Có nên xuống tiền đầu tư bất động sản ăn theo đường Vành đai 4 lúc này?
Trong 2 năm vừa qua, giá đất ở các khu vực liên quan đến quy hoạch đường Vành đai 4 đã "đẩy" lên khoảng 30 - 50%. Thời điểm này có nên "xuống" tiền đầu tư tiếp tục đầu tư?
Anh Lê Khánh Toàn (Hà Nội) đang có ý định đầu tư vào đất ở một số khu vực thuộc huyện ngoại thành Hà Nội liên quan đến quy hoạch đường Vành đai 4.
Anh Toàn cho biết “hơn 1 năm trước, bạn tôi đã rủ đầu tư chung mảnh đất ở Thường Tín nhưng vì lo ngại quy hoạch chưa rõ ràng nên tôi chưa xuống tiền. Không ngờ, giá đất khu vực đó hiện nay đã tăng 40 - 50% so với thời điểm năm trước, tôi thực sự tiếc”.
Đến nay, khi tìm hiểu thông tin, anh Toàn thấy rằng, nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua và ngày 16/6. Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của công trình hạ tầng này là 85.813 tỷ đồng, với quy mô khoảng 112,8 km và được chia thành 7 dự án thành phần.
Cụ thể, tuyến Vành đai 4 sẽ đi qua địa phận 3 tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Xem thông tin chi tiết tại đây
VNREA đề xuất giải pháp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Tại Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững tổ chức chiều ngày 14/7, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã đại diện Hiệp hội báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về thực trạng và kiến nghị một số giải pháp.
Đánh giá về nguồn cung bất động sản qua các năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng, ở tất cả các phân khúc đều hạn chế.
Cụ thể, nguồn cung nhà ở thương mại năm 2021 là 24.027 căn, giảm 60% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022 xấp xỉ 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm trước. Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai là 56 dự án với 10.357 căn, chỉ bằng 33,4% so với quý IV/2021.
Về bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng, năm 2021 có 52 dự án với 13.600 căn hộ du lịch và văn phòng lưu trú, 2.280 biệt thự du lịch được chấp thuận, chỉ khoảng 33,4% số dự án năm 2020. Số dự án được chấp thuận mới 6 tháng đầu năm nay rất ít, chỉ có 5 dự án với 220 văn phòng kết hợp lưu trú và biệt thự.
Đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng qua rất thấp so với nhu cầu ở của đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, công nhân các khu công nghiệp. Năm 2021 có 17 dự án với 27.800 căn, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1,4 triệu m2. 6 tháng đầu năm nay hoàn thành 13 dự án với 6.000 căn, tổng diện tích sàn xây dựng 300.000m2. Trong đó, có 12 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị với khoảng 5.480 căn, 274.000m2 sàn; còn chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với 400 căn, khoảng 21.500m2 sàn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Xu hướng mới đầu tư "chắc ăn" bất chấp thị trường bất động sản biến động
Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, những sản phẩm bất động sản an toàn pháp lý, giá mềm và thuộc khu vực có chỉ số phát triển kinh tế cao, đang là xu hướng thu hút dòng tiền của nhà đầu tư.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam, giai đoạn hiện nay, mặc dù thị trường đang có những va vấp, khó khăn nhất định nhưng quan sát thấy sự quan tâm của người mua, nhà đầu tư dành cho thị trường bất động sản không hề suy giảm. Đó là điểm sáng cho thấy nhà đầu tư vẫn liên tục nghiên cứu, theo dõi thị trường để chờ đợi cơ hội lựa chọn cho mình bất động sản có tiềm năng phát triển, dư địa tăng giá tốt trong tương lai.
Trên thị trường, nhận định của nhiều chuyên gia cho thấy, nhà đầu tư đang có xu hướng tìm về khu vực đất đai có giá trị sử dụng cao, quanh các khu công nghiệp. Thông thường, nhà đầu tư sẽ hướng đến các khu vực trở thành thủ phủ công nghiệp mới của một tỉnh, thành. Tức các khu vực có vốn đầu tư FDI đăng ký lớn, quy hoạch tăng mạnh diện tích khu công nghiệp, khu vực có tốc độ tăng dân số nhanh.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản nói rằng, phân khúc đất nền tại các khu vực vùng ven, cạnh các khu công nghiệp - nơi có những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đang triển khai, tiềm năng tăng trưởng tốt được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, vì có thanh khoản cao. Sở dĩ nhiều nhà đầu tư mạnh tay rót tiền vào bất động sản ven khu công nghiệp là bởi tiềm năng từ khai thác cho thuê (nhà xưởng, nhà trọ, nhà phố), kinh doanh buôn bán...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản nghỉ dưỡng miền Trung “chiếm sóng” mùa du lịch
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có 52 dự án đang triển khai, tăng 98% so với quý IV/2021, cung ứng ra thị trường tổng cộng 20.118 căn hộ du lịch và 7.887 biệt thự du lịch. Số lượng dự án được cấp phép mới là 5 dự án, tăng 83% so với quý IV/2021, bao gồm 67 biệt thự du lịch và 220 văn phòng kết hợp lưu trú.
Báo cáo từ DKRA Vietnam cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cả về nguồn cung và sức tiêu thụ trong quý I/2022. Cụ thể, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có 12 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1.020 căn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% (khoảng 579 căn), tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng có 13 dự án mở bán trong quý I/2022, cung cấp ra thị trường 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87% (2.408 căn), tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Phân khúc condotel ghi nhận 613 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới, tương đương 199 căn, gấp 3,3 lần so với quý IV/2021. Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Ninh...
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, có nhiều lý do khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục trong năm 2022. Đó là những lực đẩy không phải mọi phân khúc đều có được.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường "xì hơi", nhà đầu tư bất động sản nín thở chờ cơ hội mới
Thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Không ít nhà đầu tư thận trọng sử dụng dòng tiền vào những cơ hội thực sự an toàn trong tương lai.
Anh Phạm Thế Nam, nhà đầu tư ở Hà Nội, chia sẻ, hiện tại anh có 4 lô đất nền nằm rải rác ở Hà Nội, Hòa Bình. Từ tháng 5 vừa qua, anh đã rao bán cắt lỗ 2 lô ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) để lấy tiền trả khoản vay ngân hàng nhưng vẫn chưa bán được.
"Tôi muốn giữ lại 2 lô đất ở Hòa Bình để chờ thị trường. Nếu cuối năm thị trường sôi động hơn, tôi mới tính bán hoặc đầu tư tiếp", anh Nam nói.