Aa

Bất động sản 24h: Bộ Xây dựng đề xuất nhiều quy định mới tác động mạnh đến môi giới BĐS

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Tư, 14/09/2022 - 10:33

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều quy định mới tác động mạnh đến môi giới bất động sản; Đất nền ven TP.HCM cũng ế ẩm... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều quy định mới tác động mạnh đến môi giới bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, cá nhân môi giới đều không tự giác kê khai nộp thuế theo quy định, nhưng pháp luật hiện nay lại thiếu công cụ để kiểm soát việc này, dẫn đến tình trạng thất thu cho Ngân sách Nhà nước.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó đề xuất bổ sung nhiều quy định mới đáng chú ý liên quan đến sàn giao dịch cũng như môi giới bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng, tác động đến rất nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đạt được nhiều kết quả trong thực tiễn. 

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 dù hiện đại, tiến bộ tại thời điểm ban hành nhưng một số điều luật đến nay đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Quá trình triển khai thực hiện đến nay đã nảy sinh những tồn tại, bất cập. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới về thu hút vốn FDI

Các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực bất động sản. Do đó, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không ngừng gia tăng.

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022. Đáng chú ý là số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) rót vào ngành kinh doanh bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số đăng ký này đã tăng cao hơn gấp đôi so với số vốn 1,6 tỷ USD mà ngành bất động sản thu hút được của 8 tháng năm 2021.

Còn theo đơn vị nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới về vốn từ nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, bất động sản vẫn là phân khúc đứng thứ hai, chiếm gần 30% tổng vốn với các nhà đầu tư hàng đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong một cuộc khảo sát mới đây, đơn vị này cho biết có hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường mới nổi. Cụ thể, Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, theo sau là 75% cho Ấn Độ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất thường trong việc thâu tóm thần tốc Công viên Kim Đồng?

Hiếm có dự án án nào triển khai tại tỉnh Thừa Thiên - Huế mà việc điều chỉnh (cục bộ) quy hoạch đô thị, cấp chủ trương đầu tư một cách thần tốc như Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng.

Tiến trình đầu tư, xây dựng Dự án Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng TP. Huế có nhiều điều bất thường, trong đó dự án được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ 1 ngày sau khi được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thời điểm đó ký quyết định điều chỉnh quy hoạch từ “đất cây xanh thành đất công viên cây xanh kết hợp dịch vụ”.

Như Reatimes đã thông tin, Công viên Kim Đồng vốn có tổng diện tích gần 8.000m2, là đất cây xanh, tọa lạc tại vị trí “trung tâm của trung tâm”, bên cạnh Bệnh viện Trung ương Huế thuộc 3 mặt tiền đường Hà Nội (trục đường trung tâm TP. Huế), đường Hai Bà Trưng (cổng cấp cứu, bệnh nhân vào ra Bệnh viện Trung ương Huế) và đường Trần Cao Vân, thuộc phường Vĩnh Ninh, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo hồ sơ địa chính, Công viên Kim Đồng có ký hiệu là thửa đất số 81, tờ bản đồ số 9, phường Vĩnh Ninh. Trong hàng chục năm tồn tại, Công viên Kim Đồng từng có một số dịch vụ, trò chơi khiêm tốn phục vụ thiếu nhi, học sinh ẩn mình dưới những tán cây xanh bao phủ lên toàn công viên. Đây cũng chính là lý do mà Công viên Kim Đồng là một miền ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ con em TP. Huế, nhất là thiếu nhi con nhà nghèo.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vì sao khó chặn phân lô, bán nền trái phép?

Thời gian qua, cơ quan quản lý liên tục đưa ra các văn bản, chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền trái phép, nhưng câu chuyện thực thi ở các địa phương mới là bài toán khó…

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn số 4898/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định pháp luật.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đất nền ven TP.HCM cũng ế ẩm

Sau thời gian giới đầu tư đất nền đổ về các tỉnh ven TP.HCM, đến nay sức cầu chung khu vực này cũng sụt giảm mạnh, đặc biệt là tác động từ kiểm soát tín dụng vào bất động sản.

Những năm qua, khi TP.HCM thiếu vắng nguồn cung đất nền mới, thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy giao dịch trở nên sôi động hơn ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, đến tháng 8 này, báo cáo của DKRA cho biết tỷ lệ tiêu thụ ở 3 tỉnh này chỉ đạt 34% trên tổng số 193 nền đất mới.

Trong đó, khắp Đồng Nai chỉ có 9 nền được mở bán nhưng không nhà đầu tư nào xuống tiền, còn Bình Dương có 90 nền mới nhưng chỉ bán được 2 nền. Riêng thị trường Long An khả quan nhất cũng chỉ bán được khoảng 2/3 nguồn cung mới.

Theo DKRA, sức cầu chung toàn thị trường đã có dấu hiệu đi xuống từ vài tháng trở lại đây do các chính sách tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Tỷ lệ tiêu thụ các tháng 6, 7 lần lượt chỉ đạt 54% và 48%, dù nguồn cung mới luôn ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và mặt bằng giá cũng không có nhiều biến động. Giá sơ cấp trung bình ở các địa phương hiện dao động quanh vùng 16 - 24,4 triệu đồng/m2.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top