Aa

Bất động sản sẽ có đợt sóng mới vào cuối năm

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 01/08/2021 - 06:00

Sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi các chính sách mới để "bung" hàng, đón sóng vào cuối năm.

Quý IV kinh tế sẽ phục hồi nếu chiến lược vaccine được đẩy nhanh

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam diễn biến rất phức tạp nhưng đến nay vẫn trong tầm kiểm soát. Việt Nam không trong bối cảnh như Indonesia, Ấn Độ hay nhiều nước khác. Ngoài ra, chính sách tiêm vaccine được Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn và đang đẩy mạnh triển khai.

Điểm sáng thứ hai là lạm phát vẫn được kiềm chế tốt so với trước dù trong bối cảnh thế giới, giá cả hàng hóa tăng tương đối nhanh. CPI 7 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ. Theo đà này, TS. Cấn Văn Lực cho biết dự báo cả năm nay, lạm phát bình quân sẽ ở mức khoảng 3%. Giá cả thế giới tăng nhanh nhưng lực cầu yếu, vòng quay đồng tiền còn tương đối chậm.

Một điểm tích cực nữa, thương mại, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt. Xuất khẩu tháng 7 giảm nhẹ so với tháng trước. Song, tính 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 26%, nhập khẩu tăng 35% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh trên, TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia cũng đã xây dựng kịch bản: GDP nay đến cuối năm có thể tăng trưởng 5,3 - 5,5%, lạm phát được dự báo khoảng 3%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng.

Về đề xuất, nhóm chuyên gia cho rằng cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine. Ngoài việc thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về giãn hoãn thuế, cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới. Ngoài ra, không thể chủ quan với lạm phát nhưng cùng lúc không nên bóp nghẹt quá.

TS. Cấn Văn Lực nhắc lại cần lưu ý đến bong bóng, các hiện tượng nóng gần đây liên quan đến bất động sản, chứng khoán. Ngoài ra vẫn cần theo dõi các động thái của quốc tế về các gói nới lỏng định lượng, nâng lãi suất.

"Từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt, vì vậy xuất khẩu của Việt Nam mới tăng trưởng được gần 30%. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV sẽ có sự phục hồi", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với sự phục hồi, tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, đây sẽ là bệ đỡ cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản.

Dịch được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ bung hàng

Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho hay: “Đến thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng, doanh nghiệp ở tất cả các nhóm đều khó khăn. Các chủ đầu tư thường có kế hoạch dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, còn hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư. Còn với các doanh nghiệp môi giới, họ hiện cũng đang không có nguồn thu và họ đang phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Khi thị trường khó khăn, đối tượng này sẽ rút lui và rời khỏi thị trường tương đối nhiều”.

Theo bà Hương, dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài, và nhiều khả năng đến quý IV, doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Thị trường bất động sản theo đó sẽ có cơ hội phục hồi.

Bà Hương cũng cho biết thêm, thị trường bất động sản vốn đã tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn. Về mặt pháp lý, VCCI cũng đưa ra nhiều văn bản tháo gỡ. Vào năm 2021, cũng đã có một số điểm sáng về pháp lý, doanh nghiệp có thêm sự tin tưởng và chờ đợi vào sự thực thi của những thay đổi mới này.

“Với cương vị doanh nghiệp bất động sản, nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy, ngoài các gói tín dụng hỗ trợ thì Nhà nước, bộ ngành cũng cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý IV năm nay cũng như năm 2022”, bà Hương nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MSH Group cho hay: “Từ nay tới cuối năm, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch thị trường vì với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó bởi hầu hết khách hàng muốn đến thăm dự án trực tiếp và ký kết các thủ tục trực tiếp… Trong thời gian giãn cách này, khách hàng sẽ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc. Theo đó, nếu tháng 8, Chính phủ có thể kiểm soát được dịch bệnh thì tôi tin rằng, cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt và nhiều chủ đầu tư đang chờ hết dịch để tung hàng ra thị trường. Theo đó, thị trường bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới”.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất hiện giờ là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ để người lao động dễ tiếp cận hơn về lương, và doanh nghiệp dễ tiếp cận về vốn. Vừa qua, tại các chương trình làm việc của Quốc hội, tôi được biết rất nhiều khuôn khổ pháp lý sẽ được đẩy nhanh để sửa đổi. Với những điều này, không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà doanh nghiệp nói chung sẽ có khả năng tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng tốt hơn. Thị trường bất động sản cũng sẽ sớm được hồi phục”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top