Aa

BĐS nhà ở 2021: Vẫn lo ngại lệch pha cung cầu

Thứ Hai, 11/01/2021 - 06:10

Nhiều chuyên gia cho rằng, chưa bao giờ thị trường bất động sản chứng kiến sự lệch pha cung cầu lớn như hiện nay. Nếu không sớm có những giải pháp khơi thông nguồn cung trong năm tới, thị trường sẽ có nhiều bất ổn.

Thị trường bất động sản trong 2020 được một số cơ quan đánh giá chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thị trường đang có dấu hiệu lệch pha cung - cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở phân khúc nhà ở.

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhu cầu về phân khúc nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) dù chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng lại thiếu nguồn cung khá lớn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như TP.HCM và Hà Nội, sự lệch pha cung - cầu ngày càng nghiêm trọng.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay căn hộ trung cấp có giá khoảng 2,5 tỷ đồng cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, tình trạng phát triển dự án bất động sản tại Hà Nội trong khoảng thời gian 2- 3 năm trở lại là rất ì ạch. Gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này. Các dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước từ từ nhỏ giọt cung cấp sản phẩm  cho thị trường bất động sản TP. Hà Nội. Trung bình nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2 ngàn sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ nhoi cho một Thành phố có gần mười triệu dân.

Trong lượng cung mới từ các dự án bất động sản tại Hà Nội, rất hiếm dòng sản phầm thuộc phân khúc bình dân. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao đạt khoảng 70%. Điển hình như Dự án Eurowindow River Park tại Đông Anh.

Thị trường đang có dấu hiệu lệch pha cung - cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở phân khúc nhà ở. Ảnh minh họa. 

Cầu lớn, cung khan hiếm là một trong nhưng lý do đẩy giá bất động sản nhà ở tăng cao bất chấp những khó khăn chung của thị trường. Hai năm trước, một dự án nhà ở xã hội vốn chỉ có giá 14 triệu đồng/m2. Tuy nhiên hiện nay, vẫn cùng một vị trí, nhưng giá tại tòa nhà mới xây dựng đã nhảy lên 16 - 17 triệu đồng/m2.

Tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội, mức giá chung cư phổ biến trước đây ở mức 28 - 30 triệu đồng/m2, nay đã tăng vọt lên 40 - 60 triệu đồng/m2. Một loạt dự án cũ ở phía Tây Hà Nội, vốn nằm im cả thập kỷ, chỉ trong vài tháng, đã tăng vọt lên tới 70 triệu đồng/m2, gấp đôi so với đầu năm. Tại TP.HCM, tỷ lệ căn hộ bình dân đã giảm sốc từ 51% xuống chỉ còn 1%.

Một số chuyên gia cho rằng, chưa bao giờ thị trường chứng kiến sự lệch pha cung cầu lớn như hiện nay. Khi nhà có mức giá trung bình và thấp dành dưới 20 triệu đồng/m2 gần như vắng bóng trên thị trường.

Bất động sản năm 2021 vẫn sẽ chứng kiến sự tăng mạnh về giá, nhưng nếu không giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân, mà chủ yếu vẫn là thị trường của những nhà đầu tư mua đi bán lại thì thị trường khó có thể phát triển bền vững.

Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Nghị định phát triển nhà thương mại giá rẻ, có diện tích dưới 70m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2, với hàng loạt ưu đãi lớn về giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất. Các chuyên gia kỳ vọng, trong năm nay, Nghị định này sẽ sớm được ban hành để kéo các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà vừa túi tiền cho đại bộ phận người dân.

Còn theo các doanh nghiệp, chỉ khi các vướng mắc pháp lý được gỡ bỏ, nguồn cung trên thị trường mới tăng trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top