Aa

Bất động sản vẫn đang trong giai đoạn “giằng co”

Thứ Tư, 02/08/2023 - 15:19

Theo chuyên gia, thị trường bất động sản hiện nay đang trong giai đoạn “giằng co”. Một số sản phẩm vẫn giảm nhưng hầu hết những sản phẩm khác có nhu cầu thực lại đứng yên và có thể tăng chậm rãi trong thời gian tới.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng số lượng giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm nay đạt 187.000 giao dịch, so với cùng kỳ năm 2022 chỉ bằng 36,13%. Chứng tỏ, thị trường bất động sản cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều.

Thị trường BĐS nửa đầu năm bị bóp nghẹt, thiếu nguồn cung

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc nửa đầu năm nay chủ yếu xuất hiện nhiều khó khăn do bị bóp nghẹt và thiếu nguồn cung. Thứ nhất là không có hàng hóa mới, thế nên giao dịch cũng không có. Nếu có thì cũng không phù hợp với nhu cầu của hầu hết người mua.

Tổng số lượng giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm nay đạt 187.000 giao dịch, so với cùng kỳ năm 2022 chỉ bằng 36,13%. Số liệu từ Bộ Xây Dựng

Trong khi đó nhiều dự án vẫn đang nằm “đắp chiếu” chờ được phê duyệt. Nhiều dự án dù đã thành hình, hoàn thiện cơ bản nhưng vẫn không thể rao bán vì gặp vướng mắc thủ tục hành chính, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc vấp phải yêu cầu kiểm duyệt của chính quyền, thiếu hụt hạ tầng xã hội…

Vấn đề tiếp theo là tiền. Trong thời gian qua, chất lượng tiền vô cùng yếu kém. Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao khiến nhà đầu tư khốn đốn. Đồng thời, vướng mắc và bất cập còn nhiều nên việc bán hàng lại càng khó khăn. Phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lại có lợi nhuận mỏng, các doanh nghiệp cũng không quá mặn mà.  

Liên quan đến tình trạng này, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa nhận định, bản chất thị trường bất động sản thời gian qua đang trong giai đoạn ảo, giá quá cao và quá chênh so với thực tế. Khi gặp sự cố về hệ thống tài chính, bất động sản đột ngột giảm giá sâu và rơi vào khủng hoảng. Thị trường này trong 6 tháng đầu năm cũng có sự giằng co. Một số bất động sản tại khu vực xa trung tâm vẫn giảm nhẹ, song một số sản phẩm ở khu vực trung tâm và có nhu cầu thực lại đứng yên, không tăng nữa. 

Tuy nhiên, thị trường bất động sản đến tháng 6 năm nay đã có một số tín hiệu đáng mừng. Các chủ đầu tư bắt đầu mở bán chậm rãi, có chọn lọc đối với số lượng sản phẩm tại TPHCM, Hà Nội và vùng ven 2 khu vực này. 

Một số điểm sáng của thị trường BĐS

Thời gian qua, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến khó lường nhưng vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng nhờ Chính phủ liên tục có các chỉ đạo “nóng” để tháo gỡ cho thị trường. Tiêu biểu là Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản và Nghị định 10/NĐ-CP công nhận quyền sở hữu của người mua. 

Ngoài ra còn có nhiều chỉ đạo khác từ Chính phủ cùng nhiều cuộc họp để tìm kiếm giải pháp vực dậy thị trường. Tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, sau đó các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Chưa kể, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,... cũng đang trong quá trình dự thảo sửa đổi. Đây đều là những tín hiệu tích cực, giúp “vực dậy” thị trường bất động sản. 

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS). Ảnh: Nhịp Sống Thị Trường

TS. Nguyễn Văn Đính nhận định, những chỉ đạo tháo gỡ cho bất động sản của Chính phủ, Bộ, Ngành và địa phương từ đầu năm đến nay nhìn chung đã tác động ít nhiều đến thị trường. Ví dụ như một số văn bản chỉ đạo thẳng như Nghị định 10 và 08... đã trực tiếp “thẩm thấu” những hoạt động của thị trường và có hiệu quả. Song những chỉ đạo khác cần đánh trực diện vào những điểm đang nghẽn trên thị trường, đưa ra những định hướng cần thiết và phù hợp.

Chia sẻ với Nhịp Sống Thị Trường, ông Đính cho biết: “Điều quan trọng là chúng ta phải làm cho tâm lý nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào “cuộc chơi” hơn. Vấn đề nằm ở thời gian. Nên giải quyết trước cho những người đã đầu tư, giúp họ thoát được cảnh ‘ngồi trên đống lửa’”.

Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, với những chính sách hỗ trợ thiết thực trong nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục. Nhưng đến nay, những chính sách này chưa thể hiện rõ được vai trò tác động đến thị trường địa ốc. 

Thị trường đang đón tín hiệu phục hồi

Giai đoạn 2023, theo các chuyên gia, bản chất thị trường bất động sản chỉ gặp khó trong 1 năm. Thị trường khó khăn là do chính sách chưa được khơi thông, dòng tiền khó tiếp cận và có lãi suất cao, sự hỗ trợ chưa có hiệu quả… Bù lại, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và thể hiện ý chí rõ ràng về định hướng thị trường trong thời gian qua.

Ông Quang cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang trong giai đoạn “giằng co”. Một số sản phẩm vẫn giảm nhưng hầu hết những sản phẩm khác có nhu cầu thực lại đứng yên, không những không giảm mà còn có thể tăng lên một cách chậm rãi. Do đó, khi room tín dụng được nới thì thị trường cuối năm sẽ dần hồi phục. 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng về cơ bản, những vướng mắc về pháp lý thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ trong quý 3 năm nay. Sau đó, chúng sẽ dần thấm vào thị trường, vì thế hiệu quả sẽ có độ trễ. Nói chung, thị trường bất động sản nếu muốn hồi phục sẽ phải chạy theo tốc độ từ từ, nhưng cũng sẽ có biểu hiện của sự “sống lại”.

Thị trường bất động sản nếu muốn hồi phục sẽ phải chạy theo tốc độ từ từ, nhưng cũng sẽ có biểu hiện của sự “sống lại”. Ảnh: Tiền Phong

Về dài hạn, việc sửa đổi luật là cần thiết và cần đẩy nhanh quá trình này, đặc biệt là Luật đất đai, bởi Luật này có liên quan đến hầu hết các luật khác. Ngoài ra, trên thị trường cũng đang phân nhóm những dự án bất động sản. Có những dự án đã hoàn thành, cũng có những dự án dù xong nhưng chưa được xử lý, một số dự án dang dở vì vướng mắc thủ tục pháp lý hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực để “gồng gánh”...

“Theo tôi, giải pháp là chúng ta cần tập trung tháo gỡ pháp lý cho những dự án đã xong, đã hoàn thành để tung ra thị trường các nguồn hàng, tạo ra sự tăng trưởng trong hoạt động kinh tế. Đối với nhóm các dự án đang vướng mắc pháp lý và đuối về năng lực, Nhà nước có thể tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư hay kết nối đầu tư, kết nối các quỹ đầu tư… để họ kêu gọi đầu tư…”, ông Đính cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top