Bất động sản Quảng Ninh: “Của để dành” cho các nhà đầu tư
So với các địa điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, bất động sản Quảng Ninh đang được coi là "của để dành" cho các nhà đầu tư.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Trần Minh - Chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản cho biết, hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ là một trong những động lực khiến Quảng Ninh hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo ông Minh, giống như thị trường bất động sản cả nước nói chung, Quảng Ninh cũng "được lợi" nhờ nhiều chính sách của Nhà nước và diễn biến chung của nền kinh tế vĩ mô. Việc mở cửa cho người nước ngoài vào mua nhà Việt Nam hay tình hình giá nhà tăng mạnh trong cả năm ngoái, sự gia tăng nhanh chóng của nguồn vốn FDI hay tăng trưởng GDP đạt 6,8 là những yếu tố có tác động tích cực đến thị trường bất động sản Quảng Ninh.
Quảng Ninh còn cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ khi Sân bay Vân Đồn mở cửa, Cảng tầu quốc tế vận hành và cơ sở hạ tầng nghỉ, vui chơi giải trí hoàn thiện. Và đặc biệt Quảng Ninh không chỉ thu hút khách du lịch mà còn có thể thu hút dân về ở vì gần trung tâm như Hà Nội hay Hải Phòng, Bắc Ninh... Chưa kể, bất động sản nơi đây còn sơ khai, nguồn cũng còn hạn chế, chính sách quản lý tốt.
EPS nhóm ngân hàng và bất động sản khả năng sẽ giảm tốc mạnh
Tăng trưởng lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của các công ty phát triển bất động sản khả năng giảm từ hơn 100% trong năm 2018 xuống còn 17% trong năm 2019. Do các hoạt động trên thị trường này bắt đầu giảm sau nhiều năm tăng mạnh.
Tăng trưởng lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của các cổ phiếu khả năng sẽ giảm từ 25% trong năm 2018 xuống còn 12 – 13% trong năm 2019. Giới phân tích cho rằng, tăng trưởng EPS năm 2018 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố nằm ngoài dự kiến, nếu không tăng trưởng EPS 2018 chỉ là 15%.
Cùng với nhóm tăng trưởng lợi nhuận của các công ty phát triển bất động sản Việt Nam giảm từ hơn 100% trong năm nay xuống còn 17% trong năm 2019 do các hoạt động trên thị trường này bắt đầu giảm sau nhiều năm tăng mạnh. Theo thống kê của Savill hay JLL, tổng số dự án nhà ở mới mở bán tại TP.HCM và Hà Nội giai đoạn 2014 – 2017 thường tăng theo chu kỳ: năm sau cao gấp đôi năm trước. Các cổ phiếu bất động sản cũng chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quý IV sẽ rơi vào vùng trũng tăng trưởng kinh tế năm 2018
Từ các số liệu vĩ mô tháng 11 và 11 tháng năm 2018 có thể thấy tăng trưởng quý IV sẽ ở mức thấp nhất cả năm 2018. GDP từ chỗ tăng trên 7,4% đã giảm xuống dưới 6,9% vào quý III và sẽ còn thấp hơn trong quý IV.
Tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 9,6% trong tháng 11 và tính chung 11 tháng tăng 10,1%. Xét riêng tăng trưởng của tháng 11, mức tăng 9,6% cao hơn đáng kể tháng 10 (7,7%) nhờ khai khoáng chuyển sang tăng trưởng dương và công nghiệp chế biến chế tạo có cải thiện nhẹ.
Ngành sản xuất nội thất là một ngành có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ về thương mại mà còn cả thu hút FDI. Nếu tận dụng tốt cơ hội, Việt nam sẽ có thêm một động lực tăng trưởng mới với nhiều lợi thế riêng có của Việt nam là nhân công giá rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào. Tổng giá trị xấu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt nam trong 11 tháng là 8 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu mặt hàng tương tự chỉ là 2 tỷ USD.
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà cải tạo chung cư cũ?
Việc cải tạo các chung cư, nhà tập thể cũ tại Hà Nội hiện đang rất khó khăn. Thực tế đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được ban hành nhưng vẫn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Nhiều vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong quá trình triển khai cải tạo chung cư cũ. Chẳng hạn như: Chưa có sự đồng thuận trong phương án đền bù, tái định cư; công tác giải phóng mặt bằng; hay quy định khống chế quy hoạch chiều cao xây dựng của khu vực trung tâm…
Đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, phải có sự phân biệt khác nhau về thời kỳ xây dựng, vị trí địa lý, kỹ thuật xây dựng, chất lượng cuộc sống của người dân trong từng khu dân cư và đối chiếu với chính sách của nhà nước qua từng thời kỳ... Chỉ khi nhận diện rõ được những điều này, thì chúng ta mới có khung chính sách cho từng loại chung cư, còn không thì kiến nghị của chúng ta chỉ dừng trên giấy mà thôi.
Nhà ở có thương hiệu tiềm năng hơn condotel?
Nhà ở có thương hiệu (Branded Residence) là một tổ hợp kiến trúc mà trong các dự án đó dân cư được thừa hưởng những tiện ích và dịch vụ cao cấp tương tự khách sạn. Sản phẩm này thường được kết hợp với bên thứ ba là các khách sạn như Ritz Carlton hay Mandarin Oriental nhưng cũng có thể là các thương hiệu không phải khách sạn như Porsche hay Aston Martin.
Hiện tại số lượng các thương hiệu nhà ở trên thế giới đã lên tới 400 với 85% trong số đó là những thương hiệu khách sạn. Tất cả đều cung cấp dịch vụ và tiện ích cao cấp với chất lượng khác biệt so với các sản phẩm nhà ở thông thường. Dựa trên nghiên cứu từ Savills cho thấy, 74% các dự án Branded Residence trên thế giới nằm tại những vị trí sáng giá trong khu vực đô thị, tuy nhiên tại Việt Nam thì phần lớn các sản phẩm phức hợp và bất động sản nghỉ dưỡng lại nằm tại khu vực duyên hải và thường được biết đến với định nghĩa Condotel.
Một vài mô hình của Branded Residence bao gồm: toà nhà căn hộ riêng biệt hoặc dự án phát triển phức hợp. Phần lớn các dự án phức hợp thường được kết hợp nằm liền kề một khách sạn cùng thương hiệu.