Vướng mắc xung quanh việc ủy quyền quyết định giá đất
Về nguyên tắc, phải có quyết định thu hồi đất thì mới “kích hoạt” thủ tục xác định giá đất và còn phải thuê đơn vị tư vấn lập chứng thư định giá trước khi trình ra Hội đồng thẩm định giá đất và trình UBND phê duyệt.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 06/5/2023 (Nghị quyết 73) về việc uỷ quyền quyết định giá đất cụ thể. Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để thực hiện uỷ quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, Nghị quyết 73 cũng quy định UBND cấp tỉnh uỷ quyền cho UBND cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, lãnh đạo UBND cấp xã là thành viên hội đồng.
Theo ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết 73 (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc uỷ quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể, giúp cho UBND cấp huyện chủ động hơn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát huy lợi thế từ việc bám sát thực tiễn, đặc điểm của địa bàn quản lý, đồng thời giảm áp lực đối với hệ thống cơ quan hành chính cấp tỉnh.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực pháp lý dự án bất động sản, tôi tán thành với ý kiến của Bộ TNMT bởi quy định hiện hành tại Luật Đất đai năm 2013 dẫn đến nhiều trường hợp việc quyết định giá đất cụ thể bị kéo dài không cần thiết, đẩy việc lên UBND cấp tỉnh cũng như các cơ quan chuyên môn trực thuộc (Sở TNMT, Sở Tài chính). Cụ thể, Điều 114 Luật Đất đai quy định rõ: "UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể... Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Người mua nhà không dám liều, chần chừ chờ lãi suất hạ nhiệt
Hiện tại, giá nhà vẫn được duy trì ở mức cao, lãi suất cho vay chưa hạ nhiệt khiến nhiều người mua chần chừ, không dám liều "xuống tiền".
Trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao, nhiều người có ý định vay tiền mua nhà trở nên chần chừ do lo ngại về áp lực trả nợ nặng nề. Điều này càng khiến thị trường bất động sản trầm lắng hơn.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, từ nhiều tháng trước, chị đã muốn mua một căn hộ chung cư tại khu vực Thanh Xuân để ở. Tuy nhiên, sau khi tham khảo thông tin của một số ngân hàng thì chị thấy lãi suất cho vay vẫn còn cao, vượt khả năng chi trả của gia đình.
"Hiện tại, công việc của tôi không ổn định về thu nhập. Và với mức lãi suất 12-14%, tôi nghĩ nếu mình đi vay sẽ tự tạo gánh nặng quá lớn", chị Hiền chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Văn Cường - một nhân viên kinh doanh tại Hà Nội, cho biết, thời gian qua anh có đi tìm mua căn hộ chung cư tại khu vực quận Hoàng Mai. Mức giá căn hộ mới ở khu vực này thấp nhất cũng rơi vào khoảng 39 - 45 triệu đồng/m2. Tương tương, căn hộ 60m2 cũng rơi vào khoảng gần 2,4 tỷ đồng.
"Tôi muốn mua nhà, nhưng nếu đi vay ở thời điểm này thì không dám vì lãi suất còn rất cao và nhiều biến động. Tôi thu xếp được tài chính, sẽ cân nhắc mua, cần đi vay tầm 500 - 600 triệu đồng, còn vay cả tỷ đồng thì không thể đánh liều", anh Cường nói.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản bán lẻ Việt Nam thu hút các thương hiệu cao cấp
Hiện nay, nhiều nhãn hàng cao cấp đã bắt đầu triển khai chiến lược đa dạng hóa thị trường hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Những thị trường nổi bật có thể kể đến như Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Bất chấp những tác động của đại dịch, thị trường bán lẻ toàn cầu đã chứng kiến mức tăng trưởng 11% về số lượng cửa hàng mới mở trong năm 2022 so với năm trước đó.
Trên khắp khu vực châu Á, tỷ lệ mở cửa hàng mới toàn cầu đã tăng lên 12%, do một số yếu tố tương tự đã giúp thúc đẩy hoạt động ở châu Âu.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường trọng điểm về bán lẻ hàng hiệu trên thế giới khi thị trường này chiếm 17% doanh thu toàn cầu trong năm 2022 và dẫn đầu về số lượng cửa hàng mới mở, với 41% số lượng cửa hàng mới mở trên thế giới trong năm.
Ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng “Trung Quốc vẫn luôn là thị trường lớn về bán lẻ xa xỉ của thế giới. Tuy nhiên, do các biện pháp thắt chặt kiểm soát Covid-19 trong năm 2022 mà nước này đề ra, cùng sự gia tăng cạnh tranh của các thường hiệu mới nổi, nhiều nhãn hàng cao cấp đã bắt đầu triển khai chiến lược đa dạng hóa thị trường hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Các điểm đến lý tưởng là thị trường chưa được đáp ứng tốt trong khi nhu cầu được ghi nhận ở mức cao đi kèm với việc số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng ngày một gia tăng. Những thị trường nổi bật có thể kể đến như Singapore, Thái Lan và gần đây nhất là Việt Nam”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bình Dương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
UBND tỉnh Bình Dương mới ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn.
Cụ thể, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ra chỉ thị số 10/-CT-UBND về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Văn bản do ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký.
Theo văn bản này, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro trong quá trình triển khai các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng.
Nguyên nhân là do thủ tục pháp lý đầu tư đự án nhà ở, bất động sản còn chồng chéo, vướng mắc dẫn đến thời gian thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án đầu tư.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Dương thành lập Tổ chỉ đạo và yêu cầu Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản tại Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền.
Sở Xây dựng được giao phối hợp các ngành, cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và Công văn số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả trách nhiệm của Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản tại Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 13/2/2023.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giải quyết vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… Trước thực trạng không giải ngân được gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội sau hơn 1 tháng triển khai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo phải có những biện pháp giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, và có đề xuất phù hợp, cần sự phối hợp sâu sát hơn nữa giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Tại Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2030”, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai từ 1/4/2023 với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho bình quân của 4 ngân hàng nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ. Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại khối nhà nước, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng triển khai, 120.000 tỷ đồng đã sẵn nhưng dự án chưa thấy, thêm vào đó là điều kiện để được vay vốn còn nhiều những vướng mắc và khó khăn.
Phân tích về nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng: Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.