Aa

Bất động sản phía Tây Hà Nội diễn biến ra sao trong năm 2022?

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 26/01/2022 - 06:12

Theo nhiều dự đoán, năm 2022 thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực, nhiều nhà đầu tư đổ về khu vực này và nguồn cung tăng cao.

Tiếp tục “nóng” trong năm 2022

Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội đã có những thay đổi ngoạn mục trong một thập kỷ qua. Ít ai có thể nghĩ rằng, từ một khu vực vùng ven nay lại mang tầm vóc phát triển đầy năng động, hiện đại.

Đi trên những trục đường “xương sống” tại khu Tây hiện nay như đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn, đường vành đai 3, vành đai 3.5, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông… bất cứ ai cũng choáng ngợp trước vị thế và tầm vóc của một khu vực phát triển nhộn nhịp.

Tại báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2021 của Savills, 5 năm qua, khu Tây luôn duy trì nguồn cung sơ cấp lớn nhất. Địa ốc khu Tây cũng thể hiện là khoản đầu tư hấp dẫn với triển vọng gia tăng giá trị không ngừng theo thời gian. Giá nhà sơ cấp tại quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đã tăng 10% mỗi năm từ năm 2017 đến nay.

Trong tương lai gần, Savills dự đoán phía Tây vẫn sẽ là khu vực dẫn đầu nguồn cung với 26.300 căn từ 29 dự án, chiếm 29% tổng nguồn cung toàn thị trường Hà Nội. Cụ thể, năm 2022 khoảng 4.000 căn hộ sẽ được tung ra thị trường, với khu vực phía Tây chiếm 65% thị phần.

Đối với phân khúc văn phòng cho thuê, mặc dù giá thuê và công suất tại Hà Nội nhìn chung giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng khu vực phía Tây thành phố vẫn chiếm ưu thế trên thị trường nhờ hưởng lợi từ hạ tầng và nguồn cung.

Khảo sát của Savills cho thấy, tới năm 2023 nguồn cung văn phòng cho thuê sẽ có hơn 537.000m2 đến từ 21 dự án gia nhập thị trường và hầu hết là phân khúc hạng B với số lượng chiếm tới 50%. Trong đó, khu vực phía Tây vẫn là nơi sẽ cung cấp nguồn cung tương lai lớn nhất với khoảng 250.000m2 và tiếp tục giữ ưu thế về thị phần. Theo sau là khu vực nội thành với tỷ lệ 36%.

Theo các chuyên gia của Savills, sự gia tăng của nguồn cung cũng như tâm lý thận trọng của khách thuê trong suốt thời gian dịch bệnh sẽ khiến công suất thuê trung bình giảm trong 2 năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung mới và cơ sở hạ tầng đang cải thiện sẽ đem lại lợi thế cho trục phía Tây thành phố.

Cụ thể, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhận định, sự phát triển của khu vực phía Tây và cận trung tâm đã và đang thu hút các doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ và sản xuất. Những khách thuê này đều có yêu cầu về diện tích rộng từ 1000m2 trở lên, do đó những dự án tại khu vực phía Tây và cận trung tâm thường đáp ứng được tiêu chí về diện tích lớn. Đơn cử những thương hiệu quen thuộc như Shopee, Samsung hay HCL đều có trụ sở tại những dự án thuôc khu vực này. Trong khi đó, các doanh nghiệp tài chính vẫn tập trung nhiều tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, gần khu vực Ngân hàng Nhà Nước và Bộ Công Thương.

“Bất kể những khó khăn trong thời gian vừa qua, GDP của Việt Nam vẫn được dự báo là khả quan và sẽ phục hồi khi chương trình tiêm chủng được phủ rộng và các hoạt động quay trở lại trạng thái bình thường mới. Vì vậy, thị trường văn phòng vẫn ghi nhận sự quan tâm lớn từ các chủ đầu tư trong và ngoài nước với kỳ vọng mức tăng trưởng và giá thuê sẽ phục hồi, phát triển trong 1-2 năm tới”, bà Minh phân tích.

bđs
Bất động sản phía Tây Hà Nội tiếp tục “nóng” trong năm 2022. (Ảnh minh hoạ)

Nhìn nhận về sức “nóng” của thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội trong năm 2022, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chia sẻ, phía Tây Thủ đô là minh chứng rõ nhất cho hiện tượng “vết dầu loang”. Sự đột phá từ quy hoạch đến hạ tầng đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn tập trung về phía Tây để phát triển các dự án tầm cỡ, hấp dẫn giới tinh hoa. Đặc biệt, nơi đây có nhiều dư địa để hình thành các dự án nhà ở, nghỉ dưỡng kết hợp an cư, tạo động lực phát triển mới cho thành phố.

Đó chính là lý do không chỉ phân khúc văn phòng cho thuê mà cả căn hộ cao cấp tại phía Tây những năm gần đây cũng được chú ý, trở thành “điểm sáng” với sự bứt phá mạnh mẽ, vượt qua cả tác động tiêu cực của dịch Covid -19.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Với quy mô diện tích hơn 3.000km2 và hơn 9 triệu dân, Thủ đô Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển hình thành đô thị đa cực, đa trung tâm. Trước đó, bài toán mở rộng đô thị vệ tinh theo hướng Tây, giúp Hà Nội thoát khỏi “tấm áo chật” đã được Chính phủ phê duyệt. Đến nay, phía Tây đã và đang trở thành một cực mới phát triển của Thủ đô rất sôi động và trong năm 2022, triển vọng thị trường này sẽ tiếp tục được khai phá, tạo nên sức nóng cực lớn”.

Cơ sở hạ tầng - “thay da đổi thịt” mỗi ngày

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến thị trường phía Tây được đánh giá tích cực và tiếp tục sôi động trong thời gian tới là do cơ sở hạ tầng “thay da đổi thịt” mỗi ngày. Hàng loạt công trình, dự án về giao thông, hạ tầng, tiện ích vui chơi… liên tiếp được đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách hoặc xã hội hóa.

Đơn cử như tuyến đường Tây Thăng Long, Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3, vành đai 3.5, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương hay đường Trung Văn nối với Mễ Trì - Mỹ Đình được đầu tư xây dựng, tạo thành một chuỗi giao thông liên hoàn kết nối toàn bộ khu vực phía Tây với trung tâm cũ, biến khu vực này trở thành trục phát triển mạnh mẽ nhất của Hà Nội.

đinh trọng thịnh
Chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội tiếp tục có nhiều triển vọng trong năm 2022.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, nếu như giai đoạn trước, cơ sở hạ tầng của khu vực này còn nhiều hạn chế, kiềm chế sự phát triển của khu vực, thì thời gian gần đây, hệ thống giao thông, các tuyến đường lớn cùng hạ tầng xã hội, dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt. Điều này đã giải bài toán về điều kiện sống, chất lượng hạ tầng xã hội phục vụ cư dân cho khu vực. Chính vì vậy, các nhà đầu tư và khách hàng mua để ở đã có niềm tin hơn và tiếp tục tham gia vào thị trường, khiến nhà đất phía Tây Hà Nội sôi động trở lại về giao dịch và mức giá tăng đáng kể.

Không chỉ đồng bộ với việc nâng cấp hạ tầng giao thông, khu Tây Hà Nội còn là điểm đến của sự dịch chuyển các cơ quan đầu ngành cả nước, cụ thể như: Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Hành chính Quốc gia, Sở Tư Pháp, Thanh tra Nhà nước Thành phố Hà Nội, Bộ Ngoại giao... giúp hình thành cộng đồng cư dân trí thức.

“Khi nội đô quá eo hẹp về quỹ đất, chật chội về quy hoạch thì khu Tây chính nơi phù hợp nhất cho việc hình thành các trung tâm kinh tế - chính trị. Nhiều dịch vụ - tiện ích phục vụ nhu cầu cuộc sống như hệ thống trường học, bệnh viện, siêu thị cũng được hình thành. Đặc biệt, trung tâm mua sắm Aeon Mall tại Hà Đông là một trong những mắt xích quan trọng tạo nên sự bùng nổ về hệ thống tiện ích tại khu vực này. Nhờ những yếu tố này, khu vực phía Tây đang ngày càng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống đa dạng và cao cấp cho cư dân”, vị chuyên gia đánh giá.

bđs
Cơ sở hạ tầng phía Tây Hà Nội ngày càng đồng bộ và hiện đại.

Với triển vọng phát triển vượt bậc, “thành phố Tây” cũng tỏa sức hấp dẫn mạnh mẽ lôi cuốn giới đầu tư bất động sản. Những tên tuổi hàng đầu trên thị trường đã chọn nơi đây làm bến đỗ, đáng chú ý như Vingroup với hai đại dự án Vinhomes Green Bay và Vinhomes Smart City, Him Lam với Himlam Vạn Phúc, An Lạc với An Lạc Green Symphony, MIKGroup với The Matrix One… đó là minh chứng cho thấy khu vực phía Tây Thủ đô tiếp tục có độ phát triển tốt trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top