Aa

“Bẫy” thổi giá, sốt đất ảo luôn rình rập các nhà đầu tư

Thứ Sáu, 29/04/2022 - 06:15

Các cơn đất sốt ảo, chiêu trò thổi giá vẫn luôn tiềm tàng và bùng phát ở khắp mọi nơi, mặc dù đã có những biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng nhiễu loạn thị trường này.

Sốt đất ảo, chiêu trò thổi giá luôn thường trực trên thị trường

Thổi giá, sốt đất ảo là những tình trạng phổ biến hiện nay ở nhiều các tỉnh thành trên cả nước. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo, chấn chỉnh, kiếm soát nhưng người dân vẫn tiếp tục “sa bẫy”. Không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia, những đợt sóng lên giá của nhà đất đang tiếp tục nóng lên từng ngày kể từ đầu năm 2022.

Theo phản ánh gần đây, một số hiện tượng thổi giá, sốt đất ảo đang nhen nhóm trở lại với hình ảnh tấp nập, chen chúc nhau tại các khu đất đấu giá, những nơi xuất hiện các quy hoạch dự án, hay những khu vực vùng ven… đẩy giá đất tại các khu vực đó lên gấp 3 - 4 lần so với năm trước. Đồng thời, cũng xảy ra tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao dịch đất nền trái phép, vi phạm trật tự xây dựng…

Một trong những phương thức được giới đầu cơ ưa sử dụng chính là gom đất san nền, phân lô, tách thửa, làm giá chào bán tràn lan, tạo tâm lý đám đông gây nhiễu loạn thị trường bất động sản… Thực tế là tại các địa bàn có chuyển biến về quy hoạch, dự án giao thông, các công trình xây dựng… thì tỷ lệ gia tăng của các sản phẩm bất động sản thường không vượt ngưỡng 30 - 50%.

Tại Hà Nội, các khu vực Ba Vì, Hòa Lạc, Mê Linh, Hoài Đức… giá đất vẫn tăng nhanh, nhiều vị trí đất trong các thôn, xóm, làng xã bị đẩy giá lên tới 50%. Hàng loạt môi giới, đầu cơ tại Hà Nội cũng thi nhau đổ xô về các tỉnh phát triển tốt về kinh tế, du lịch như Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình… tìm cơ hội, gián tiếp gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

sốt đất
Sốt đất vẫn luôn tiềm tàng ở khắp nơi và gây xáo trộn thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa)

Theo anh Vũ Thiện, nhân viên tại một sàn giao dịch bất động sản Hà Nội, để bán được hàng nhanh, môi giới nào cũng cần dùng đến “biện pháp nói quá”, nhiều nhà đầu tư được đưa đến các khu mở bán dựng rạp quây kín. Xung quanh nơi đây sôi động với hàng chục nhân viên tư vấn, cò mồi, khách hàng đông đúc nhưng thực chất là “quân xanh, quân đỏ”, diễn trò tranh nhau chốt đất. Đây thực chất là những chiêu thức đánh lừa các nhà đầu tư.

“Tuy nhiên, không phải không có sốt đất thật. Nếu các nhà đầu tư biết nắm bắt đúng thời điểm đầu tư vào các thị trường bất động sản có tiềm năng phát triển thì chắc chắn sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho các nhà đầu tư. Điều quan trọng là các nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, tự trang bị kiến thức để có thể phân biệt được rõ giữa sốt đất thực và sốt đất ảo”, anh Thiện nói.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, thực chất “sốt đất” thời kỳ này chủ yếu là “sốt đất tâm lý”. Bởi lẽ, nhà đầu tư luôn muốn đón đầu thị trường, muốn tập trung vào những khu vực được dự báo tăng trưởng tốt, có tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết những thông tin về khu vực được dự báo là tiềm năng đều là những thông tin bên lề. Vì vậy, các nhà đầu tư nếu bị lôi kéo vốn vào các khu vực đó sẽ dễ bị cuốn vào những cơn “sốt đất ảo”, “bị kích sóng”, phải mua đất với giá đỉnh rồi không thanh khoản được, bị "chôn vốn" khi cơn “sốt đất hạ nhiệt”.

Nhận diện về những cơn sốt đất, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sốt đất là do khi có đầu tư, phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời người có đất.

Bên cạnh đó, những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ.

Hơn nữa, giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, thậm chí cả "lướt sóng" giai đoạn đầu. Chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa đưa ra giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng tiêu cực này.

"Hệ lụy của những cơn sốt đất nhìn rất rõ, đó là làm cho thị trường lộn xộn. Một nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, "mua tranh bán cướp" rồi hưởng một số lãi không nhỏ. Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc "sinh tử". Cơ quan quản lý của địa phương thì chỉ đưa ra các khuyến nghị bị động, không có giải pháp gì chủ động. Từ đó dẫn tới thị trường thì lộn xộn, xã hội thì ồn ào như "chợ vỡ", rồi kết thúc bằng cảnh "kẻ khóc, người cười" và cả những nhân vật "dở khóc, dở cười", ông Võ nói.

Các biện pháp vẫn chỉ mang tính chất tạm thời

Trước những cơn sốt đất luôn rình rập và kéo dài, các cơ quan chức năng đã có những động thái nhằm "dập tắt" cơn sốt đất. Trong đó, những biện pháp cơ bản như công khai quy hoạch, dừng phân lô tách thửa... đã ít nhiều có tác dụng làm dịu những cơn sốt.

Tuy nhiên, thực tế là các biện pháp này mới chỉ mang tính chất nhất thời chứ chưa giải quyết được tận gốc và các cơn sốt ảo có thể quay lại bất cứ lúc nào.

Do đó, để tránh “sập bẫy”, người mua nên cập nhật thường xuyên tin tức thị trường để nắm bắt tình hình, khảo giá trong khu vực, đối chiếu vị trí, mật độ dân số, tiện ích xung quanh, khoảng cách di chuyển, giá trị khai thác trước khi quyết định xuống tiền.

bất động sản
Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước khi quyết định xuống tiền. (Ảnh minh họa)

Trước bối cảnh diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, các chiêu trò thổi giá, tạo sốt đất ngày càng tinh vi, anh Vũ Thiện cho hay, đối với các nhà đầu tư thiếu hiểu biết thì cách tốt nhất là phải tìm các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, uy tín. Đồng thời, tránh những môi giới có đặc điểm giới thiệu quá bùi tai, khi tư vấn trực tiếp thì liên tục xin tư vấn, đòi chốt hợp đồng, cẩn thận những lời rao vặt trên mạng xã hội, tờ rơi...  

Hiện nay, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những động thái siết chặt hoạt động mua bán bất động sản nhưng vẫn chưa thể làm “sạch” thị trường do các quy định pháp lý chưa thể loại bỏ “cò” thao túng giá, các nhà đầu tư vẫn nên tự trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt, không xuống cọc khi cái đầu đang nóng. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, có hoạt động hợp pháp để được tư vấn và tiến hành các giao dịch mua bán”.

Cũng tại thời điểm này, nhiều chuyên gia cũng lo ngại nếu không kiểm soát thị trường bất động sản tốt, sẽ xảy ra bong bóng, giá ảo, nguy cơ đổ vỡ thị trường, rất nguy hiểm. Nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng này sẽ dẫn tới lạm phát, khủng hoảng tiền tệ hay tài chính cao hơn là khủng hoảng kinh tế.

Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có những biện pháp quyết liệt và triệt để hơn nữa nhằm ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, đặc biệt, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top