Bất động sản du lịch đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam không chỉ riêng 28 tỉnh, thành phố có biển, mà còn mở rộng sang các địa phương khác. Thời gian qua, nhiều mô hình mới xuất hiện làm đa dạng hơn về các sản phẩm bất động sản du lịch như căn hộ du lịch nghỉ dưỡng Condotel, kinh doanh phòng chia sẻ Airbnb hay hình thức sở hữu kỳ nghỉ chia sẻ. Với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình mới này tại Việt Nam, đang góp phần đa dạng các sản phẩm bất động sản du lịch nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh với các hình thức bất động sản truyền thống. Đây cũng là vấn đề khiến các cơ quan chức năng quản lý phải đau đầu về việc đưa ra chính sách quản lý như thế nào cho phù hợp.
Anh Đỗ Văn Doản Luận (Hà Nội) cho hay, gia đình anh đã kinh doanh khách sạn tại phố cổ Hà Nội được hơn 5 năm nay. Thay vì ngồi chờ đợi khách đến trực tiếp đặt phòng, hiện anh Luận dùng cả Airbnb - một hình thức đặt phòng qua mạng - để tìm kiếm khách.
"Airbnb đang phát triển mạnh tại Việt Nam, ứng dụng rất đơn giản cho việc đặt phòng. Mô hình này đang cạnh tranh mạnh mẽ với các mô hình khách sạn truyền thống", anh Luận nói.
Còn chị Hoàng Thị Lệ Huyền (Hà Nội) cho biết, chị mới bỏ ra 180 triệu đồng để mua một thẻ chia sẻ kỳ nghỉ Timeshare. Theo đó, mỗi năm gia đình chị được nghỉ ở đó 1 tuần, các tuần còn lại trong năm chủ đầu tư bán cho các khách hàng khác. Đây là một mô hình khá mới trên thị trường bất động sản. Khách hàng cũng có thể trao đổi kỳ nghỉ của mình tại nhiều địa điểm khác nhau.
"Vào các dịp lễ tết, rất khó để đặt được phòng. Giá phòng cũng rất cao, vì vậy nếu có thẻ sẽ được ưu đãi phòng giảm tới 50%", chị Huyền nói.
Ngoài các hình thức trên, một mô hình mới khác đang bùng nổ trên thị trường đó là căn hộ khách sạn Condotel tại hàng loạt các thành phố ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Điều này làm bức tranh bất động sản Việt Nam trở nên sôi động hơn nhưng lại làm đau đầu các cơ quan quản lý về cơ chế quản lý với mô hình này. Bởi, thực tế hiện chưa hề có khung pháp lý cho các mô hình kể trên.
Ông Lee Pearce - Tổng Quản lý Novotel Phu Quoc Rerort, đại diện Tập đoàn Accor Hotel nói: "Thời gian qua, có một số chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc huy động vốn, không chú trọng và thực hiện được cam kết với khách hàng. Điều này làm giảm tính cạnh tranh và ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng".
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Mạnh Khởi, cần tham khảo từ nhiều nguồn thông tin, nhiều thành phần, nhiều đối tượng khác nhau để ra văn bản pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của các mô hình bất động sản mới cũng khiến các mô hình kinh doanh cũ bị cạnh tranh, hoặc buộc phải thay đổi để thích nghi. Rõ ràng, phải có lợi ích, các doanh nghiệp mới đầu tư và khách hàng mới chấp nhận. Vấn đề về khung pháp lý cho các loại hình bất động sản mới cần sự tham khảo thêm từ cách thức quản lý của các nước khác trên thế giới.