Aa

Bất động sản 24h: Quy hoạch sân bay, dự án và “bẫy” tăng giá đất

Thứ Bảy, 20/03/2021 - 10:30

Quy hoạch sân bay, dự án và “bẫy” tăng giá đất; Toàn cảnh Dự án Cung thiếu nhi mới hơn 1.300 tỷ đồng; Moody’s tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên tích cực... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Quy hoạch sân bay, dự án và “bẫy” tăng giá đất

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều cơn sốt đất từ những tin đồn về xây dựng sân bay, dự án.

Gần đây nhất, cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được cho là do một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500ha, sau khi đoàn khảo sát của tỉnh đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương.

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam đặt câu hỏi: “Chúng ta phải đặt câu hỏi là vì sao nhiều người lại di cư đến Bình Dương chứ không phải Bình Phước? Đó là vì Bình Dương có nhiều ưu điểm hơn và đáp ứng được những nhu cầu của đa phần người dân”.

Tương tự khi so sánh các sân bay khác trong cả nước. Không phải địa phương nào cũng phát triển mạnh mẽ như Đà Nẵng và Nha Trang. Sân bay Phù Cát tại Quy Nhơn (Bình Định) là một minh chứng rất rõ ràng khi mất rất lâu mới phát triển được như hôm nay.

“Chúng ta nên nhìn thấy rằng có sân bay không phải là yếu tố quyết định để Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam, và Nha Trang trở thành thành phố du lịch hàng đầu cả nước, mà là do nhiều yếu tố khác nữa mới tạo ra giá trị cho thành phố như vậy”, vị giám đốc cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Một điểm giao dịch mua bán đất trong những ngày sốt đất ở xã Tân Lợi và An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước)
Một điểm giao dịch mua bán đất trong những ngày sốt đất ở xã Tân Lợi và An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Đình Trọng

Hà Nội: Toàn cảnh Dự án Cung thiếu nhi mới hơn 1.300 tỷ đồng

Sáng 15/3, dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội tại Khu công viên hồ điều hòa CV1, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã chính thức được động thổ.

Cung thiếu nhi mới được xây dựng tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 (khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm), diện tích gần 40.000m2, có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Dự án bao gồm các hạng mục như: Nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn, nhà học và thư viện, tháp thiên văn...

Dự án được thực hiện trên khu đất gần 40.000m2, diện tích xây dựng hơn 10.000m2 với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Được biết, toàn bộ khu đất thuộc dự án xây dựng công viên và hồ điều hoà được khởi công xây dựng từ năm 2016, dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng quý III năm 2018. Tuy nhiên, tính đến nay đã quá hạn hơn 2 năm mà công trình vẫn còn dang dở.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Toàn cảnh khu vực xây dựng Dự án Cung thiếu nhi hà nội mới
Toàn cảnh khu vực xây dựng Dự án Cung thiếu nhi mới hơn 1.300 tỷ đồng

USD liên tục tăng giá, không cần lo dòng vốn nước ngoài chạy khỏi Việt Nam

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD (ngày 11/3), tỷ giá USD tại Việt Nam lập tức chịu tác động.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự biến động đó chỉ là tạm thời; xét về tổng thể, gói hỗ trợ này được tung ra sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam.

"Việc Mỹ tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD sẽ làm ảnh hưởng ngay đến Chỉ số USD Index, thị trường chứng khoán và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ.

Về lý thuyết, gói hỗ trợ này sẽ làm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng; chứng khoán và chỉ số USD Index giảm. Tuy nhiên, thực tế, từ trước khi gói này được ban hành, thì chứng khoán và USD đã giảm, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Sau khi gói này chính thức được ban hành, thị trường vận động trái chiều, bởi tác động đã được thị trường hấp thụ, dự báo trước đó. Cụ thể là, chứng khoán tiếp tục tăng, USD giảm giá, nhưng không đáng kể.

Song, đây chỉ là diễn biến trước mắt, về lâu dài, gói 1.900 tỷ USD này sẽ khiến lạm phát tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và USD giảm. Tất nhiên, sự điều chỉnh này sẽ diễn ra từ từ, chứ không phải tăng đột ngột.

Với Việt Nam, mức độ tác động của gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ tới tỷ giá là không lớn. Những diễn biến tỷ giá tuần qua, theo tôi, chỉ là tạm thời. Với cách thức điều hành tỷ giá hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá năm nay sẽ vẫn tương đối ổn định, biên độ biến động chỉ xoay quanh mức 2%. Gói 1.900 tỷ USD của Mỹ có tác động với Việt Nam, nhưng là ở khía cạnh khác nhiều hơn là tỷ giá", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Moody’s tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên tích cực

Moody's tăng triển vọng tín nhiệm với Việt Nam

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cùng các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, đồng thời điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực (tăng hai bậc).

Việc Moody’s đưa ra quyết định này là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta khi vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Cụ thể Moody’s cho biết, cơ sở của đánh giá này là việc tình hình tài khóa của Việt Nam được củng cố và nền kinh tế được cải thiện. Giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khoá và nợ thuyết phục, vững chắc.

Tổ chức này đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại năng động.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Đồng bằng sông Cửu Long - Mối quan tâm mới của nhà đầu tư BĐS trung và dài hạn

Tiềm năng phát triển bất động sản ĐBSCL

Hình thành bởi 13 tỉnh thành Tây Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gần 20 triệu cư dân. Khu vực này có đến khoảng 4 triệu héc-ta đất đồng bằng phù sa màu mỡ được sông Tiền và sông Hậu bồi đắp, nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông Cửu Long và khí hậu thuận lợi.

Với những điểm sáng như vậy, nên từ lâu khu vực này đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm và giao cho trọng trách tập trung sản xuất, đảm bảo nguồn lương thực của cả nước. Theo thống kê, hiện nay khu vực này cung cấp đến 50% nguồn lương thực và đóng góp đến 20% GDP của cả nước khi sản xuất lên đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng trái cây và 75% lượng thủy hải sản của cả nước. Ngoài ra, ĐBSCL còn sở hữu một lực lượng lao động dồi dào chiếm 17,9% nguồn lao động của cả nước.

Được biết đến như là vựa lúa của cả nước với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, khu vực ĐBSCL được đánh giá là vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng đến khí hậu để sản xuất nông nghiệp và thủy hải sản. Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, các tỉnh thành lớn trong khu vực cũng trở thành điểm đến lý tưởng và được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư bất động sản.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, mặc dù có tiềm năng nhưng ĐBSCL hiện còn phải đối mặt với nhiều thách thức như biển đổi khí hậu làm sạt lở, gây hủy hoại mùa màng; trình độ của người lao động chưa cao khi tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở mức 90,8% theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), làm ảnh hưởng đến năng suất của cả vùng; độ tuổi trung bình của người lao động ngày càng tăng khi nhiều người trẻ rời nông thôn lên thành thị. Chính vì vậy, để có thể gia tăng sự thu hút với nhà đầu tư và thuyết phục người dân ở lại địa phương, ĐBSCL vẫn còn nhiều vấn cần được giải quyết.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top