Nở rộ xu hướng bắt tay nội ngoại
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 10 tháng 2018, thành phố thu hút 5,47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 50% so với cùng kỳ (bao gồm cả cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần, góp vốn).
Trong đó, cấp mới 711 dự án, tổng vốn 640,57 triệu USD, tăng 22,8% về dự án và bằng 70% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3, chiếm 20,2% tổng vốn đăng ký mới.
Trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới sụt giảm, thì phương thức góp vốn, mua cổ phần lại tăng vọt. Cụ thể, trong 10 tháng, TP.HCM chấp thuận cho 2.155 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,28 tỷ USD, tăng 36,5% về số trường hợp và tăng gấp 2,1 lần về vốn đầu tư đăng ký.
Trong đó, theo ngành nghề, lĩnh vực, thì hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu khi chiếm tới 47,3% tổng vốn đăng ký, tương đương với khoản hơn 2 tỷ USD.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, làn sóng bắt tay nội ngoại để cùng phát triển dự án bất động sản diễn ra sôi động tại thị trường TP.HCM.
Đơn cử, mới đây, Tập đoàn Đại Phúc cho biết, sau khi phát đi thông tin kêu gọi doanh nghiệp ngoại cùng rót vốn vào để phát triển một số hạng mục trong Dự án Van Phuc City rộng 198ha tại quận Thủ Đức, TP.HCM, tập đoàn này đã liên tục tiếp các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến tìm hiểu.
Dù không công bố số vốn muốn thu hút nhà đầu tư ngoại rót vào dự án này, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thì số tiền mà tập đoàn này đưa ra không nhỏ. Chẳng hạn, hạng mục công viên nước mà Đại Phúc muốn thực hiện tại dự án lên tới 300 triệu USD, các hạng mục như trường học và bất động sản nhà ở cũng không nhỏ.
Trong khi đó, Công ty An Gia Investment nhận được sự hậu thuẫn từ đối tác Creed Group (Nhật Bản), cũng đã liên tục thâu tóm quỹ đất và dự án trong thời gian qua. An Gia Investment đang đưa ra kế hoạch phát triển dự án mới trong năm 2019 nhờ quỹ đất lớn đã được tích lũy thời gian qua.
Nam Long cũng là cái tên được nhắc tới khi đơn vị này liên tục có những cái bắt tay với các đối tác Nhật Bản để phát triển một số dự án tại huyện Bình Chánh, quận 9, TP.HCM và Bến Lức, tỉnh Long An.
Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM cũng chứng kiến những cái bắt tay nội ngoại trị giá hàng trăm triệu, thậm chí là tỷ USD như Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi (Nhật Bản) để phát triển công trình xanh; Thủ Đức House hợp tác với Daewon (Hàn Quốc); Frasers Property (Singapore) đã tham gia thỏa thuận mua cổ phần có điều kiện để sở hữu 75% vốn cổ phần của Công ty Bất động sản Phú An Khang…
Vẫn là thỏi nam châm
Dù diễn biến thị trường bất động sản năm qua có phần chững lại, nhưng dòng vốn ngoại liên tục rót mạnh vào thị trường bất động sản TP.HCM và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, trong năm 2019, dòng vốn ngoại được dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn khi TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để hút vốn ngoại.
Cụ thể, TP.HCM kêu gọi nhà đầu tư ngoại cùng tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mở rộng các cuộc hội thảo kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp ngoại vào Thành phố, trọng tâm là việc thực hiện chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh, xây dựng khu đô thị sáng tạo, thông minh mà TP.HCM đưa ra năm 2019. Cải cách, cởi bỏ bớt thủ tục hành chính trong việc cấp phép cho nhà đầu tư ngoại…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản nội bắt tay cùng doanh nghiệp ngoại phát triển dự án bất động sản lúc này là cần thiết, bởi thị trường đang có nhiều biến động, nhất là việc tín dụng ngân hàng với địa ốc đang bị siết dần. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản phải tìm các kênh huy động vốn mới, trong đó bắt tay cùng doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính mạnh là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhìn thấy “miếng bánh ngọt” ở thị trường bất động sản TP.HCM như thu nhập người dân TP.HCM tăng cao, nhu cầu sở hữu nhà ở lớn, bởi dân số TP.HCM hiện lên tới 13 triệu người (tính cả những người không có hộ khẩu tại Thành phố). Do đó, khi có cơ hội là họ nhanh chóng rót vốn thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp nội có quỹ đất sạch.
Ông Vikram Kohli, Tổng giám đốc CBRE Khu vực Đông Nam Á cho biết, từ năm 2015, phần lớn những giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) có giá trị lớn là các khu đất dự án bất động sản, tiếp sau mới là các khách sạn, chung cư và văn phòng. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư nước ngoài có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam và nơi được chọn nhiều nhất là TP.HCM.
Trong 3 năm vừa qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Bắc (Trung Hoa) cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt vào thị trường chung cư và căn hộ dịch vụ, với khách hàng trong hai phân khúc này chiếm 75% tổng lượng khách hàng của thị trường mua để cho thuê. Khách hàng nước ngoài chiếm đến 50% tổng số những giao dịch chuyển nhượng dự án nhà ở.
Theo CBRE, điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mở rộng hoạt động, mà còn thể hiện cam kết về sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam. Những yếu tố trên góp phần giải thích cho mức tăng trưởng 15% của giá nhà ở tại các khu vực trung tâm TP.HCM trong hai năm gần đây.
Ông Vikram Kohli chia sẻ, những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm bớt rào cản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng cũng góp phần giúp cho triển vọng của nền kinh tế được tươi sáng hơn.
Những chính sách kể trên giúp đa dạng hóa bức tranh của nền kinh tế và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản thương mại, qua đó thúc đẩy nhu cầu về bất động sản và giúp TP.HCM tiếp tục nới rộng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng kinh tế với các quốc gia cũng đang được xếp hạng tín nhiệm BB.
Về sự chững lại của thị trường trong năm qua, theo đánh giá của các chuyên gia, sự phục hồi của thị trường bất động sản kể từ năm 2015 đến nay cho thấy, đôi lúc những nhịp điều chỉnh của thị trường lại là một tín hiệu tích cực trong dài hạn và đó chính là cách nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, trong năm qua, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A bất động sản lớn, diễn ra ở gần như tất cả các phân khúc, từ văn phòng, nhà ở, đến bán lẻ.
“Chúng ta có thể cảm nhận được mức độ hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngôi sao mới nổi của châu Á và năm 2019 sẽ là giai đoạn rót vốn quan trọng”, ông Vikram Kohli nói.