Aa

Bất động sản Thanh Hóa: Nhà đầu tư xin cơ chế để "phá băng" hậu Covid

Thứ Hai, 18/05/2020 - 05:55

Nhiều doanh nghiệp đầu tư trong tỉnh mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ về cơ chế, cho giãn tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi khác để dự án nhanh chóng đưa vào thị trường, tạo thanh khoản và có tiền nộp ngân sách.

“Đóng băng” vì Covid

Sau 4 tháng vật lộn với đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Thanh Hóa rơi vào trạng thái "đóng băng". Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn thậm chí phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc đóng cửa, "sống cầm hơi" để chờ tín hiệu mới của thị trường. Nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” với số nợ tiền sử dụng đất lớn, trong khi tính thanh khoản của thị trường thì mờ mịt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hoá, những năm qua, do sự phát triển nhanh về kinh tế, tốc độ đô thị hóa tăng dần, nên thị trường bất động sản Thanh Hoá có đà tăng trưởng mạnh. Nhiều dự án chỉ trong thời gian ngắn đã có giá giao dịch cao gấp nhiều lần giá ban đầu, chẳng hạn các mặt bằng 530, 2125 (P. Đông Vệ), Khu đô thị Đông Hải...

Mặt bằng nghìn tỷ 3241 với tổng diện tích 58ha tại trung tâm TP. Thanh Hóa

Cuộc đấu giá "vô tiền khoáng hậu" tại mặt bằng 3241 (P. Đông Hương, TP. Thanh Hóa) năm ngoái  với giá trị 1.215 tỷ đồng, dự kiến đem lại nguồn thu cho ngân sách 548,6 tỷ đồng so giá ban đầu, phần nào đã kích cầu thị trường, tạo ra mặt bằng giá mới trong khu vực đô thị.

Theo nhà đầu tư mặt bằng này, từ đầu 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc huy động nguồn vốn và lên phương án kinh doanh, bán nhà, đất gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ thế, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Thanh Hóa đều bị tác động lớn từ đại dịch.

Ông Nguyễn Văn Hùng - một nhà đầu tư bất động sản có tiếng tại TP. Thanh Hóa cho hay, trong và sau đại dịch, thị trường bất động sản tại Thanh Hóa thực sự gặp nhiều khó khăn, có thể nói là bị "đóng băng”. 

Theo ông Hùng, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trước sự biến động của giá vàng, ngoại tệ, thị trường bất động sản trong thời gian gần đây khiến các nhà đầu tư lo lắng. Đa số họ chọn phương án "găm" nguồn tài chính để bảo toàn giá trị. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản vẫn phải chọn phương án cho nhân sự tạm nghỉ không lương, chờ thị trường ấm trở lại.

Sau những ảm đạm của thị trường bất động sản Thanh Hóa trong quý I/2020, một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, trong những quý tiếp theo khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, những doanh nghiệp chưa kịp triển khai đưa hàng mới ra thị trường trong quý I sẽ đồng loạt "khởi sắc" trong quý II/2020, kéo lại đà tăng trưởng cho những tháng trước đó. Đối với một số doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào, nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn để "găm" hàng chờ thời cơ kiếm lời.

Xin cơ chế thoát hiểm

Theo UBND tỉnh Thanh Hoá, đầu quý II/2020, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều mặt do đại dịch nhưng do kiểm soát tốt ngay từ đầu và chủ động các phương án vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung khôi phục đà tăng trưởng, kinh tế Thanh Hoá, trong đó có thị trường bất động sản đã có tín hiệu ấm trở lại.

Tuy nhiên, nhiều loạt dự án bất động sản lớn trên địa bàn, chủ yếu ở TP. Thanh Hoá đang bị mắc kẹt vì nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất khi không có cách tháo gỡ khả thi. Với số tiền phải nộp vào ngân sách lớn, lên đến hàng trăm tỷ, không doanh nghiệp bất động sản nào có khả năng “đem tiền nhà” đi nộp.

Kênh huy động vốn quan trọng vẫn là ngân hàng. Vậy nhưng, trong thời điểm rất nhiều lĩnh vực cần vốn tái đầu tư sau đại dịch thì kênh này cũng không hề dễ dàng. Kênh khác là nguồn tài chính từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ được huy động dưới hình thức cho vay, góp vốn… cũng gặp nhiều khó khăn vì nhà đầu tư chưa thấy rõ khả năng tăng trưởng của thị trường, chưa nhìn thấy được hiệu quả từ việc đầu tư dưới hình thức này. Rất ít người sẵn sàng xuống tiền đầu tư, cho dù chủ dự án có đưa ra nhiều gói kích cầu.

Thanh Hóa trở thành điểm đến của nhiều ông lớn bất động sản thời gian gần đây.

Mặt bằng 3241 (KĐT Đông Hương, TP. Thanh Hoá) vẫn là điển hình của sự khốn đốn đó. Ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (đơn vị trúng đấu giá) cho hay, được đấu giá thành công với số tiền lên đến 1.215 tỷ đồng, dự kiến đem lại nguồn thu cho ngân sách 548,6 tỷ đồng so giá ban đầu.

Nhưng đứng trước đại dịch Covid-19, dự án cũng gặp bất lợi không hề nhỏ trong việc kêu gọi đầu tư, hợp tác huy động vốn từ ngân hàng và bán hàng. Hiện liên danh này đã nộp 144 tỷ đồng vào ngân sách, còn nợ hàng trăm tỷ khác. “Vừa xây dựng phương án kinh doanh thì gặp ngay đại dịch, tất cả như đóng băng hết”, ông Tuấn than thở.

Mặc dù gặp khó về vấn đề tài chính sau khi trúng đấu giá mặt bằng nghìn tỷ, nhưng theo ông Tuấn, với vị trí “đất vàng” duy nhất của TP. Thanh Hoá, chắc chắn khi vượt qua khủng hoảng, dự án sẽ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách và đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư, và khi đó, câu chuyện nộp tiền cho ngân sách không phải chuyện lớn. 

Chuyện lớn bây giờ là lấy tiền đâu để nộp theo đúng quy định? Cách duy nhất là cần sự hỗ trợ của Nhà nước. "Chúng tôi đấu giá theo thị trường, chấp nhận cuộc chơi đó, chúng tôi không xin giảm giá mà chỉ xin các cơ quan chức năng hỗ trợ bằng cơ chế giãn tiến độ nộp tiền, cho doanh nghiệp có khoảng không để thở, tìm cách khôi phục kế hoạch kinh doanh. Vượt qua giai đoạn khó khăn này, cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước đều có lợi”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Tương tự, một dự án tuy quy mô không lớn nhưng cũng gặp những khó khăn không nhỏ là dự án Khu thương mại và nhà phố Eden của Công ty Cổ phần Liên Kết Việt (Vietlink) tại phường Nam Ngạn và Đông Thọ. Tổng số tiền sử dụng đất đơn vị phải nộp sau khi xác định lại nghĩa vụ tài chính lên đến 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty cũng chưa thể hoàn thành hết nghĩa vụ tài chính vì ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Theo ông Trịnh Xuân Tráng – Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Lết Việt, dù gặp khó khăn bởi đại dịch nhưng Công ty đang tích cực dồn lực triển khai hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thi công với chất lượng cao nhất, quyết tâm xây dựng một khu đô thị khác biệt ở Thanh Hoá với hy vọng, ngay sau khó khăn sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với sản phẩm tốt.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đầu tư khác trong tỉnh mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ về cơ chế, cho giãn tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi khác để dự án nhanh chóng đưa vào thị trường, tạo thanh khoản và có tiền nộp ngân sách. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top