Colliers Việt Nam vừa chính thức công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2022, trong đó phản ánh tổng quan kinh tế Việt Nam và các xu hướng chính trên thị trường bất động sản Hà Nội, TP. TP.HCM và Đà Nẵng, bao gồm các phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ, căn hộ dịch vụ, chung cư, biệt thự và nhà phố, khu công nghiệp.
Đánh giá về thị trường bất động sản trong quý vừa qua, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho biết: “Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và nhiều hoạt động kinh doanh được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng như trước dịch Covid-19 vào cuối năm nay. Thị trường bất động sản Việt Nam được cho là ngôi sao sáng, vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Trong quý II/2022, thị trường bất động sản trong nước chứng kiến những sự dịch chuyển theo xu thế kinh tế - xã hội như các quyết sách mới về hạ tầng, tài khóa cũng như luật và các quy định. Những thay đổi mang tính hệ thống này thể hiện nỗ lực bình ổn thị trường của Chính phủ, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn”.
Đặc biệt, Colliers Việt Nam đã phân tích cụ thể về 5 điểm sáng của thị trường bất động sản Việt Nam trong quý II/2022.
“Vùng an toàn” giữa những biến động toàn cầu
Mặc dù nhiều thị trường quốc tế đang chao đảo, Việt Nam đã chứng minh “sức chống chịu” tốt. GDP quý II/2022 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tiềm năng tăng trưởng cao, Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn FDI thực hiện trong nửa đầu năm 2022 ước đạt 10,06 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm trở lại đối với thị trường bất động sản Việt Nam ở mọi phân khúc, đặc biệt là mảng khu công nghiệp và bán lẻ. Chúng tôi cũng ghi nhận có nhiều nhà đầu tư châu Á đến từ những thị trường đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, bao gồm Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc)”, bà Winnie Lam, Giám đốc vận hành, Colliers Việt Nam cho biết.
Về xu hướng này, bà Winnie Lam lý giải là do triển vọng tăng trưởng dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam cho thấy lợi suất lớn và tiềm năng hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thêm nhiều tòa nhà văn phòng mới, giá thuê tăng ở tất cả phân khúc
Thị trường văn phòng tại TP.HCM sôi động trong quý II/2022 với tỷ lệ lấp đầy tăng ở tất cả phân khúc. Nhu cầu thuê văn phòng hạng A tăng mạnh, dẫn đến một số tòa nhà không còn diện tích trống. Giá thuê trung bình tăng ở cả hạng A và B, hiện đã trở về mức trước đại dịch. Trong khi đó, thị trường văn phòng Hà Nội không ghi nhận nguồn cung mới nhiều quý liền, hầu hết các tòa nhà văn phòng giữ nguyên công suất cho thuê trên 75%. Dự kiến trong 1 - 2 năm tới thủ đô sẽ có thêm nhiều tòa nhà văn phòng mới ở cả hạng A và B. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm diện tích văn phòng nhờ hai dự án lớn ở quận Hải Châu.
Bà Nhung Vũ, Phó Giám đốc - Dịch vụ văn phòng, Colliers Việt Nam nhận định: “Thị trường bất động sản văn phòng Việt Nam trở nên sôi động hơn trong quý II/2022. Đặc biệt tại TP.HCM, nhu cầu thuê văn phòng hạng A luôn cao hơn nguồn cung, do đó có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào phân khúc này”. “Trái ngược với tâm lý chung cho rằng nhu cầu không gian làm việc linh hoạt sẽ tăng lên sau đại dịch, tại Việt Nam, nhu cầu về loại hình văn phòng truyền thống lại chiếm ưu thế”, bà Nhung Vũ cho biết thêm.
Phân khúc bất động sản công nghiệp hoạt động nhộn nhịp
Bất động sản khu công nghiệp hoạt động sôi nổi trong quý II/2022, với tỷ lệ lấp đầy 90% ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. So với cùng kỳ năm trước, giá thuê trung bình tăng mạnh nhất ở thị trường TP.HCM (26%), theo sau là Đà Nẵng (13%) và Hà Nội (10%).
Về nguồn cung và cầu, các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, tạo sức nóng cho thị trường này. Thị trường TP.HCM không ghi nhận nguồn cung mới trong quý II và Bình Dương, Long An và Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung nhờ quỹ đất dồi dào cùng các chính sách thu hút vốn đầu tư thuận lợi. Trong khi đó, Đà Nẵng cho thấy tiềm năng lớn với ba dự án mới triển khai trong quý II/2022.
Ông Chí Vũ, Trưởng phòng Kinh doanh - Dịch vụ Khu công nghiệp, Colliers Việt Nam nhận định: “Tương đồng với xu hướng toàn cầu sau dịch, sự bùng nổ của thương mại điện tử và ngành logistics (kho bãi và hậu cần) thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ra, chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số đến năm 2025 của Việt Nam đang mở đường cho sự phát triển của bất động sản khu công nghệ thông tin tập trung trong thời gian tới”.
Bất động sản hàng hiệu gia tăng
Trong quý II/2022, nguồn cung mới trong thị trường căn hộ chung cư ở 3 thị trường lớn trong nước tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. TP.HCM ghi nhận sự trở lại của nhiều dự án nổi bật với tỷ lệ hấp thụ tốt, vốn đã ra mắt từ các quý trước và tập trung ở TP. Thủ Đức; qua đó đẩy số lượng giao dịch tăng nhẹ và giá sơ cấp lên 5% so với quý trước. Tại Hà Nội, xu hướng cầu vượt cung diễn ra ở mọi phân khúc, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự xuất hiện của các dự án hạng sang trong thời gian gần đây đẩy giá sơ cấp tại Thủ đô lên 10% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo tiếp tục tăng với sự phát triển hạ tầng và sự gia nhập của một số chủ đầu tư lớn từ phía Nam. Thị trường Đà Nẵng ổn định với tiềm năng khai thác cho thuê phục vụ ngành du lịch. Giá bán và tỷ lệ hấp thụ ổn định trong quý II/2022.
Trong phân khúc biệt thự – nhà phố, giao dịch tại thị trường TP.HCM và Hà Nội có phần chậm lại vì tác động từ những thông tin về việc kiểm soát nguồn vốn và thắt chặt quy trình cấp phép. Tại phía Nam, các dự án mới tiếp tục có xu hướng tập trung ở các khu vực ven đô như TP. Thủ Đức và Nhà Bè. Trong khi đó ở miền Bắc, khu vực phía Tây Hà Nội có nhiều triển vọng với nhiều sản phẩm biệt thự - nhà phố nằm trong các khu đô thị lớn.
Nhận định về thị trường phân khúc hạng sang, ông Tín Nguyễn, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường Colliers Việt Nam cho biết: “Phân khúc hạng sang đã nâng cấp hơn nữa lên tầm hàng hiệu và thâm nhập vào thị trường bất động sản liền thổ, với những sản phẩm sang trọng, đẳng cấp, hợp tác với các thương hiệu thời trang/khách sạn hàng đầu để đáp ứng nhu cầu sống thượng lưu của nhóm khách hàng thu nhập cao. Tuy nhiên, Chính phủ đang thắt chặt cho vay bất động sản cùng với chi phí vật tư, xây dựng, đền bù tăng cao có thể khiến giao dịch chững lại và giá tiếp tục tăng trong thời gian tới”.
Về phân khúc căn hộ dịch vụ, thị trường TP.HCM có tỷ lệ lấp đầy tốt ở cả phân khúc hạng A và B, lần lượt là 76% và 70%. Điều này cũng tương tự ở Hà Nội mặc dù chưa ghi nhận nguồn cung mới, chứng tỏ thị trường căn hộ dịch vụ cả nước đang được cải thiện nhờ các chính sách nhập cảnh và đi lại dễ dàng, kéo theo một lượng lớn nhu cầu lưu trú ngắn hạn từ khách du lịch và chuyên gia nước ngoài.
Phân khúc bất động sản bán lẻ tiếp tục cải thiện
Phân khúc bất động sản bán lẻ cải thiện đáng kể từ quý II/2022 và ghi nhận nhiều biến chuyển tích cực. Sau dịch, hoạt động xây dựng được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ mang lại nguồn cung dồi dào cho thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Giá thuê mặt bằng bán lẻ khắp cả nước được dự báo tăng. Tại TP.HCM, giá thuê trung bình hiện đang đạt mức 105 đô la Mỹ/m2/tháng tại khu vực trung tâm và dự kiến tăng từ 3 - 5% tính đến năm 2023. Thị trường bán lẻ TP.HCM cũng được đánh giá nhộn nhịp nhất cả nước với dự án chuỗi siêu thị mới Nova Martket.
Tại Hà Nội, mô hình bán lẻ mới “Life-Design Mall” đã xuất hiện trong Vincom Mega Mall Smart City, bổ sung 68.000m2 diện tích cho thuê vào thị trường. Giá thuê mặt bằng cũng được dự đoán tăng từ 1 - 1,5%. Tại Đà Nẵng, không có nguồn cung mới nào được ghi nhận, tuy nhiên giá thuê có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước nhờ mở cửa du lịch.
Theo bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Kinh doanh - Dịch vụ Bán lẻ Colliers Việt Nam: “Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam sôi động hơn trước từ việc mở rộng của các thương hiệu nội địa nổi tiếng và sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế mới. Đáng chú ý, thị trường đang nổi lên xu hướng phát triển khu tổ hợp, bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ để đáp ứng sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt sau dịch, chú trọng cả sự tiện lợi và an toàn cùng một lúc. Chúng tôi kỳ vọng thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng nhẹ so với mức trước dịch vào cuối năm nay”./.