Bất động sản xanh - xu hướng tất yếu
Việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, trở nên đáng báo động.
Theo bảng xếp hạng quốc gia và khu vực ô nhiễm nhất dựa trên nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm (μg/m³) của IQAir, Việt Nam đứng thứ hạng 22 trên tổng số 134 quốc gia và khu vực về mức độ ô nhiễm trong giai đoạn từ 2018 đến 2023.
Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam đang ở mức nghiêm trọng, cần thiết có các giải pháp can thiệp để cải thiện môi trường. Và theo giới chuyên gia, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản xanh là một trong những giải pháp đó. Bởi việc phát triển các dự án bất động sản xanh sẽ góp phần hạn chế những tác động xấu đến môi trường, giúp thân thiện với môi trường.
Một nghiên cứu cho thấy, xây dựng và bất động sản là nguyên nhân phát thải của gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và chiếm khoảng 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với các lĩnh vực khác. Do vậy, việc đầu tư bất động sản xanh sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tránh rủi ro biến đổi khí hậu.
Bên cạnh bảo vệ môi trường, bất động sản xanh còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về không gian sống chất lượng, đảm bảo sức khoẻ. Người mua nhà hiện nay ngày một khắt khe và đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn trong việc lựa chọn không gian sống. Nếu trước đây, tiêu chí hàng đầu để lựa chọn một căn hộ chung cư của khách hàng thường là vị trí, giá bán, diện tích… thì hiện nay, các tiêu chí này đã nhường vị trí cho chất lượng, tiện ích sống. Các dự án có nhiều tiện ích nội khu, nhiều không gian xanh và môi trường sống trong lành sẽ được khách hàng quan tâm, ưu tiên lựa chọn. Chính vì vậy, bất động sản xanh đang là sản phẩm được nhiều người hướng đến.
Đây cũng chính là lợi ích đem lại cho những chủ đầu tư phát triển bất động sản xanh. Sản phẩm của họ sẽ dễ dàng thanh khoản, tối đa hóa lợi nhuận với giá bán cao hơn từ 4 - 8%.
Tín dụng xanh là động lực tài chính quan trọng
Để bất động sản xanh được thúc đẩy phát triển, tín dụng xanh được xác định là một trong những động lực quan trọng. Ngoài việc cung cấp nguồn tài chính cho các dự án bất động sản xanh, tín dụng xanh còn khuyến khích các nhà đầu tư phát triển những công trình thân thiện với môi trường, tạo ra không gian sống lý tưởng để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Vì vậy, đây còn được xem là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của ngành bất động sản.
Thực tế, tín dụng xanh hiện cũng đang được nhiều ngân hàng xác định là một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong đó, các ngân hàng thuộc nhóm Big4 (Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV) là những ngân hàng đi đầu trong đẩy mạnh tín dụng xanh, đồng thời cam kết sẽ tăng nguồn vốn cho các lĩnh vực thân thiện môi trường.
Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng tín dụng xanh nhưng các doanh nghiệp bất động sản muốn chạm đến nguồn vốn tín dụng này hiện vẫn rất khó, còn nhiều cản trở.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, dù tài chính xanh đã được triển khai hơn 10 năm nay tại Việt Nam, song quy mô của tín dụng xanh và trái phiếu xanh vẫn còn rất nhỏ.
Tín dụng xanh hiện chỉ chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ, và các chính sách pháp lý hỗ trợ cho tài chính bền vững vẫn chưa đầy đủ. Ngoài ra, thiếu khung pháp lý rõ ràng về thuế, phí và các ưu đãi vốn đang là trở ngại lớn cho doanh nghiệp bất động sản trong việc tiếp cận tín dụng xanh.
Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn,… trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn. Điều này tạo ra áp lực về lãi suất và thời gian vay đối với các doanh nghiệp bất động sản, khiến họ khó khăn hơn trong việc triển khai các dự án xanh.
"Trong bối cảnh ngày càng gia tăng sự chú trọng đến phát triển bền vững, việc hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp bất động sản dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các dự án bền vững và bảo vệ môi trường", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ưu đãi là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả ưu đãi là một môi trường cho doanh nghiệp hoạt động được. Vì vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo không gian cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là những doanh nghiệp hướng đến phát triển các sản phẩm xanh, bền vững./.