Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo tổng kết quý IV/2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá, trong bối cảnh Covid-19, kinh tế khó khăn nhưng giá nhà không giảm là do cung giảm trong khi nhu cầu nhà ở vẫn thường trực. Bên cạnh đó, nhà ở thực chất là một phân khúc của thị trường bất động sản, trong nhiều kênh thì đây vẫn là kênh đầu tư tốt mở ra nhiều cơ hội.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản cũng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, mặc dù chịu tác động của Covid-19 nhưng giá nhà ở mọi phân khúc không có dấu hiệu giảm mà vẫn tăng. Trong đó, giá nhà cao cấp tăng khoảng 0,5%, phân khúc trung cấp tăng khoảng 2 - 3%, đất nền tăng 3 - 5% (cá biệt có trường hợp tăng 10%), giá nhà TP.HCM có tỷ lệ tăng cao hơn TP. Hà Nội.
Ông Hưng cũng nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân khiến giá nhà tăng, trong đó, sự mất cân đối cung cầu có tác động mạnh. Ông Hưng cho biết, trong thời gian qua, nguồn cung khá hạn chế do hàng loạt dự án phải rà lại theo đúng quy định của pháp luật, dẫn đến bị đình trệ, chậm tiến độ ra hàng, cùng với tác động của dịch bệnh khiến nguồn cung càng nhỏ giọt, thị trường sụt giảm.
Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định đây là vấn đề không đơn giản bởi vướng quy hoạch và bất cập trong việc tăng chiều cao, mật độ dân số, hạ tầng giao thông. Vì thế cần có nghiên cứu thông qua sửa đổi hệ thống pháp luật để đưa ra giải pháp mang tính đồng bộ.
Về việc ứng xử với các biệt thự Pháp cổ, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay, về cơ chế quản lý thì đã có đầy đủ, nhưng vướng mắc chủ yếu ở chỗ các biệt thự khi đã giao cho nhiều chủ thì không còn là biệt thự mà đã bị cơi nới, phá vỡ kiến trúc cũ. Có những công trình gần như quá tải, rất nguy hiểm, cần phải có đánh giá hiện trạng để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ đổ sập, ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Nhưng việc khôi phục nguyên trạng đối với các công trình này rất khó bởi các vướng mắc cũng giống như việc cải tạo chung cư cũ.
Liên quan đến công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản thời gian qua, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị.
Thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, tác động tiêu cực. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan đã tập trung xây dựng cơ bản đầy đủ và đồng bộ hệ thống hệ thống thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến thị trường bất động sản đáp ứng được yêu cầu quản lý và điều tiết diễn biến bất động sản, đồng thời phối hợp các địa phương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các biến động của thị trường cũng như kịp thời đề xuất, thực hiện các giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường khi cần thiết.
Theo đó, thị trường bất động sản ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng dự án, quy mô dự án và chất lượng dự án, cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, đã huy động được 4,3 triệu tỷ đồng vốn các loại để phát triển các dự án bất động sản. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, thị trường bất động sản đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như: Phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng ngay trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19 vừa qua, chỉ giảm phát ở một số phân khúc thị trường nhà ở và có xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời./.