Aa

Bất động sản 24h: Hà Nội mạnh tay xử lý các dự án "rùa bò"

Thứ Sáu, 11/09/2020 - 10:45

Hà Nội: Mạnh tay xử lý các dự án "rùa bò"; Giải pháp nào cho câu chuyện quản lý căn hộ cho thuê?; Thị trường khó khăn, nhà đầu tư cá nhân vẫn có cơ hội... là tin tức đáng quan tâm 24h qua.

Giải pháp nào cho câu chuyện quản lý căn hộ cho thuê?

Vừa qua, công an tại một số địa phương đã liên tục phát hiện các đối tượng tổ chức hoạt động sử dụng chất ma túy tại các căn hộ và biệt thự cho thuê. Trong các trường hợp này, chủ nhà chỉ có thông tin sơ lược về khách thuê và không kiểm soát chi tiết quá trình cho thuê.

Việc kiểm soát các đối tượng sử dụng ma túy hoặc khách thuê có động cơ phạm pháp là điều khó khăn bởi đa phần các đối tượng này thường xuyên di chuyển địa bàn và không được khai báo tạm trú tạm vắng. Bên cạnh đó, vẫn có các trường hợp chủ căn hộ làm hợp đồng với các công ty và cá nhân khai thác dịch vụ môi giới cho thuê nhà ở, bàn giao thẻ ra vào và chìa khóa căn hộ cho khách thuê. Do đó, việc quản lý khách thuê luôn là một trong các vấn đề trọng tâm và khó khăn đối với các Ban quản lý tòa nhà.

Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội 

Từ góc nhìn quản lý và vận hành bất động sản nhà ở, bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội chia sẻ: “Cho thuê nhà ngày càng trở nên phổ biến tại các khu đô thị lớn nhờ mang lại nguồn thu nhập thụ động và thường xuyên từ tài sản sẵn có. Chủ nhà gặp khó khăn trong việc quản lý khách thuê căn hộ và không kiểm soát được các hoạt động phạm pháp của khách thuê là do chưa có phương pháp quản lý vận hành phù hợp. Việc quản lý tốt nhà cho thuê sẽ giúp chủ nhà tiết kiệm đáng kể quỹ thời gian, đồng thời tiết giảm chi phí bảo trì”.

Xem chi tiết tại đây

Thị trường khó khăn, nhà đầu tư cá nhân vẫn có cơ hội

Chia sẻ tại tọa đàm “Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?” diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua do tác động của dịch bệnh nên phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn. Một số nhà đầu tư tham gia vào thị trường phải thực hiện những giao dịch kéo dài 2 - 3 năm vì giao dịch chưa hoàn tất, dù dòng tiền đã sẵn sàng bởi những gặp khó khăn về quy trình phê duyệt hiện tại.

Toàn cảnh tọa đàm “Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?”

Trả lời cho câu hỏi có nên đầu tư bất động sản thời điểm này hay không? Bà Khanh cho rằng: “Đứng về tâm lý nhà đầu tư nước ngoài thì bất động sản khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các dự án có pháp lý sạch. Các chủ đầu tư đang sở hữu quỹ đất sạch hầu như không có dấu hiệu giảm giá về giá trị đất. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất tự tin rót vốn vào thị trường Việt Nam. Còn ở góc độ người mua nhà trong nước, dù có tâm lý thận trọng nhưng bởi nhu cầu cấp thiết về nhà ở nên họ vẫn đang tìm kiếm các sản phẩm có giá hợp lý để mua”.

Xem chi tiết tại đây

Sụt lún Khu tái định cư Hòa Liên 3, 4 (TP. Đà Nẵng): Trách nhiệm thuộc về ai?

Kỳ 1: "Chia phần" tại Khu tái định cư Hòa Liên 3?

Đầu năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng quyết định đầu tư xây dựng Khu tái định cư Hòa Liên 3 và Hòa Liên 4 (giai đoạn 1 và 2), nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang, với mục đích phục vụ chỉnh trang đô thị. Cả hai dự án này đều được UBND TP. Đà Nẵng thông qua chủ trương “vừa thiết kế vừa thi công” nhằm nhanh chóng tạo ra quỹ đất, xây dựng hạ tầng khẩn cấp di dời, bố trí tái định cư cho hàng trăm hộ dân Khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú.

Theo đó, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng (viết tắt Công ty VLXD-XLKDN Đà Nẵng) quản lý, điều hành dự án.

Dự án đầu tư Khu tái định cư Hòa Liên 3 có tổng giá giá trị xây dựng là hơn 105,6 tỷ đồng và Khu tái định cư Hòa Liên 4 (giai đoạn 1,2) gần 212 tỷ đồng. Tuy nhiên, một thời gian sau khi đưa vào sử dụng thì xảy ra hiện tượng sụt lún do nền đất yếu (vùng này là đầm lầy, ao hồ, ruộng lúa)

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP. Đà Nẵng điều tra, phát hiện công trình được thiết kế, nhưng gần như không tổ chức khoan thăm dò, khảo sát địa chất, nên gây ra hậu quả nghiêm trọng, ước tính thiệt hại do hành vi này là trên 9,2 tỷ đồng. Đồng thời, cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP. Đà Nẵng ký ngày 19/8/2020 cũng đã xác định: Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty VLXD-XLKDN Đà Nẵng; ông Nguyễn Văn Bường - Phó Tổng Giám đốc Công ty VLXD-XLKDN Đà Nẵng và ông Hoàng Cung Thượng Hiền - Trưởng phòng dự án tái định cư thuộc Công ty VLXD-XLKDN Đà Nẵng (sau làm Phó giám đốc Công ty CP VLXD-XL và KDN Đà Nẵng) về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Dư luận tại TP. Đà Nẵng hết sức băn khoăn là tại sao những bộ hồ sơ về đầu tư xây dựng khu tái định cư thiếu hồ sơ quan trọng nhất - khoan thăm dò địa chất, lại dễ dàng lọt qua “khe cửa hẹp” trước hàng loạt cán bộ, cơ quan làm công tác thiết kế, thẩm định, ký duyệt mời thầu, đấu thầu và nghiệm thu công trình?!

Xem chi tiết tại đây

TP. HCM muốn chuyển một số khu công nghiệp, chế xuất thành khu ứng dụng công nghệ cao

UBND TP HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TP HCM giai đoạn 2020 - 2045, đưa giải pháp điều chuyển một số khu công nghiệp, khu chế xuất thành khu công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao (tự động hóa, sử dụng kỹ thuật robot, các phần mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng…).

Đề án bao gồm xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn (5 năm, 10 năm, 20 năm, cho đến năm 2045); ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng công nghiệp; định hướng khu vực phát triển hạ tầng công nghiệp trong tương lai.

Đề án cũng cần xác định gắn khu công nghiệp với cảng biển, cảng sông; xây dựng các đường vành đai; dành quỹ đất để ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa; đưa ra giải pháp nâng cấp các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu; có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các khu công nghiệp; đề xuất các giải pháp về quản lý vận hành khu chế xuất, khu công nghiệp.

Xem chi tiết tại đây

Hà Nội: Mạnh tay xử lý các dự án "rùa bò"

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý về phản ánh có tới 300 dự án "treo", bỏ hoang ở nhiều quận, huyện của TP Hà Nội khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất.

Ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.

Thực hiện chỉ đạo này, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay đối với các dự án "ôm" đất nhưng không triển khai. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Dự án này được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam từ tháng 6-2008. Lý do chấm dứt hoạt động của dự án là do chủ đầu tư "treo" dự án quá thời gian quy định.

Cũng "ôm" đất rồi để đó, dự án đầu tư tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm (quận Bắc Từ Liêm) do Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư cũng bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội ra quyết định chấm dứt hoạt động.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top