Colliers Việt Nam mới đây công bố Báo cáo Thị trường bất động sản Việt Nam quý III/2022, trong đó tập trung phản ánh tổng quan kinh tế Việt Nam và nhấn mạnh về sức hút của thị trường bất động sản.
Kinh tế Việt Nam đang thể hiện mức tăng trưởng ấn tượng
Cụ thể, GDP quý III/2022 của Việt Nam ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu 2022, GDP tăng 8,83% và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, do hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, cũng như chủ trương của Chính phủ về hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ có tỷ trọng tăng trưởng lớn, đóng góp vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý III/2022.
CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021.
Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với tháng 9/2021. 9 tháng đầu 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 176,7 tỷ USD, tăng 21% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,6%).
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 đạt 431,9 nghìn lượt người, giảm 11,2% so với tháng trước và gấp 45,4 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu quý III/2022 ước tính đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với quý III/2021 và giảm 7,1% so với quý II/2022. 9 tháng đầu 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu quý III/2022 ước tính đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021 và giảm 0,5% so với quý II/2022. 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam
Mặc dù có tâm lý thận trọng hơn trong bối cảnh biến động, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy cơ hội trong tất cả phân khúc bất động sản tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 15,4 tỷ USD - cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; trong đó bất động sản đứng thứ hai về thu hút FDI.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang thể hiện mức tăng trưởng ấn tượng, với GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, lạm phát và thiếu hụt năng lượng tiếp tục diễn ra trên toàn cầu, ba trụ cột là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đã giúp Việt Nam vững vàng trước những biến động và do đó đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Trong lĩnh vực bất động sản, dù có những thăng trầm ở các phân khúc, thị trường vẫn tiến triển và nhiều tiềm năng với dư địa tăng trưởng lớn. Nhìn đến cuối năm nay, tôi tin rằng Chính phủ sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa về chính sách tài khóa và pháp luật để giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững”.
Phân tích về sức hút của thị trường bất động sản, bà Winnie Lam, Giám đốc vận hành, Colliers Việt Nam cho biết thêm: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư từ nhiều vùng lãnh thổ đang gia tăng. Bất động sản công nghiệp được quan tâm nhất khi các nhà đầu tư đang tăng tốc sau hai năm tạm lắng. Các phân khúc khác như bất động sản văn phòng, bán lẻ, nhà ở và khách sạn đang hoạt động sôi nổi nhất kể từ năm 2019”.
Cũng theo các chuyên gia của Colliers, những biện pháp hạn chế trong thời gian gần đây có thể khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm trong những tháng trước mắt đến năm 2023. Tuy nhiên, đây là những “liều thuốc” cần thiết giúp thị trường minh bạch, công bằng và lành mạnh hơn trong dài hạn. Do đó, các nhà đầu tư thông minh nên quan sát nhằm chớp lấy cơ hội mới để gia nhập thị trường bất động sản./.