Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, Việt Nam đang cho thấy là điểm sáng trong công tác kiểm soát dịch bệnh thời gian qua. Đồng thời, Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút giới đầu tư. Những yếu tố này được đánh giá sẽ tạo ra bước đà cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị sức bật cho giai đoạn sau khi dịch bệnh qua đi. Trong đó, cơ hội ở các địa bàn tỉnh lẻ sẽ được các doanh nghiệp bất động sản nhắm tới và không bỏ lỡ.
Trong hơn 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ đến quy mô tập đoàn đều đã nhanh chân đưa các kế hoạch phát triển dự án ra khỏi hai thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM. Đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Novaland, Nam Long hay Đất Xanh Group ra mắt nhiều dự án mới nằm ngoài địa phận các thị trường lớn. Song song với đó, các thị trường Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Long An, Đồng Nai cũng cùng lúc có vẻ sôi động. Hơn nữa, chính tại các thị trường tỉnh lẻ, chính quyền địa phương cũng kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị với nhiều chính sách thuận lợi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp.
Điển hình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh có 4 dự án sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm: Khu An Hải, Mũi Nghinh Phong, quỹ đất nhận chuyển giao từ Ngân hàng Công thương và Khu Cụm 5. Theo ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2020, các khu đất sẽ được hoàn thành việc thông báo đấu giá.
Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại cuộc họp chiều ngày 18/3, tỉnh đang thực hiện công tác chuẩn bị kêu gọi đầu tư 19 dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực du lịch và đô thị.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện quy hoạch gần 1.870 công trình, dự án. Trong đó, có dự án đang ở khâu hoàn thành hồ sơ, thiết kế, mời gọi nhà thầu hoặc đang thi công.
Còn theo thông tin từ hệ thống Mạng Đấu thầu quốc gia, Ban Quản lý phát triển khu đô thị mới tỉnh Hà Nam vừa thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới Tân Hà, TP. Phủ Lý. Dự án đầu tư sử dụng đất với diện tích hơn 70ha, tổng mức đầu tư 986,6 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là tạo lập một khu dân cư mới, hiện đại; kết hợp các dự án đã và đang triển khai ở lân cận hình thành một khu đô thị có cơ cấu sử dụng đất hợp lý, kiến trúc cảnh quan đẹp và thân thiện với môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố danh mục dự án có sử dụng đất đối với dự án Khu đô thị phía Nam sông Như Ý thuộc Khu E - Đô thị mới An Vân Dương với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Dự án này có thể được thực hiện với hình thức đầu tư trong nước hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa có Quyết định về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2020. Cụ thể, tỉnh này kêu gọi đầu tư đối với dự án Khu đô thị Bắc Sông Cầu - Phân khu A có diện tích khoảng 28,7 ha; tổng chi phí thực hiện dự án 1.400 tỷ đồng.
Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, các nhà phát triển dự án sẽ không bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường tỉnh lẻ, mang đến luồng gió mới góp phần dần thay đổi diện mạo các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: “Tại các tỉnh lẻ, các khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo là thu hút một lượng lớn người lao động và nhu cầu về nhà ở công nhân, mức giá phù hợp bình dân. Trong những năm gần đây, Bình Dương là một ví dụ điển hình thu hút được nhiều nhà đầu tư bất động sản, với nhiều dự án có quy mô lớn. Những dự án nhà ở chung cư ở Bình Dương bán hàng rất tốt.
Bình Dương rất gần TP.HCM nên các sản phẩm chung cư chào bán nhanh. Điều đó cho thấy tiềm năng, trong khi cả thị trường TP.HCM đang có nhiều vấn đề. Các nhà đầu tư tại TP.HCM họ nhận thấy thị trường này không tốt và họ đi tìm các vùng đất mới để phát triển và kéo theo các nhà dịch vụ, môi giới, đầu tư nhỏ lẻ lan toả đi các địa phương, trong đó có Bình Dương. Đây là lợi thế có thể tận dụng cho Bình Dương khi mà thị trường TP.HCM có vấn đề”.
Cũng theo ông Đính, tại thị trường tỉnh lẻ, dư địa giá thấp hứa hẹn tiềm năng tăng giá cao, cũng như sự thông thoáng, cởi mở của cơ chế, chính sách đầu tư cùng với tốc độ đô thị hóa và sự hoàn thiện vượt bậc của hệ thống hạ tầng giao thông những năm gần đây đã tăng sức hút với nhà phát triển dự án và nhà đầu tư. Thị trường tỉnh lẽ sẽ tiếp tục là một “miếng bánh ngon” của các dòng vốn đầu tư trong năm 2020.