Bất chấp Covid-19, giá thuê văn phòng tại TP.HCM trong quý III/2020 vẫn tăng
Tin từ Colliers Việt Nam cho biết, giá chào thuê trung bình văn phòng cả hạng A và B tại TP.HCM đều vẫn giữ xu hướng tăng, lần lượt 4,5% và 11,5% so với quý II.
So với cùng kỳ năm 2019, giá chào thuê hạng A chỉ giảm nhẹ 0,2%, trong khi hạng B lại tăng mạnh 26,1%. Qua đó, chứng minh nhu cầu thuê văn phòng chưa hạ nhiệt bất chấp đợt dịch thứ 2 bùng phát.
Theo Colliers Việt Nam, do hệ quả từ dịch Covid-19 cùng với xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm, các tòa nhà hạng B nhanh chóng trở thành sản phẩm được săn đón đối với đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp lớn.
Tới hiện tại, nguồn cung của phân khúc này đạt gần 1.150.000 m2, tuy không ghi nhận thêm nguồn cung mới trong quý III, nhưng dự kiến trong tương lai gần, nguồn cung có thể tăng lên 1.250.000 m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sinh khí mới 2021: Nhìn từ cuộc biến đổi về chất của thị trường bất động sản
Sau hàng loạt những "thanh lọc" từ tác động của dịch Covid-19, thị trường bất động sản 2021 sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới với những biến đổi về chất. Cuộc chơi thực sự dành cho các doanh nghiệp có nội lực, tư duy của "sếu đầu đàn" và cho các thị trường mới nổi nhưng có tầm nhìn quy hoạch mang tính minh bạch, bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nay đang có xu hướng các nhà đầu tư rời bỏ hai thị trường Hà Nội và TP.HCM. Ở hai thị trường chủ lực này, quỹ đất không còn nhiều, sản phẩm khá điển hình như đất nền, biệt thự là mặt hàng không còn nhiều nguồn cung. Trong khi đó, sản phẩm chung cư vẫn còn cung tốt nhưng mức giá đã đến ngưỡng đỉnh, đạt trần và không thể sinh lời, chỉ đáp ứng nhu cầu ở thực.
Ông Đính nhận định: “Năm 2021 sẽ tiếp tục là năm mà các thị trường mới ghi dấu ấn. Trong đó, các địa phương có hạ tầng tốt, suất đầu tư thấp và triển vọng tăng giá cao sẽ có lợi thế”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Ngân hàng trầy trật bán bất động sản thế chấp
Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản thế chấp là bất động sản được đánh giá là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành địa ốc. Tuy nhiên, có những tài sản rao bán nhiều lần, nhưng chưa có người mua bởi mức giá mà ngân hàng đưa ra quá lớn so với khả năng thu xếp nguồn vốn ngắn hạn của doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp địa ốc không mặn với những dự án được ngân hàng rao bán.
Cụ thể, khi quyết định mua một dự án, doanh nghiệp phải tính toán hiệu quả về tài chính. Khi ngân hàng đưa ra giá bán cao thì chắc chắn hiệu quả tài chính sẽ không tốt, nên doanh nghiệp không mua. Trong trường hợp ngân hàng đưa ra mức giá hợp lý, nhưng thị trường tại khu vực của dự án đó lại không đảm bảo, thì doanh nghiệp cũng không mua.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là vấn đề liên quan đến pháp lý. Khi pháp lý của dự án chưa đạt được mức như kỳ vọng, sau khi đấu giá xong mà phải bỏ khoảng 3 năm để đi làm pháp lý thì chắc chắn sẽ lỗ. Chưa kể, khả năng tài chính của các doanh nghiệp cũng đang khó khăn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
"Bức tử" hồ thủy lợi ở Vĩnh Phúc và nguy cơ lợi ích nhóm
Nói đến hồ Đại Lải, có lẽ trong ký ức của nhiều người dân tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thể quên, đây là công trình thủy lợi đầu tiên, lớn nhất của tỉnh trong suốt 60 năm qua. Vào những năm 1959, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định triển khai xây dựng công trình thủy nông hồ Đại Lải. Hồ Đại Lải khởi công ngày 26/10/1959 và hoàn thành ngày 25/7/1963. Công trình này nhằm giải quyết vấn đề thoát lũ, chống úng, giữ nước, chống hạn cho 5.059ha đất nông nghiệp thuộc 2 huyện Kim Anh, Bình Xuyên (nay là một số địa phương của Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội).
Theo đó, diện tích hồ Đại Lải được xác định phần mặt nước rộng 525ha, chứa 26,4 triệu m³ nước, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nông lâm nghiệp và phục vụ tưới tiêu cho khoảng 2.900 - 3.500ha đất canh tác.
Nhiều năm qua, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây với các dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf... Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ.
Trên thực tế, việc lấn chiếm hồ Đại Lải đã được báo chí phản ánh từ năm 2019. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, hoạt động lấn chiếm, “bức tử” hồ diễn ra rầm rộ với quy mô lớn, buộc các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải vào cuộc kiểm tra và ban hành kết luận.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thêm dự báo tích cực về thị trường bất động sản vùng ven
Tại Báo cáo ngành Bất động sản phát đi mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tiếp tục duy trì luận điểm đầu tư dài hạn cho rằng: Ngành bất động sản nằm trong nhóm các ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội từ xu hướng tăng trưởng cơ cấu mạnh mẽ diễn ra tại Việt Nam cùng với sự nổi lên mạnh mẽ của tầng lớp thu nhập trên trung bình và dân số thành thị gia tăng.
Nhóm nghiên cứu VCSC kỳ vọng bất động sản tại các khu vực cấp 2, bao gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hải Phòng, và Quảng Ninh, có thể ghi nhận lượng giao dịch gia tăng. Cơ sở của kỳ vọng này là dự đoán về việc đa số các chủ đầu tư thuộc danh mục theo dõi của VCSC sẽ có thể duy trì đà tăng trưởng tổng giá trị hợp đồng bán hàng nhờ vào việc chuyển hướng tập trung sang các đô thị vùng ven TP.HCM và Hà Nội.
Điều này đã được thể hiện qua sự tăng trưởng nhanh chóng trong doanh số bán hàng từ năm 2019 đến nay của các đơn vị như Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh cho các dự án nằm ngoài TP.HCM.
Xem thông tin chi tiết tại đây