Aa

Bất động sản ven sông Cổ Cò “đứng bánh“, kỳ vọng khi dòng sông được khơi thông

Thứ Tư, 26/04/2023 - 07:12

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò thuộc dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2023 mở ra hy vọng cho thị trường BĐS ven sông này.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn, đoạn 1 từ Km0 (Cửa Đại, TP. Hội An) đến Km14+00 (P. Điện Dương, thị xã Điện Bàn) và đoạn 2 từ Km14+00 đến Km19+500 (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn). Hiện nay, việc nạo vét sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận TX. Điện Bàn) gặp nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Nhiều dự án ven sông Cổ Cò đến nay vẫn chưa đảm bảo đúng tiến độ.
Nhiều dự án ven sông Cổ Cò đến nay vẫn chưa đảm bảo đúng tiến độ. (Ảnh: Đông Duy)

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Điện Bàn, quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại như có trường hợp đã thống nhất kiểm kê nhưng ở xa chưa kiểm kê được; nhiều hộ chưa thống nhất kiểm kê do diện tích đo đạc nhỏ hơn trong giấy chứng nhận; một số diện tích đất vẫn vướng tranh chấp giữa các hộ dân; một số hộ dân không phối hợp; nhiều thửa đất không xác định được chủ sử dụng đất... Ngoài ra, còn nhiều bất cập như có nhóm 26 hộ đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng không thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng với nhiều lý do như đơn giá thấp, đề nghị bồi thường đất khai hoang.

Đối với phần nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn từ Km14+000 đến Km19+500, trong đó đoạn Km14+000 đến Km16+000 (đi qua 3 phường của TX. Điện Bàn, gồm: Điện Dương; Điện Nam Trung; Điện Nam Bắc) đã cơ bản hoàn thiện công tác kiểm đếm hiện trạng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc như về giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường cho các hộ dân ảnh hưởng dự án; tình trạng tranh chấp đất; một số người dân có đất ảnh hưởng, thu một phần diện tích mà phần diện tích còn lại không có đường vào sản xuất và đã hút hết vùng nước nên khó khăn để tiếp tục sử dụng canh tác, sản xuất nên đã có kiến nghị thu hồi hết phần diện tích còn lại không ảnh hưởng dự án…

Đối với đoạn từ Km16+000 – Km18+900 (qua 2 phường Điện Dương và Điện Ngọc), trong đó P. Điện Ngọc hiện có 39 hộ đã có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng không chịu nhận tiền với các lý do như đơn giá bồi thường và hỗ trợ quá thấp, có sự so bì giữa dự án nạo vét sông Cổ Cò và các dự án đô thị liền kề gần đó. Người dân muốn có sự thỏa thuận và thống nhất về đơn giá bồi thường phải tương đương với đơn giá m2 đất bán tại khu vực đó. Bên cạnh đó nhiều hộ đề nghị bố trí tái định cư khi thực hiện việc thu hồi đất đối với đất nông nghiệp, đề nghị hỗ trợ nhân hộ khẩu đối với những nhân hộ khẩu đã tách hộ, xoá tên hoặc chuyển đi nơi khác.

Sông Cổ Cò trước đây bị bồi lấp nặng nề, nhiều diện tích đất ven sông được người dân canh tác, gây nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Sông Cổ Cò trước đây bị bồi lấp nặng nề, nhiều diện tích đất ven sông được người dân canh tác,
gây nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, nhiều hộ dân có đất nằm trong các dự án đô thị ven 2 bên sông Cổ Cò ảnh hưởng cùng lúc nhiều dự án không đồng ý nhận tiền vì thửa đất sau khi thu hồi diện tích còn lại nhỏ, các hộ dân này có đất bị ảnh hưởng từ 2 đến 3 dự án, mỗi dự án thu hồi 1 ít diện tích nhỏ lẻ, diện tích còn lại nằm ngoài vạch dự án (trong khoảng hở giữa các dự án khu đô thị và dự án sông Cổ Cò) chưa được đền bù, người dân đề nghị các thửa đất phải được đền bù dứt điểm 1 lần và nhận tiền 1 lần, không phân chia ra nhiều dự án làm giảm tỷ lệ phần trăm mất đất bé hơn 15% thì người dân không được hỗ trợ.

Đối với phần diện tích chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở đoạn Km16+000 - Km18+900, P. Điện Dương có diện tích ảnh hưởng khoảng 20ha với 93 hộ; P. Điện Ngọc có diện tích ảnh hưởng khoảng 18ha với khoảng 172 hộ ảnh hưởng. Tất cả diện tích trên đến nay đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Điện Bàn cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm hiện trạng.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TX. Điện Bàn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An - Các dự án thành phần được triển khai trên địa bàn TX. Điện Bàn, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung toàn lực, vào cuộc đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhằm đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thành trước ngày 30/6/2023 để thi công Dự án đảm bảo theo tiến độ đề ra.

Thông tin từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án), theo tiến độ dự kiến, nếu công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành đúng kế hoạch thì Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn từ Km14+000 đến Km19+500 (đoạn qua địa phận TX. Điện Bàn – PV) sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Dự án Nạo vét, khơi thông Sông Cổ Cò đang dần về đích.
Dự án Nạo vét, khơi thông Sông Cổ Cò đang dần về đích.

Cổ Cò đã gần thông nhưng những dự án ven sông vẫn “bất động”

Sông Cổ Cò sau khi được nạo vét, khơi thông được kỳ vọng sẽ giúp kết nối hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam, hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch đường sông; tạo thêm giao thông đường thuỷ, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, đi lại, giảm tải cho đường bộ. Cùng với đó là tạo động lực phát triển đô thị 2 bên dòng sông và khu vực; tăng cường khả năng thoát lũ khu vực phía Đông của TX. Điện Bàn và TP. Hội An… Sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng.

Trên thực tế, trước khi sông Cổ Cò được triển khai nạo vét thì nhiều dự án khu đô thị, khu du lịch ven sông đã được giao cho nhiều chủ đầu tư. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, thị trường bất động sản ven sông Cổ Cò trở nên nhộn nhịp, nhiều dự án được quảng bá rầm rộ thông qua nhiều kênh truyền thông được nhà đầu tư quan tâm, góp vốn mua đất… Tuy nhiên đến nay, khi sông Cổ Cò gần được khơi thông thì nhiều dự án ven sông lại đang nằm im “bất động”, một số dự án thì chỉ mới hình thành trên giấy, đang phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ pháp lý; một số dự án được triển khai dở dang, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành nhiều lần nhưng thực tế chưa biết khi nào về đích. Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân của tình trạng trên như khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư, thị trường “đóng băng” làm cho nhiều chủ đầu tư trở nên thận trọng trong việc thúc đẩy tiến trình đưa ra sản phẩm mới…

Ngoài ra thì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ đề ra là một trong những nguyên nhân chính làm cho nhiều dự án ven sông Cổ Cò đến nay vẫn đứng hình. Đơn cử như dự án Khu đô thị DATQUANG RIVERSIDE (quy mô khoảng 22,45ha) được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2017, đã được giãn tiến độ thực hiện đến tháng 12/2022 (giãn tiến độ 36 tháng so với tiến độ đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 2293/QĐ-UBND ngày 26/6/2017) nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng, chỉ mới được giao 21,79ha; phần diện tích còn lại 0,37ha chủ đầu tư đang lập hồ sơ, thủ tục để được giao đất. Hay tại dự án liền kề là Khu đô thị số 4 có diện tích quy hoạch khoảng 44,42ha, được triển khai thực hiện từ năm 2003 nhưng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chỉ mới nhận bàn giao và thực hiện dự án với diện tích khoảng 36,08/44,42ha.

Cả 2 dự án nêu trên đều là những dự án ven sông Cổ Cò, quy mô lớn nhưng vẫn đang “bất động”, loay hoay tìm lối ra. Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đang xem xét gia hạn tiến độ thực hiện cho 2 dự án này. Đấy cũng là tình trạng chung của nhiều dự án ven sông Cổ Cò đang gặp phải. Song song với sự “bất động” của các dự án thì tình hình thị trường bất động sản tại TX. Điện Bàn (chủ yếu tại nhiều dự án khu vực ven sông Cổ Cò và khu vực lân cận) cũng trở nên ảm đạm, kém hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Theo một môi giới chuyên về đất tại TX. Điện Bàn thì hiện nay nhà đầu tư không mấy mặn mà đến đất tại khu vực này nữa. Vào giữa tháng 3/2023, một lô đất nền tại dự án Viêm Minh - Hà Dừa đã có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV) diện tích khoảng 80m2 được rao bán với giá khoảng 1,2 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay chỉ được rao bán khoảng hơn 1 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có người mua. Tương tự, lô đất nền tại Khu đô thị số 4 (ven sông Cổ Cò) có diện tích hơn 170m2 đang được rao bán với giá cắt lỗ khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng vẫn đỏ mắt chờ người… “chốt sổ”.

Trong khi nhiều sản phẩm cũ vẫn kém giao dịch thì nguồn cung mới cũng trở nên hạn hẹp tạo ra “không khí” ảm đạm chung của thị trường bất động sản Quảng Nam. Theo DKRA, thị trường bất động sản Quảng Nam trong quý I/2023 chỉ ghi nhận 30 sản phẩm mới thuộc phân khúc đất nền được mở bán, tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ cũng chỉ đạt ở mức khiêm tốn. Ở phân khúc nhà phố/biệt thư, nguồn cung mới trong quý chỉ đạt 12 sản phẩm thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo của 1 dự án trên địa bàn H. Duy Xuyên. Ở phân khúc căn hộ và các phân khúc của bất động sản nghỉ dưỡng đều không ghi nhận mở bán sản phẩm mới nào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top