Bất động sản Tiền Giang: Khơi nguồn lực, chớp thời cơ

Bất động sản Tiền Giang: Khơi nguồn lực, chớp thời cơ

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Hai, 26/02/2024 - 06:00

Chia sẻ với Reatimes, ông Hà Thiện Ý - Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang đã cung cấp góc nhìn tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nhiều thông tin nổi bật cho thấy, Tiền Giang là địa phương giàu tiềm năng, luôn nỗ lực giữ tốc độ phát triển nhanh và bền vững trên mọi phương diện, là một trong những địa phương dẫn đầu tăng trưởng về kinh tế - xã hội của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Hà Thiện Ý, Tiền Giang có đà phát triển kinh tế toàn diện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng; ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được chú trọng. Đặc biệt là xuất công nghiệp, thương mại tiếp tục tăng trưởng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Công nghiệp tiếp tục đóng góp ngày càng tăng vào giá trị GRDP của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu ngành trong cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô khác nhau…

Bất động sản Tiền Giang: Khơi nguồn lực, chớp thời cơ- Ảnh 1.

Ông Hà Thiện Ý - Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang

Đối với lĩnh vực thương mại, Tiền Giang đã xuất khẩu các sản phẩm sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, tiếp tục mở rộng tìm kiếm và phát triển thêm nhiều thị trường mới; đầu tư hạ tầng thương mại có nhiều khởi sắc, thu hút và đưa vào hoạt động nhiều dự án có quy mô khác nhau; thương mại nội địa liên tục tăng trưởng và phát triển.

Nhiều công trình, dự án được đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn trước đã phát huy hiệu quả kết hợp với các công trình, dự án quan trọng đang được đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn tới như đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cầu Mỹ Thuận 2; cầu Rạch Miễu 2; mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; các khu, cụm công nghiệp khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước; Bệnh viện đa khoa; Quảng trường trung tâm; Trường Đại học Tiền Giang... sẽ là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bất động sản Tiền Giang: Khơi nguồn lực, chớp thời cơ- Ảnh 2.

Khu đô thị của Tập đoàn Tây Bắc hoàn thiện thay đổi diện mạo thị trường bất động sản Tiền Giang - Ảnh: Nguyễn Hữu Cảnh

Những năm còn lại của nhiệm kỳ, Tiền Giang quyết tâm nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra như: Tăng trưởng GRDP đạt 7 - 7,5%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 18.700 tỷ đồng, tổng chi ngân sách đạt 19.425 tỷ đồng.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 huyện đạt huyện nông thôn mới và 3/3 đô thị (thành phố, thị xã) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 65 xã nông thôn mới nâng cao và từ 15 - 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới.

Về thu hút vốn đầu tư, năm 2023, tỉnh ước tính thu hút được 17 dự án, tổng vốn 11.000 tỷ đồng, vốn giải ngân các dự án đầu tư dự kiến đạt 8.500 tỷ đồng. Một số dự án lớn của tỉnh có thể kể đến như: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (vốn đầu tư 4.464 tỷ đồng), Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng), Khu công nghiệp Bình Đông (vốn đầu tư 2.428 tỷ đồng), Nhà máy công ty TNHH Global Running (vốn đầu tư 1.156 tỷ đồng), Trạm bơm nước thô Nhà máy nước Đồng Tâm và hệ thống tuyến ống truyền tải (vốn đầu tư 1.099 tỷ đồng),… Một số dự án đăng ký tăng vốn như: Nhà máy Lốp Advance Việt Nam tăng vốn 3.979 tỷ đồng, Công ty TNHH Công nghiệp Bellinturf Việt Nam tăng vốn 2.806 tỷ đồng, Nhà máy sản phẩm thể thao giải trí Bestway Việt Nam tăng vốn 1.150 tỷ đồng, Công ty TNHH Want Want VietNam tăng vốn 759 tỷ đồng...

Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang nhìn nhận, mặc dù là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trong quá trình đầu tư phát triển, ngoài những khó khăn chung của cả nước thì tỉnh Tiền Giang cũng có những khó khăn, vướng mắc riêng cần được tháo gỡ.

Bất động sản Tiền Giang: Khơi nguồn lực, chớp thời cơ- Ảnh 3.

Cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang và Vĩnh Long - Ảnh: Nguyễn Hữu Cảnh

Thứ nhất, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công của tỉnh còn hạn chế, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã được HĐND tỉnh thông qua, nên còn một số công trình, dự án chưa cân đối được nguồn vốn để bố trí theo đề xuất phát sinh của các sở, ngành, địa phương.

Thứ hai, công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm do các chủ đầu tư chậm gửi báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi về các cơ quan chuyên môn thẩm định và công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thẩm định trong việc lấy ý kiến cũng còn chậm.

Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương đang thực hiện khá chậm do có quy mô lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp bị chậm do việc thực hiện thủ tục về đất đai có nhiều vướng mắc. Các dự án có sử dụng đất do người dân đang quản lý gặp khó khăn trong khâu chủ đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng đất…

Thứ năm, tỉnh cũng gặp khó khăn do cơ chế, chính sách còn có bất cập, chưa đồng bộ giữa các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… Năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế về mặt tài chính, không đáp ứng được vốn để đầu tư thực hiện dự án. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang, thị trường bất động sản địa phương thời gian qua chưa phát huy được hết tiềm năng, các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản không nhiều, quy mô không lớn. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân, thị trường trầm lắng, rất ít giao dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu nguồn vốn làm chậm tiến độ triển khai dự án. Hiện toàn tỉnh có 22 dự án kinh doanh bất động sản đang triển khai với khoảng 8.000 căn nhà, lô đất nền và căn hộ chung cư. Sản phẩm kinh doanh chủ yếu là nhà ở riêng lẻ và đất nền, mức độ tăng trưởng của thị trường bất động sản còn khiêm tốn.

Hiện Tiền Giang đang tích cực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch tạo động lực để khơi dậy tiềm năng và phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Cụ thể, tỉnh đã ban hành chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; kế hoạch số 380/KH-UBND ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh thực hiện đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; kế hoạch số 412/KH-UBND ngày 26/9/2023 của UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU và Kết luận 480-KL/TU ngày 07/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển kinh tế - đô thị 02 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng được mời gọi đầu tư, triển khai thực hiện theo hướng chất lượng, bài bản. Điển hình là Khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân Phước 2 huyện Tân Phước; Khu công nghiệp Dầu khí Soài Rạp, huyện Gò Công Đông; Khu công nghiệp Bình Đông, thị xã Gò Công; Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, huyện Gò Công Đông; Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy; Cụm công nghiệp Thạnh Tân, huyện Tân Phước; Cụm công nghiệp Tân Lý Đông, huyện Châu Thành; Cụm công nghiệp Long Bình, Cụm công nghiệp Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây. Khi các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng xã hội đồng bộ, không chỉ tạo ra việc làm, thu hút nguồn lao động lớn mà còn thúc đẩy hình thành các khu thương mại, dịch vụ, kích thích nhu cầu nhà ở.

Đồng thời, tỉnh đang từng bước xã hội hóa việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; thực hiện biện pháp kích cầu hợp lý đối với thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp, người thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở; tạo sức cạnh tranh cho thị trường bất động sản của tỉnh với thị trường khu vực, gia tăng sức hút với các nhà đầu tư.

Bất động sản Tiền Giang: Khơi nguồn lực, chớp thời cơ- Ảnh 4.

Khu công nghiệp Mỹ Tho - Ảnh: Nguyễn Hữu Cảnh

Cùng với đó, tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Nhà nước quản lý, điều tiết tốt thị trường giao dịch quyền sử dụng đất bảo đảm đúng mục đích sử dụng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tỉnh cũng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với 3 vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp tập trung ở Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền. Phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top