Aa

Bất động sản 24h: Thị trường bất động sản đã đổi vai, người mua “cầm trịch”

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 23/09/2022 - 10:30

Thị trường bất động sản đã đổi vai, người mua “cầm trịch”; Nhà ngoại thành Hà Nội ngày càng lên giá... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường bất động sản đã đổi vai, người mua “cầm trịch”

Khác với lúc thị trường bất động sản sôi động, hiện nay, người mua có tiền tươi thóc thật được cho là “cầm trịch” giao dịch, có lợi thế để ép giá các chủ đất đang muốn thoát hàng.

Đầu năm 2022, tại nhiều khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Bình Dương... thị trường vẫn diễn biến sôi động, thậm chí giá đất liên tục tăng cao. Tuy nhiên, trước nhiều tác động thị trường đột ngột “quay xe” hạ nhiệt.

Theo đó, thị trường bất động sản đã đổi vai, người mua "cầm trịch" giao dịch. Người có đất nếu muốn bán đều phải chấp nhận theo yêu cầu của người mua.

Anh Nguyễn Thắng, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, mới đây anh đã buộc cắt lỗ một lô đất rộng 350m2, tại Sóc Sơn (Hà Nội). Anh cho biết, mảnh đất này được mua vào thời điểm đầu năm 2022 với giá 5 tỷ đồng, trong đó có 2 tỷ đồng là anh đi vay.

“Khi đó thị trường bất động sản cực sốt nóng, đặc biệt ở khu vực ven đô. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư tay to cũng về đây để mua những mảnh đất rộng cả nghìn m2 sau đó phân lô bán. Tôi thì ít tiền hơn nên mua 350m2 chờ phân được 4 - 5 mảnh sẽ bán”, anh Thắng nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương.

Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 4 dự án Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Đây là dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 tới và sẽ được xem xét, thông qua sau 3 kỳ họp.

Dự Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 16 chương với 240 điều quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan Nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; người sử dụng đất; các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Triển vọng dòng vốn đầu tư bất động sản cuối năm 2022

Thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng, dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2022, nhờ một loạt điều chỉnh chính sách quản lý Nhà nước có liên quan.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở tại các dự án 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 22.700 sản phẩm, giao dịch đạt xấp xỉ 11.500 sản phẩm. Giá bất động sản liên tục tăng, dòng tiền đổ mạnh vào các sản phẩm bất động sản “trú ẩn và đầu cơ”, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Trong 6 tháng cuối năm, thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn.

Đặc biệt, dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm 2022 tới nay rất hạn chế, khi cả tín dụng ngân hàng lẫn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều bị kiểm soát gắt gao. Kênh huy động từ người mua nhà và các quỹ đầu tư cũng gặp khó khăn… Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.

Tuy nhiên, đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng, dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2022, nhờ một loạt điều chỉnh chính sách quản lý Nhà nước có liên quan, nổi bật là: Cho phép phát hành trái phiếu để đảo nợ doanh nghiệp; bổ sung nhiều đề án kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cả từ trung ương, các địa phương và doanh nghiệp; nới room tín dụng bất động sản…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp đang tăng trưởng theo hướng bền vững

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện đạt 70,9%, tương đương với cuối năm 2020 và sẽ tăng lên trong thời gian tới do sự dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp từ một số quốc gia sang Việt Nam.

Ngành sản xuất chiếm 60% tổng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam kể từ đầu năm với tổng giá trị 8,3 tỷ USD. Về số dự án cấp mới và vốn đăng ký cấp mới cho 191 dự án là 3,3 tỷ USD. Miền Bắc Việt Nam nhận được nhiều nhất khoản đầu tư đó với 65%, trong khi miền Nam có 42%.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, tỉnh nhận được vốn đăng ký mới lớn nhất là Bình Dương, chủ yếu đến từ khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD của LEGO vào đầu năm nay. Các địa phương lớn thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Thái Nguyên và Hải Phòng.

Đan Mạch, Singapore và Trung Quốc là những nhà đầu tư sản xuất lớn nhất. Về sản xuất công nghiệp, cao su và nhựa tiếp tục là nhóm ngành sản xuất với nguồn vốn dẫn đầu, tiếp theo là dệt may, sản phẩm hóa chất và máy tính, điện tử.

Các chuyên gia đánh giá kết quả này cho thấy Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong chuỗi giá trị so với 10 năm trước.

Cụ thể, tại miền Bắc, một số thương vụ lớn đáng kể đến từ đầu năm đến nay là Trinar Solar (275 triệu USD), Autel Robotics (90 triệu USD) và Thép Việt Ý (80 triệu USD). Những khoản đầu tư này tập trung chủ yếu ở Thái Nguyên và Hải Phòng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà ngoại thành Hà Nội ngày càng lên giá

Giá chung cư ở các quận cận trung tâm như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai... đã vượt mức 30 triệu đồng/m2, thậm chí vượt 40 triệu đồng/m2.

Năm 2020, chị Hồng Minh (32 tuổi, Hà Nội) dự định mua căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 55m2 tại Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với giá 35 triệu đồng/m2. Song vì vướng việc gia đình, ý định mua nhà phải tạm hoãn.

Đến tháng 9 năm nay, căn hộ cùng diện tích tại dự án này được môi giới báo giá tăng lên 40 triệu đồng/m2, tức chị Minh phải bỏ ra khoảng 2,2 tỷ đồng để sở hữu căn hộ trên, đắt hơn 300 triệu so với năm 2020.

Thực tế, nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, xã hội, nguồn cung dự án đa dạng, chủ đầu tư lớn khiến bất động sản khu vực cận trung tâm, ngoại thành Hà Nội đang ngày càng hấp dẫn khách hàng, giá chung cư, biệt thự cũng tăng nhanh chóng trong các năm qua.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top