Aa

BĐS Văn Lâm: Săn đất ven khu công nghiệp, môi giới "hốt" trăm triệu mỗi ngày

Thứ Bảy, 04/07/2020 - 06:00

Với một người ngoại đạo, sự lấp đầy của những khu công nghiệp tại Văn Lâm (Hưng Yên) hơn 1 thập kỷ qua sẽ khiến người ta nghĩ khó kiếm lời nhiều từ buôn đất. Nhưng với những nhà đầu tư sành sỏi, họ lại có thể kiếm khoản tiền chênh hàng trăm triệu đồng/ngày đều đặn khi nơi đây bắt đầu được ví như "mỏ vàng".

Văn Lâm là một trong những huyện công nghiệp của Hưng Yên, là nơi tụ hội của hàng loạt các khu công nghiệp lớn như Phố Nối A, Khu công nghiệp Đại Đồng - Chỉ Đạo, Khu công nghiệp Như Quỳnh, Khu công nghiệp Tân Quang, Cụm công nghiệp Minh Hải 1 và 2…

Hiện Văn Lâm đang từng bước triển khai lập Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cốt lõi là trở thành đô thị loại IV vào năm 2020. Đây là cơ sở để xây dựng đô thị Văn Lâm phát triển theo quy hoạch và kế hoạch, thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao đời sống của người dân.

“Miếng mồi” ngon từ bất động sản Văn Lâm - Hưng Yên

Dù là ngày trong tuần hay cuối tuần, quán nước và quán ăn ở ven Khu công nghiệp Minh Hải tấp nập người từ sáng đến xế chiều. Buổi trưa, bất chấp nắng gắt oi ả, quán gà của ông Quân luôn trong tình trạng chật kín khách. Chủ quán gà này chia sẻ, 2 tháng nay, gia đình ông làm ăn rất tốt, công việc kinh doanh lại thuận buồm xuôi gió. Đây là điều mà trước đó, người đàn ông này không thể tưởng tượng được, bởi ở thời điểm mở quán, tuyến đường trong Khu công nghiệp Minh Hải vắng bóng người qua lại.

“Nhà đầu tư từ các tỉnh khác bắt đầu đổ vào Văn Lâm nhiều lắm! Dân môi giới trong tỉnh cũng hoạt động nhộn nhịp. Người người, nhà nhà lượn đường, lượn phố, tìm hiểu đất, săn đất, chốt đất. Trong quán ăn của tôi, người ta đa phần chỉ bàn chuyện đất cát, xem mua ở xã nào, lô nào, giá ra sao”, ông Quân nói.

Văn Lâm là vùng đất công nghiệp từ sớm. Hệ thống giao thông được đầu tư bài bản, hiện đại. (Ảnh: Hải Nam)

Đúng là với con mắt của những người đi đường, vùng đất công nghiệp lâu năm này khó có thể tìm kiếm quỹ đất tốt sinh lời, bởi quỹ đất tại đây tưởng chừng như đã trở nên khô kiệt, còn giá đất sát các trục đường chính cũng ở ngưỡng cao, từ 40 - 70 triệu đồng/m2 và mức độ co giãn lợi nhuận thấp, tính thanh khoản kém.

Nhưng, theo đánh giá của những nhà đầu tư chuyên nghiệp và sành sỏi, Văn Lâm (Hưng Yên) lại đang là miếng mồi ngon để kiếm lời khi phân khúc đất thổ vùng ven khu công nghiệp đánh trúng vào nhu cầu ở thực của công nhân.

Đại diện một sàn môi giới bất động sản Văn Lâm tiết lộ, lượng khách từ các tỉnh khác đến trực tiếp xem, liên hệ đặt tư vấn qua điện thoại, nhờ dẫn đi xem đất tăng mạnh, gấp 3 - 4 lần so với thời điểm trước Tết. Mặt hàng mà các nhà đầu tư này kiếm tìm chính là lô đất thổ còn sót lại tại các xã sát khu công nghiệp như xã Minh Hải, Đình Dù, Tân Quang…

Tuyến đường kéo dài từ Bắc Ninh nối với đường 5 đang triển khai. Đây được coi là nhân tố thúc đẩy giá đất Văn Lâm gia tăng. (Ảnh: Hải Nam)

Đại diện từ sàn môi giới này còn cho biết thêm, lượng giao dịch kể từ thời điểm hết cách ly xã hội đang tiến triển tốt và có xu hướng tăng nhanh.

Tiết lộ với Reatimes, ông Vũ Tài, Phó Giám đốc kinh doanh của Sàn môi giới Bất động sản Văn Lâm cho hay, một số nhà môi giới giỏi có thể kiếm được khoản lợi nhuận lên tới trăm triệu đồng mỗi ngày đều đặn.

Theo ông Tài, nếu so với các khu vực sốt đất khác trước đó, khoản lợi nhuận trăm triệu đồng mỗi ngày không phải lớn nhưng khi thị trường Văn Lâm đang diễn biến ổn định, số tiền lời này sẽ nhân lên mỗi ngày.

“Nhà đầu tư từ Hà Nội đổ về Văn Lâm rất đông. Họ bắt đầu đi gom các quỹ đất còn sót lại trong các xã, để chuẩn bị đẩy hàng mạnh đến công nhân. Hiện tại, giao dịch chủ yếu được bán giữa các nhà đầu tư với nhau. Ai là người xuống tiền nhanh, xuống sớm, gom đất mạnh thì chắc chắn sẽ có lời. Vì hiện tại, mức giá đất tại Văn Lâm rất rẻ”, ông Tài phân tích.

Vì sao đất Văn Lâm lại “đắt hàng”?

Cuộc đổ bộ của những nhà đầu tư được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh tại Văn Lâm, Hưng Yên. Tiết lộ từ các môi giới tại đây, không phải bỗng nhiên mà nhà đầu tư có thể kiếm tiền dễ như trở bàn tay. Để săn tìm quỹ đất tốt, nhà đầu tư phải nằm lòng địa lý của Văn Lâm, vị trí các khu công nghiệp, vị trí các xã, kiếm tìm được quỹ đất với giá tốt. 

Như ông Tài chia sẻ, hơn 1 năm trước, ông đã phải di chuyển địa bàn hoạt động từ Gia Lâm (Hà Nội) sang Văn Lâm (Hưng Yên) để tìm kiếm cơ hội sinh lời. “Muốn tìm được nguồn đất thổ tốt, nhà đầu tư phải nằm gai đếm mật tại đây. Ngoài ra, để mua được mức giá tốt, nhà đầu tư phải có chiến thuật làm giá”.

Ông Nguyễn Ngọc (một nhà đầu tư Hà Nội) chia sẻ, Văn Lâm là khu công nghiệp nên nhiều khu vực, dù sâu trong các xã, giá đất còn lên tới 40 - 50 triệu đồng/m2. Nếu đầu tư những khu đất này, khả năng kiếm lời rất thấp. Ông Ngọc cho rằng, nhóm đất thổ cư, mức giá từ 6 - 12 triệu đồng/m2, ven các khu công nghiệp đang là “mỏ vàng” sinh lời trong mắt của những tay buôn đất chuyên nghiệp.

Những mảnh đất vườn như thế này sẽ sớm được san bằng và đưa vào thị trường của các nhà đầu tư. (Ảnh: Hải Nam)

Theo nhận định của các nhà đầu tư lâu năm, đất ven Khu công nghiệp Văn Lâm sẽ có xu hướng gia tăng mạnh đến từ 3 lý do.

Thứ nhất, Văn Lâm nổi tiếng xưa nay với khu công nghiệp lớn, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp lên tới 70%. Tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai khi có sự dịch chuyển của các nhà máy mới, khu công nghiệp lớn. Mặt khác, theo giới đầu tư, trong tương lai gần, một số doanh nghiệp như Hoà Phát sẽ mở rộng quy mô. Lượng công nhân còn gia tăng. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về nhà ở còn nới rộng. 

Những lô đất được vạch sẵn để chuẩn bị cho đợt bung hàng trong tương lai gần. (Ảnh: Hải Nam)

Thứ hai, đánh giá về nguồn cầu từ sản phẩm này, các nhà đầu tư cho rằng, hiện tại các công nhân chủ yếu là thuê nhà trọ. Với số lượng hàng vạn công nhân trong các nhà máy, chỉ tính một lượng phần trăm nhỏ những người chưa có nhà cũng đủ cho thấy lực cầu về nhà ở vẫn chưa được đáp ứng. 

Thứ ba, dù nhu cầu về nhà ở lớn nhưng thực tế, để mua đất tại Văn Lâm xây nhà không phải điều dễ dàng vì mức giá đất đã cao. Nhưng với quỹ đất khoảng từ 50 - 100m2, nằm sâu trong các xã, mức giá 400 triệu đồng - 500 triệu đồng sẽ phù hợp với nhu cầu ở thực của lượng công nhân tại đây.

“Đánh vào nhu cầu ở thực luôn là bài toán cầm chắc chắn quân bài chiến thắng trong tay khi đầu tư đất thổ”, ông Ngọc khẳng định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top