt qua giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Tôi có niềm tin về bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Đây vẫn là một trong các phân khúc có thể tăng trưởng rất tốt và vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong nước và cả quốc tế đến với thị trường Việt Nam. Các khó khăn sẽ chỉ xuất hiện trong ngắn hạn khi dịch bệnh bùng lên còn dài hạn thì bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, tác động của dịch Covid-19 là cơ hội để sàng lọc các chủ đầu tư, loại bỏ những chủ đầu tư và nhà đầu tư chộp giật, non kinh nghiệm ra khỏi thị trường. Theo đó, các chủ đầu tư có thể tồn tại và vượt qua được giai đoạn khó khăn đã buộc phải thay đổi và hình thành tư duy mới.
“Nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng. Do vậy đòi hỏi các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng luôn phải đổi mới để đi đúng hướng. Thị trường đang thiếu những dự án nghỉ dưỡng đồng bộ, đẳng cấp, nâng cao chất lượng phục vụ, ưu tiên yếu tố xanh, tiện ích, sức khỏe...
Sự góp mặt của các dự án lớn, đầu tư bài bản, tạo được sự khác biệt cũng là lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục và tiếp tục chặng đường chinh phục các tiềm năng vươn tầm quốc tế”, ông Thịnh nói.
Bất động sản ven biển được dự báo sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Các dự án ven biển ở “thị trường mới” lên ngôi
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, Việt Nam may mắn sở hữu diện tích biển lớn hơn gấp 3 lần đất liền và đường bờ biển dài hơn 3.000km cùng hệ thống các đảo và quần đảo. Đồng thời, với chủ trương đưa kinh tế du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam đang chiếm thế ưu thế hơn hẳn trong các hoạt động khai thác và phát triển du lịch. Nhờ đó, bất động sản ven biển còn rất nhiều “đất” để thể hiện trong tương lai.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù đã trải qua 10 năm phát triển thăng trầm nhưng tiềm năng của bất động sản ven biển vẫn còn rất lớn. Làn sóng đầu tư các dự án biển đang có xu hướng dịch chuyển từ những thị trường truyền thống như Nha Trang, Phú Quốc... sang những địa phương mới có đường bờ biển đẹp nhưng còn rất hoang sơ như như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định), Bãi Dài (Cam Ranh, Nha Trang), Phan Thiết (Bình Thuận)...
Cảnh quan sinh thái biển là một yếu tố đang rất hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là dòng khách đang tìm kiếm cơ hội sở hữu ngôi nhà thứ hai cho những kỳ nghỉ dưỡng thực thụ. Các chủ đầu tư lớn đã tận dụng và khai thác những thế mạnh vượt trội này của các địa phương mới để phát triển các dự án đô thị biển. Các thị trường mới được “khai phá” đồng nghĩa với cơ hội của bất động sản ven biển chưa dừng lại ở những gì đang có, phát triển là lộ trình tất yếu sẽ diễn ra đối với loại hình này.
“Những nhà phát triển bất động sản lớn đều đã có mặt ở những vùng ven biển. Sự có mặt của họ sẽ giúp cho hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nâng cấp, kéo theo đó là giá trị bất động sản ven biển cũng được nâng lên. Mặc dù thời điểm này đang khó khăn, nhưng về dài hạn tôi tin tưởng rằng bất động sản ven biển sẽ tiếp tục phát triển và dẫn dắt thị trường”, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Trên thực tế, từ sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội đầu tiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, rục rịch khởi động lại các dự án nghỉ dưỡng ven biển ở những địa phương mới nổi có tiềm năng, nhằm đón đầu xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ hai của dòng khách hạng sang nội địa. Điều này vừa khẳng định sức sống tiềm tàng của các chủ đầu tư, vừa cho thấy tầm nhìn mới của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị cho một tương lai phát triển bùng nổ các sản phẩm nghỉ dưỡng ven biển.
Giai đoạn cuối năm, thị trường nghỉ dưỡng biển sẽ ghi nhận sự đổ bộ của các tập đoàn lớn như Sun Group, FLC, Sunshine Group,...với những dự án hàng tỷ USD. Đơn cử như Tập đoàn Sun Group vừa khởi công siêu dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) trị giá hơn 1 tỷ USD. Sunshine Group cũng sắp cho ra mắt thị trường siêu dự án thuộc dòng Sunshine Haritage tại Phan Thiết với điểm nhấn là các biệt thự Second Home sổ đỏ lâu dài.
Do đó, mọi dấu hiệu trầm lắng chỉ đang là tạm thời, bất động sản ven biển vẫn không ngừng chuyển động. Sau Covid-19, nhu cầu tăng cao trở lại sẽ là thời điểm vô cùng lý tưởng để thị trường chứng kiến làn sóng sôi động trở lại của các dự án ven biển.
"Dù trải qua nhiều thăng trầm trong 10 năm qua, nhưng giá bất động sản biển vẫn tăng 3 - 4 lần. Cùng với sự góp mặt của các dự án lớn, đồng bộ của các chủ đầu tư có năng lực và tầm nhìn, bất động sản ven biển sẽ sớm phục hồi để phục vụ cho ngành du lịch", theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA nhìn nhận.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng, theo các chuyên gia, các địa phương ven biển cần phải bám sát các quy hoạch, kiến tạo hệ thống hạ tầng cứng - mềm, tiện ích dịch vụ thông minh, kết hợp xử lý môi trường; cùng với đó là xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với sự đặc sắc của văn hóa vùng miền, cảnh quan sinh thái biển.
Dưới góc độ đầu tư, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, thời gian tới, để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hiệu quả cao và sinh lời bền vững, nhà đầu tư cần phải đánh giá được lực hút khách của dự án mà mình đang xem xét, khả năng kinh doanh ổn định và tính bền vững của dự án. "Dự án càng đầu tư đồng bộ, đa dạng thì càng có khả năng sinh lời tốt", ông Đính nói.