Aa

Bất động sản 24h: Nhà đầu tư BĐS vẫn sẵn sàng xuống tiền ngay sau Tết chờ đón sóng thị trường

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Hai, 30/01/2023 - 10:42

Nhà đầu tư bất động sản vẫn sẵn sàng xuống tiền ngay sau Tết chờ đón sóng thị trường; Năm 2023: Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Nhà đầu tư bất động sản vẫn sẵn sàng xuống tiền ngay sau Tết chờ đón sóng thị trường

Thị trường bất động sản năm nay vẫn có nhiều điểm sáng triển vọng. Nhưng thị trường chỉ tốt khi các nhà đầu tư tham gia với tâm lý đầu tư dài hạn bởi đầu tư lướt sóng, chộp giật sẽ đi kèm nhiều rủi ro.

Trải qua năm 2022 với những khó khăn đè nén, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và kéo dài tới nay. Tuy nhiên, đây được cho là điểm tựa vững chắc cho thị trường năm 2023 từ cuộc thanh lọc những bất cập, nhà đầu tư yếu kém.

Nhóm đầu tư "ăn xổi" luôn có tâm lý lướt sóng kiếm lời nhanh sau thời gian tung hoành đã bị triệt tiêu trong năm 2022 khi thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, bất động sản rớt giá. Bước sang năm 2023, cơ hội đầu tư ngắn hạn dường như đã không còn.

Song, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt với tầm nhìn dài hạn. Trong khi bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư ưa chuộng, với nhóm này, thị trường càng chững thì có nhiều cơ hội xuất hiện.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản 2023: Cơ hội mở ra cho người có nhu cầu mua ở thực

Năm 2023, các chuyên gia đánh giá nguồn cầu ở thực sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản sớm khơi thông thanh khoản.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã chỉ ra, trong khoảng 2 năm qua, có hàng ngàn dự án được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với tổng giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD. Điều này là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn cung và làm nghiêm trọng hơn tình hình trầm lắng của thị trường.

Thị trường đang thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá tại nhiều khu vực, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệch pha, khi chiếm đa phần trong giỏ hàng là các sản phẩm trung và cao cấp.

Trong khi đó, thị trường hiện nay đang thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với "túi tiền" của số đông người dân. Theo báo cáo của VARS, tính chung cả năm 2022, nguồn cung toàn thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Trong đó, phân khúc đất nền chiếm 44%, căn hộ cao cấp chiếm 37%, căn hộ trung cấp chiếm 15% và căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng thấp nhất với 4%. Tỷ lệ tiêu thụ chung của toàn thị trường đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, bằng 69% so với lượng tiêu thụ của năm 2021 và bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018.

Vậy nên năm 2023, các chuyên gia dự báo nguồn cầu ở thực sẽ tăng mạnh, do đó những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu này cũng dễ dàng thanh khoản hơn. Cuối năm 2022, theo một số đơn vị nghiên cứu thị trường, lượng giao dịch thành công cũng có xu hướng tập trung ở phân khúc nhà có thể ở ngay với mức giá vừa phải.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giải pháp nào để giải ngân số vốn kỷ lục 700.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm 2023?

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng. Việc giải ngân số vốn lớn này trong năm nay sẽ là một thách thức rất lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Quốc hội cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định để có thể hoàn thành những kế hoạch đề ra, Việt Nam cần rất nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm "bệnh" giải ngân chậm ngay từ đầu năm.

Đầu năm 2023, 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đồng loạt khởi công, kỳ vọng mang lại hạ tầng tốt, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định, đầu tư công vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm nay.

Tại Đối thoại đầu xuân 2023 "Nắm bắt cơ hội - Hướng đến tương lai" ngày 22/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhìn nhận từ các nhiệm kỳ 2016 - 2020 và năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận sự đóng góp của lĩnh vực đầu tư công vào GDP của nền kinh tế. Tuy chiếm tỷ lệ khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5 - 6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội. Đầu tư công năm 2023 có quy mô rất lớn, lên đến 700.000 tỷ đồng, nếu được giải ngân tốt sẽ tạo ra không gian phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để giải ngân mức vốn lớn như vậy trong năm 2023 cũng là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi công tác chuẩn bị, sẵn sàng vốn cung ứng cũng như việc triển khai thực hiện cần hết sức nhanh chóng hiệu quả, thì mới có năng lực để hấp thụ hết lượng vốn này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP. Bắc Giang: Phát triển đô thị xanh - bền vững, tạo động lực lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Với chiến lược phát triển đô thị theo hướng xanh - thông minh, chú trọng đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư có chất lượng, TP. Bắc Giang đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Các dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ góp phần thay đổi rõ rệt bộ mặt đô thị, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

TP. Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi ở trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch (đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế) nối Thủ đô Hà Nội với Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thành phố được quy hoạch phát triển là đô thị cửa ngõ, trung tâm phía Đông Bắc của Vùng Thủ đô Hà Nội.

Những năm qua, TP. Bắc Giang đã có những bước phát triển khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 11,7%/năm, thu ngân sách tăng bình quân 38% so với dự toán được giao. Quy hoạch và quản lý đô thị được tăng cường, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc và sạch, đẹp hơn.

Định hướng đến năm 2030, TP. Bắc Giang sẽ trở thành đô thị loại I. Đây cũng là nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhân dịp năm mới Quý Mão, Reatimes đã có cuộc trò chuyện cùng ông Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang để có góc nhìn rõ hơn về bức tranh phát triển TP. Bắc Giang và diễn biến thị trường bất động sản của địa phương này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Năm 2023: Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng

Năm 2022, giá thuê bất động sản công nghiệp đã tăng trung bình 10%, tỷ lệ lấp đầy đạt 80 - 95% tùy khu vực và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 do nhu cầu lớn.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt mức trên 80%. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam là khoảng 85%.

Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang và Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Trong đó, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước khi có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 95%.

Năm 2022, trái ngược với tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản nói chung, giá thuê bất động sản công nghiệp Việt Nam đã tăng khoảng 10% so với kỳ trước. Cụ thể, giá thuê đạt trung bình 100 - 120 USD/m2/chu kỳ thuê và sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam, do nguồn cung khan hiếm. Trong đó, tại các khu công nghiệp ở miền Bắc, giá thuê dao động 90 - 120 USD/m2/chu kỳ thuê.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top