Aa

Bất động sản Việt Nam có nhiều triển vọng nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 10/05/2020 - 05:55

Dịch Covid-19 đã tác động đến dòng vốn chảy vào các loại tài sản ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng tại Việt Nam nhờ khả năng xử lý nhanh dịch, bất động sản có nhiều triển vọng với nhiều cơ hội mới thu hút nhà đầu tư.

Theo báo cáo của JLL, trong quý I/2020, vốn đầu tư vào Châu Á - Thái Bình Dương giảm 34% so với cùng kỳ. Covid-19 đã tác động lên nhiều ngành công nghiệp cũng như các loại tài sản ở khu vực này. Theo đó khối lượng giao dịch bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương chỉ đạt 29,5 tỷ USD trong quý I/2020, tương ứng giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore là những thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng hoạt động đầu tư giảm ít nhất 60%. Còn Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có lượng giao dịch tương đương hoặc cao hơn so với năm trước. Hồng Kông ghi nhận tổng khối lượng giao dịch giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình trên diện rộng và sau đó là Covid-19. Các thương vụ thâu tóm đồng loạt bị hạn chế.

Ở Trung Quốc, hoạt động đầu tư ghi nhận giảm 61%. Bên mua đã trì hoãn kế hoạch đầu tư và bên bán cũng phải thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đã hoàn thành phần lớn các giao dịch tài sản văn phòng có quy mô, đặc biệt là ở Thượng Hải.

Singapore có lượng đầu tư giảm 68% và thị trường khan hiếm các tài sản có sẵn để giao dịch. Đồng thời, rủi ro suy thoái gia tăng khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn, thay vào đó là tập trung quản lý tài sản và tạm dừng giải ngân vốn trong thời điểm hiện tại. So với những khu vực trên, Australia có khối lượng giao dịch giảm nhẹ hơn với 28%. Thị trường văn phòng tại Sydney và Melbourne vẫn khả quan. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ giảm đến 78% so với quý trước vì nhiều giao dịch bán tài sản lớn đã bị hoãn lại hoặc bị hủy.

Tại Nhật Bản, hoạt động đầu tư vẫn giữ ổn định nhờ các thương vụ có quy mô lớn xuyên biên giới. Ngoại trừ hoạt động ở phân khúc văn phòng và bán lẻ giảm, các khu vực còn lại như hậu cần, khách sạn và nhà ở đều tăng.

Thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều triển vọng

Riêng thị trường Hàn Quốc, mặc dù khối lượng giao dịch chung trong quý đầu năm tăng 32% nhờ dòng vốn mạnh chảy vào phân khúc văn phòng, các chuyên gia JLL vẫn cho rằng khối lượng đầu tư trong quý tại Hàn Quốc có thể không phản ánh đầy đủ tác động của dịch bệnh lên thị trường bởi nhiều giao dịch đã được triển khai từ năm ngoái.

Ông Stuart Crow, CEO phụ trách thị trường vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL nhận định: “Với tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư tại châu Á Thái Bình Dương giảm trong quý I/2020 là điều không thể tránh khỏi. Nhiều nhà đầu tư chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán trong giai đoạn kinh tế bất ổn và chúng tôi dự báo tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài đến quý II/2020. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư có thể sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Khi đó, những nhà đầu tư có tiềm lực vốn mạnh đang chờ đợi cơ hội sẽ thúc đẩy dòng chảy giao dịch mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực”.

Còn theo chia sẻ của bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường vốn Châu Á - Thái Bình Dương của JLL: “Nhiều nhà đầu tư mà chúng tôi làm việc vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan. Họ cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn. Hiện tại, các nhà đầu tư trì hoãn quyết định để chờ thời cơ mới. Vì vậy, những ảnh hưởng của Covid-19 sẽ càng rõ nét hơn trong quý II/2020.

Riêng tại thị trường Việt Nam, ông Stephen Wyatt cho rằng: “Các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, văn phòng và nhà ở. Nền tảng đầu tư và các yếu tố cơ bản của Việt Nam vẫn tích cực mặc dù một số nhà đầu tư đang do dự về quyết định đầu tư do tác động của Covid-19. Với tốc độ phản ứng nhanh chóng và xử lý hiệu quả Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy khối lượng đầu tư tăng lên”.

Một cơ sở quan trọng nữa khiến thị trường bất động sản nhận được sự tin tưởng hồi phục mạnh mẽ sau dịch Covid-19 đó là bối cảnh trong nước rất thuận lợi. Kinh tế tăng trưởng tốt, chính trị ổn định, lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực chủ chốt khi luôn nằm trong nhóm thu hút tốt nhất vốn đầu tư nước ngoài (chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất).

Trong khi đó, nỗi lo "bong bóng" bất động sản hầu như không còn, bởi kinh nghiệm ứng phó của các cơ quan quản lý. Cùng với đó, thị trường cũng ngày càng minh bạch, các hành lang pháp lý được nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện… Tất cả những điều này đang mang đến một cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản Việt Nam. Thậm chí, cả dịch Covid-19 ít nhiều cũng mang ý nghĩa tích cực khi giúp sàng lọc thị trường, thúc đẩy các thương vụ mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án…

Trong nước, các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán đều đang gặp khó, trong khi nhu cầu về bất động sản vẫn lớn ở nhiều phân khúc, từ nhà ở, cho đến bất động sản công nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng.

Nhận định về những triển vọng này, mới đây, tại Hội nghị Quốc tế online (Webinar) do FIABCI Asia Pacific tổ chức tại Malaysia thì Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group cũng đã nêu quan điểm thị trường bất động sản Việt Nam dù bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn sẽ có rất nhiều điểm sáng và sẽ là ngành hứa hẹn phục hồi sớm nhất.

Theo đó, những điểm sáng đã được ông Bình chỉ ra cho trị trường bất động sản Việt Nam hậu Covid-19 gồm phương thức làm việc mới theo công nghệ số, online. Bất động sản Việt Nam cũng sẽ thích ứng theo xu thế này (bán hàng online, các dịch vụ online…); các sản phẩm bất động sản xanh, gần gũi với môi trường, có tính riêng tư như nhà ở riêng lẻ (biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng, trang trại) sẽ có cơ hội lớn.

Đặc biệt, hai phân khúc bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng trước hết dựa trên sự chuyển dịch sản xuất, nguồn cầu nội địa và sau đó từ các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top