Aa

Bất động sản xanh: Không nên để lỡ nhịp chuyến tàu

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 22/07/2018 - 02:00

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc GreenViet nhận định: "Việt Nam cần nhanh chóng phát triển các dự án bất động sản xanh, nếu không sẽ lỡ nhịp chuyến tàu “xanh”. Nếu tiếp tục phát triển các dự án như hiện nay thì 10 - 20 năm nữa sẽ không còn chỗ để làm công trình xanh".

Mới đây tại, hội nghị phát triển bất động sản bền vững 2018 chủ đề “chiến lược xanh” được tổ chức tại TP.HCM, một số chuyên gia cho hay, một trong những tiêu chí ưu tiên của khách hàng khi chọn mua bất động sản là cảnh quan môi trường sống gắn liền với công trình như cây xanh, an toàn an ninh, tiện ích, quản lý. Đặc biệt, trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, yếu tố xanh luôn được đặt lên hàng đầu như xanh về thiên nhiên môi trường tự nhiên, xanh về sự quản lý của con người. Tuy nhiên, tại Việt Nam số lượng công trình xanh hiện chỉ có khoảng 150 công trình đã được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thiết kế, thi công. Con số này là quá ít.

Theo ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc GreenViet 3 lý do khiến công trình xanh chậm phát triển so với các nước ngoài khu vực là bởi chi phí cao; chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ. 

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo "Chiến lược xanh"

Theo đó ông Quang cho rằng: "Để nâng cao số lượng công trình xanh thì chủ đầu tư cần mạnh dạn áp dụng các tiêu chuẩn xanh vào công trình dự án, song song đó cần sự hỗ trợ ưu đãi từ phía chính phủ. Việt Nam cần nhanh chóng phát triển các dự án bất động sản xanh, nếu không sẽ lỡ nhịp chuyến tàu “xanh”. Nếu cứ tiếp tục phát triển các dự án như hiên nay thì 10 - 20 năm nữa sẽ không còn chỗ để làm công trình xanh. Bởi lẽ làm công trình xanh ngay từ đầu thì dễ, nếu từ đầu chưa làm công trình xanh, sau đó sửa lại rất khó.

Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hoạt động xây dựng và phát triển dự án đầu tư bất động sản là một trong những tác nhân chính gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Cụ thể, các công trình chiếm 1/3 tổng năng lượng sử dụng, thải ra gần ¼ tổng lượng khí thải CO2 và tiêu thụ tới 12% lượng nước sạch. Khi xây dựng công trình, việc san, lấp, đào, đắp, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên để sản xuất vật liệu xây dựng cũng như lượng chất thải rắn ra môi trường. Hệ quả là ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường thực vật tự nhiên, ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn…

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: "Thách thức lớn nhất đối với môi trường tự nhiên, đô thị hiện nay là sự xâm hại của việc phát triển các dự án bất động sản và điều này đang diễn biến rất nghiêm trọng. Minh chứng rõ ràng nhất là quá trình phát triển du lịch ở các thành phố như Đà Lạt, Sapa… Tại những địa phương này, các khu rừng bị tàn phá, những công trình kiến trúc có giá trị không được bảo tồn đúng mực. Từ là thành phố có chức năng nghỉ dưỡng, tĩnh lặng và lãng mạn thì nay trở thành thành phố buôn bán xô bồ, bị bê tông hóa trên diện rộng".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top