Giá nhà đất tăng phi mã vượt vàng, chứng khoán, đất nền hạ nhiệt vẫn neo đỉnh
Trong khoảng thời gian từ 1/2020 - 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Đây là số liệu được một đơn vị nghiên cứu về bất động sản đưa ra mới đây. Theo đơn vị nghiên cứu, trải qua hai năm dịch bệnh kéo dài, thị trường nhà đất, vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm ghi nhận nhiều diễn biến thăng trầm.
Số liệu thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian từ 1/2020 - 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Trong tháng 6/2022, chỉ số giá đất tăng 86% so với tháng 1/2020. Mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.
Cũng theo nghiên cứu của đơn vị này, đất nền từ Nam ra Bắc tăng giá mặc dù mức độ quan tâm giảm ở nhiều khu vực.
Theo ước tính, trong quý II/2022 đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Coteccons: Đế chế vĩ đại đã không còn vĩ đại
Từng là doanh nghiệp xây dựng vĩ đại nhất Việt Nam, Coteccons đã không còn là chính mình trong giai đoạn 2019 - 2021. Giờ đây, ông Bolat Duisenov đang nỗ lực tái tạo một Coteccons mới, song hành trình này còn rất nhiều gian nan.
Với ngành xây dựng Việt Nam, Coteccons (HoSE: CTD) là một tượng đài, không chỉ vì duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ suốt một thập niên mà còn vì đã xây dựng nên những công trình biểu tượng.
Đi ra từ doanh nghiệp nhà nước, năm 2004, Coteccons ghi dấu ấn trên thị trường bằng dự án The Manor cao 33 tầng trên vùng sình lầy ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) dù trước đó chưa từng có kinh nghiệm xây một dự án cao tầng nào. Đây có thể xem là “viên gạch” đầu tiên gây dựng nên “đế chế” Coteccons trước khi ông Nguyễn Bá Dương tiến ra miền Trung với hàng loạt dự án khách sạn, resort 5 sao và sau đó là “đánh chiếm” cả nước.
Trải qua gần 2 thập kỷ phát triển, phá vỡ những rào cản, xác lập các kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, Coteccons dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Bá Dương đã xây dựng những biểu tượng, điển hình nhất là toà nhà chọc trời The Landmark 81. Công trình “thuần Việt” này là một dấu mốc lịch sử của ngành xây dựng Việt Nam nói chung và Coteccons nói riêng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thanh Hóa: Huyện Quảng Xương có thêm khu đô thị mới gần 1.230 tỷ đồng
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Đông Tân Phong tại thị trấn Tân Phong và xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá – Mai Xuân Liêm vừa ký quyết định số 2228/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Đông Tân Phong tại thị trấn Tân Phong và xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương.
Dự án khu đô thị mới Đông Tân Phong tại thị trấn Tân Phong và xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) được thực hiện trên diện tích 21,04ha, quy mô dân số khoảng 2.700 người, với tổng vốn đầu tư hơn 1.229 tỷ đồng.
Dự án được chấp thuận nhằm mục tiêu hiện thực hóa quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nâng cao môi trường sống khu dân cư và hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư; khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có trên địa bàn, tạo nguồn thu cho ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quảng Xương.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà đầu tư “tháo hàng” sau cơn sốt đất
Sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các tỉnh, thị trường bất động sản đã dần hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu tư phải “cắt lỗ”, đây là cơ hội mua giá tốt cho những nhà đầu tư tiềm lực.
Thị trường bất động sản trong 2 năm qua, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã chứng kiến cơn sốt đất tại nhiều địa phương trên cả nước, kéo theo đó là giá đất không ngừng tăng cao.
Trong cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội, dễ dàng lướt sóng kiếm lời; nhưng cũng có những nhà đầu tư theo tư duy đám đông, không tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền, lại dùng vốn vay mượn để mua bất động sản tại các khu vực đang sốt. Mua vào với giá cao, đến nay chưa kịp bán “chốt lời” thì thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại.
Cuối năm 2019, anh Nguyễn Thành Điền ở TP.HCM về Long An mua 2 lô đất nền của một dự án tại xã Tân Trạch, huyện Cần Đước với giá 1,95 tỷ đồng. Thời điểm anh mua, giá đất là hơn 12 triệu đồng/m2. Do chỉ có số vốn ban đầu ít ỏi là 750 triệu đồng nên anh Điền đã đi kêu gọi vốn từ bạn để mua chung. Nhưng sau đó, người bạn này đã xin rút vốn do thấy thị trường ở Long An không còn sốt như trước, vì vậy anh Điền phải cầm 2 cuốn sổ đi vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng để hoàn tiền lại cho bạn và chấp nhận gồng lãi một mình chờ thanh khoản.
"Dù đã rao bán 2 lô đất suốt 5 tháng qua mong lấy lại đủ vốn về trả nợ ngân hàng nhưng đến nay vẫn chưa bán được”, anh Điền chia sẻ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cách thức nhà đầu tư ngoại “săn” bất động sản Việt
Nhiều nhà đầu tư ngoại khi tiếp cận thị trường bất động sản Việt Nam là sẽ mua 1 dự án đã hoạt động, sau khoảng 6, 7 năm thì chuyển nhượng…
Chia sẻ tại hội thảo "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022", ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam, họ có thể lập một công ty ở tại một quốc gia nào đó. Thông qua công ty này, tiền có thể bơm về công ty tại Việt Nam để thực hiện việc đầu tư.
Họ sử dụng cấu trúc gọi là “thiên đường thuế”, để tránh thuế, hoặc hiệp định thuế giữa các quốc gia để cấu trúc nguồn vốn. Đó là lý do vì sao có những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam bị truy thu thuế.