Aa

BĐS du lịch trước dịch Corona: Khó khăn chồng khó khăn hay cơ hội để sàng lọc?

Thứ Bảy, 08/02/2020 - 06:10

Tác động của đại dịch Corona đến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để thị trường sàng lọc những điểm chưa tốt.

Đại dịch virus corona đã và đang gây ra ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. 

Tại cuộc họp phòng, chống dịch nCoV ngày 3/2 của TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải Lượng cho biết, lượng khách trong, ngoài nước đều giảm mạnh với trên 12.800 phòng khách sạn bị huỷ (tương đương trên 16.000 khách). Hơn 7.600 khách hủy tour đến Hà Nội, khoảng 6.000 khách trong nước đi du lịch Đài Loan, Trung Quốc cũng huỷ chuyến.

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, virus Corona đã dẫn đến ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam. Thứ nhất, đó là lượng khách Trung Quốc sụt giảm mạnh trong khi đây là nguồn khách đến chủ yếu tại Việt Nam. Thứ hai, sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong điểm du lịch phải đối mặt với sự giảm sút từ du khách đến từ châu Âu, Úc, Mỹ,... Thứ ba, nguồn cầu du lịch trong nước sẽ giảm do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ về đâu trong bối cảnh bức tranh du lịch không mấy tươi sáng? Từng dẫn đầu trong nhiều năm về khả năng hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư vì cơ hội sinh lời, thế nhưng trong thời điểm hiện tại và tương lai, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn được các nhà đầu tư đặt niềm tin? 

Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam; ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa.

PV: Tác động của đại dịch Corona đã khiến tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch sụt giảm mạnh mẽ. Bất động sản nghỉ dưỡng cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Các chuyên gia đánh giá như thế nào về những thách thức của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Văn Đính: Đại dịch virus Corona sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Tất yếu khi tăng trưởng du lịch giảm sút, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ ảnh hưởng.

Thứ nhất, lượng du khách Trung Quốc trước đây và hiện tại được xem là một trong những nhóm khách quốc tế chính, chiếm thị phần lớn. Việc ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng như “hạn chế” người Trung Quốc nhập cư vào Việt Nam sẽ làm giảm lượng khách Trung Quốc.

Thứ hai, du khách nước ngoài cũng như người dân trong nước vì e ngại đại dịch sẽ giảm nhu cầu đi du lịch. Nhiều người Việt đã hủy các chuyến nghỉ dưỡng, đặc biệt ở các khu vực như Nha Trang - Khánh Hòa.

Ngành du lịch giảm tăng trưởng, mục tiêu 2020 khó thực hiện thì đồng nghĩa bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng: Như tất cả chúng ta đều thấy, đại dịch Corona ảnh hưởng trước tiên đến hoạt động du lịch nói chung, lượng du khách trong và ngoài nước giảm mạnh. Đối với bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng, cũng như các phân khúc bất động sản khác, các sự kiện giới thiệu dự án, mở bán tập trung vốn là các hoạt động tập trung đông người đều đang được tạm hoãn hoặc điều chỉnh hình thức, kế hoạch. 

Về lâu dài, trong 2 - 3 tháng tới, nếu dịch bệnh Corona vẫn không được khống chế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động du lịch, từ đó nhu cầu bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bị tác động tiêu cực, dễ thấy nhất là condotel/biệt thự biển.

Ông Trần Đình Quý: Thị trường bất động sản năm 2019 đã trải qua cuộc thanh kiểm tra của chính quyền các cấp. Đây là việc làm cần thiết để loại bỏ những sai phạm dù rằng, hệ quả của nó là nguồn cung thiếu.

Riêng với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, condotel vẫn còn điểm nghẽn do chưa đầy đủ hệ thống hành lang pháp lý nên đã xảy ra những vụ phá bỏ cam kết lợi nhuận, gây bất ổn thị trường. Nhưng một con sâu không thể làm rầu nồi canh bởi bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel vẫn giàu tiềm năng khi Việt Nam là đất nước nhiều cảnh đẹp. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lại đón nhận tin không vui, đó là đại dịch Corona. Việc này gây ảnh hưởng mạnh tới bất động sản nghỉ dưỡng. Thị trường chắc chắn sẽ bước vào một giai đoạn đầy khó khăn.

PV: Trước đó vào năm 2019, sự vụ phá vỡ cam kết lợi nhuận của một dự án condotel đã gây hoang mang với các nhà đầu tư. Khi phân khúc này vẫn còn đang gặp khó, việc lượng khách du lịch lại giảm sút có vẻ như càng đẩy bất động sản du lịch vào tình cảnh "đã nghèo lại mắc cái eo"? 

Ông Trần Đình Quý: Tôi vẫn cho rằng, may và rủi luôn đan xen với nhau. Dù có thể tác động của đại dịch Corona sẽ khiến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng rơi vào khó khăn. Nhưng về góc độ khác, đây là cơ hội tốt để sàng lọc lại thị trường cho các chủ đầu tư, nhà môi giới. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp rà soát lại nhân sự, quy trình quản trị, tránh đầu tư dàn trải ồ ạt. Cơ hội để kiểm tra, rà soát lại các dự án, lĩnh vực kinh doanh.

Việt Nam vốn là nước giàu tiềm năng du lịch và chắc chắn rằng, cơ hội tăng trưởng sẽ cao. Sau điểm chững, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn bứt phá mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi nhận thấy còn nhiều tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực này.

Đầu tiên, Việt Nam đã có những biện pháp xử lý tình trạng dịch bệnh tốt. Khi đại dịch đi qua, thì du lịch chắc chắn sẽ khởi sắc trở lại, bất động sản nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng. Vì nhu cầu du lịch của người dân rất lớn.

Nhìn vào cơ cấu khách nước ngoài đến Việt Nam, có thể thấy, khách đến từ Campuchia, Thái Lan, Na Uy, Mỹ, Nga… đều tăng. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Đây là lượng khách có thể bù đắp đi sự thiếu hụt của khách du lịch Trung Quốc. Hơn nữa, đây là lượng khách có khả năng chi tiêu tốt, đóng góp cho nền du lịch.

Tâm lý của các nhà đầu tư sẽ trở nên e ngại là đúng, khi trước đó thương vụ phá vỡ cam kết với khách hàng đã xảy ra. Giờ đây, thị trường lại đối mặt với đại dịch, tất nhiên là khó khăn chồng khó khăn. 

Ông Nguyễn Hoàng: Việc vỡ cam kết lợi nhuận ở một vài dự án là nguyên nhân trực tiếp làm cho khách đầu tư thận trọng hơn đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng từ đầu quý IV/2019. Về đại dịch Corona, tôi tin Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ sớm kiểm soát và ổn định tình hình, hướng tất cả trở về đúng quỹ đạo hoạt động. Khi dịch qua đi, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng sẽ ổn định trở lại. Du lịch là lĩnh vực đầy tiềm năng và cũng là một trong những trọng tâm được ưu tiên phát triển của Việt Nam.

 Khi thị trường đi vào giai đoạn khó khăn thử thách, đây chính là thời điểm để sàng lọc những điểm chưa tốt, sàng lọc các doanh nghiệp không đủ năng lực cũng như những nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm mang tâm lý đám đông,... Chỉ những doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ năng lực và có chiến lược dài hạn sẽ nắm bắt được cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp.

PV: Vậy tâm lý của các nhà đầu tư thứ cấp thì sao? Liệu rằng tình trạng hoang mang trước thách thức của thị trường sẽ khiến họ e ngại khi bỏ vốn?

Ông Nguyễn Hoàng: Có thể nói hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận chưa nhiều các giao dịch thứ cấp (mua đi bán lại). Vốn là phân khúc đặc biệt, bất động sản nghỉ dưỡng chỉ phù hợp với người có năng lực tài chính vững và ổn định, mục đích đầu tư lâu dài, không mua đi bán lại ngay trong ngắn hạn như các phân khúc đất nền hay chung cư.

Bên cạnh đó, số lượng các dự án chính thức đưa vào hoạt động chưa nhiều, chưa đủ để xác định mức độ đáp ứng nhu cầu, mục đích đầu tư của khách hàng từ đó tác động đến thị trường thứ cấp. Vì vậy, rất khó để đưa ra nhận xét về thị trường thứ cấp của phân khúc này tại thời điểm hiện tại.

Ông Trần Đình Quý: Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng dành cho nhà đầu tư có tiền. Bỏ tiền vào phân khúc này phải xác định khả năng lướt sóng là rủi ro vì đây là đầu tư dài hạn. Đừng nghe cam kết 10 - 12% mà phải xác định, chủ đầu tư phải có tiềm lực và tài lực. Thế nên, những nhà đầu tư nào thực sự có tầm nhìn, chiến lược sẽ có quyết định đúng đắn. Và đến giai đoạn phải làm thật, sản phẩm thật, tiền thật và hết thời nhà nhà, người người đi cầm tiền đi mua. Tôi nghĩ, hoang mang là có, e ngại là có nhưng quy luật chung của thị trường, ai có chiến lược tốt vẫn biến rủi thành may.

Ông Nguyễn Văn Đính: Có một quy luật rằng, sau khó khăn, thị trường lại khởi sắc. Đầu tư thông minh đúng điểm rơi, đón đầu sóng thị trường lại là bước đi khôn ngoan. Và thực tế, đã không ít nhà đầu tư thành công từ việc sẵn sàng mạo hiểm bỏ vốn khi thị trường gặp khó.

Nhìn trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc giàu tiềm năng bởi nhu cầu du lịch vẫn gia tăng mạnh. Nhà đầu tư khôn ngoan sẽ tự lựa chọn cho mình dự án sinh lời.

PV: Các chuyên gia dự báo như thế nào về khả năng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của bất động sản nghỉ dưỡng?

Ông Nguyễn Hoàng: Khi hoạt động du lịch khởi sắc và sôi động trở lại thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có diễn biến tích cực hơn. Đặc biệt, nếu cơ quan chức năng sớm ban hành hệ thống văn bản pháp lý quy định rõ ràng về quyền sở hữu, loại hình sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Du lịch giữ vai trò là môi trường và nền tảng, còn yếu tố chính sách pháp lý sẽ là cú hích cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển trong thời gian sắp tới.

Ông Trần Đình Quý: Theo dự đoán của tôi, khoảng thời gian trầm lắng sẽ chấm dứt vào tháng 5 hoặc tháng 6. Quay trở lại thời điểm mùa hè, với khí hậu nhiệt đới, nắng ấm, lượng du khách nước ngoài như Mỹ, châu Âu… đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, nhu cầu du khách trong nước tìm đến bãi biển đẹp cũng gia tăng trở lại.

- Cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top