Aa

Bất động sản "vươn lên" đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI

Chủ Nhật, 30/12/2018 - 14:01

Năm 2018, lĩnh vực bất động sản vẫn tăng trưởng ổn định khi tiếp tục vươn lên đứng thứ 2 trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài...

cv

Bất động sản "vươn lên" đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI

Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến ngày 20/12/2018, cả nước có 3.046 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,59 tỷ USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, trong năm 2018 cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Như vậy năm 2018, bất động sản đã vươn lên đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Năm 2017 lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, sau ngành bán buôn, bán lẻ.

Qua đó cho thấy lĩnh vực bất động sản đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư ngoại. Theo đánh giá từ các chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục bổ sung nguồn vốn quan trọng cho lĩnh vực bất động sản trong xu thế ngân hàng đang dần hạn chế cấp tín dụng cho hoạt động này. Từ đó giúp nguồn cung vẫn phong phú, đa dạng và theo chuẩn quốc tế.

Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo đối tác đầu tư, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Dẫn đầu về vốn đầu vào Việt Nam là Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỷ USD.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố. Trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 7,5 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 5,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 3,1 tỷ USD chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư. Giải ngân vốn FDI trong năm nay ước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong số các dự án lớn được cấp giấy nhận đăng ký đầu năm trong năm 2018, có hai dự án ở lĩnh vực bất động sản đó là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 14/7/2018 tại Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư.

Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 07/03/2007 do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.
Trong 10 năm qua, bất chấp những giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam nói chung, và thị trường bất động sản nói riêng, dòng vốn FDI vẫn luôn trong xu hướng ổn định và tăng trưởng.

Đáng chú ý, lượng FDI vào Việt Nam trong ba năm gần đây (2016-2018) không ngừng tăng so với giai đoạn giảm liên tiếp 2010 - 2013 và phần lớn vốn được triển khai vào các dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top