Tăng chiều cao trên "đất vàng"
Để tháo gỡ những bế tắc trong việc cải tạo chung cư cũ, thành phố Hà Nội công bố công khai danh mục 10 dự án bất động sản lớn tại các vị trí “đất vàng” để kêu gọi 361.000 tỷ đồng đầu tư cải tạo chung cư cũ.
Mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quy chế quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội.
Theo đó, các công trình cao tầng Khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m… Đối với dự án tái thiết đô thị là chung cư cũ có quy mô 2 ha trở lên, phải bảo đảm các điều kiện tạo nhiều không gian mở, hạn chế tăng dân số, bố trí đất cho công trình giáo dục, tăng cây xanh, diện tích công cộng.
Theo nhiều chuyên gia trong giới xây dựng, việc nâng tầng đối với các dự án chung cư cũ sẽ là “chìa khóa” thu hút được nhà đầu tư, đây là một chủ trương đúng đắn.
Đại diện một công ty xây dựng ở quận Hoàng Mai cho rằng, hầu hết các chung cư cũ, nhà tập thể cũ đều nằm ở trung tâm nội đô, việc thi công, đền bù giải phóng mặt bằng sẽ rất tốn kém, nếu bị hạn chế chiều cao dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ đầu tư.
“Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ”, vị này nhận định.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ cho rằng, cần có nhiều hơn nữa các giải pháp tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp. Trao đổi với PV Reatimes, nhiều doanh nghiệp từng và đang có dự định tham gia cải tạo chung cư cũ cho rằng, ngoài việc tăng chiều cao dự án, cũng cần có cơ chế về mật độ cư dân tại dự án được cải tạo.
Ông Trần Ngọc Anh – Giám đốc Công ty vật tư và xây dựng tại phường Định Công (Hoàng Mai) cho rằng, được phép nâng chiều cao dự án nhưng quy chế quy định không được tăng dân số cơ học lại gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
“Nếu được cấp phép 24 tầng, nhưng dân số cơ học chỉ đến tấng 18 thôi đã đủ,vậy thì từ tầng 19 trở đi biết bán cho ai. Nhà nước nên xem xét lại vấn đề này. Việc giá đền bù giải phóng mặt bằng Nhà nước cũng cần có cơ chế cho phù hợp để giúp doanh nghiệp bớt đi khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ”, ông Anh kiến nghị.
Cần tháo gỡ "nút thắt" giá cả
Là một trong những dự án xuống cấp nghiêm trọng nhất ở TP Hà Nội, thế nhưng cũng mất tới hơn 10 năm chờ đợi, thỏa thuận, đến năm 2013, chủ đầu tư xây mới Khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ mới lấy được mặt bằng để khởi công
Khối nhà đầu tiên của dự án - chung cư cao tầng N3 - gồm các công trình hỗn hợp cao 5 tầng, 15 tầng, 19 tầng và 3 tầng hầm được xây dựng trên nền quỹ đất tháo dỡ nhà A1, A2 KTT Nguyễn Công Trứ cũ. Tổng mức đầu tư của nhà N3 là hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn huy động và vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố. Sau gần 3 năm thi công dự án mới hoàn thiện, tuy nhiên chỉ có khoảng vài chục hộ dân nhận nhà, còn gần 300 căn hộ khác lại bị ngay chính những chủ nhân cũ của mình “chê”.
Theo nhiều chủ nhân của những căn hộ bị “chê”, mức giá chủ đầu tư áp dụng với diện tích ngoài phần được đền bù là quá cao so với một khu nhà tái định cư. Anh Dương Văn Đạt – một cư dân cũ của KTT Nguyễn Công Trứ cho biết, mức giá ngoài phần diện tích được đền bù là hơn 26 triệu/m2, sau đó người dân có ý kiến mức giá được hạ xuống còn hơn 20 triệu/m2.
“Dù đã hạ nhưng mức giá này vẫn còn quá cao vậy nên chúng tôi không đủ tiền để lấy thêm phần diện tích này để dọn về ở”, anh Đạt nói.
Tại Tọa đàm về việc cải tạo chung cư cũ, rất nhiều ý kiến cho rằng, khi tiến hành cải tạo, nhà nước nên có cơ chế để đảm bảo quyền lợi cho người dân được bằng, hoặc hơn so với khi đang ở trong các chung cư cũ. Dù vậy, ở một khía cạnh khác, nhiều chủ đầu tư cho rằng, chủ đầu tư cũng gặp khá nhiều khó khăn.
“Việc đền bù giải phóng mặt bằng quá cao, mức giá lúc bán ra lại không được như ý nên nhiều lúc chủ đầu tư bị lỗ. Nhà nước cũng nên có các giải pháp tháo gỡ giá cả cho chủ đầu tư”, đại diện một doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ cho biết.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc cải tạo chung cư cũ là rất cần thiết, cần được đẩy nhanh. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc cải tạo chung cư cũ là mâu thuẫn quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân đang sống trong chung cư cũ. TS Liêm cũng cho rằng, ngoài việc tháo gỡ “nút thắt” về chiều cao, cũng cần có các giải pháp giúp doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng, quy định về việc đền bù,...
“Nếu giải quyết được vấn đề quyền lợi chung - riêng giữa người dân và doanh nghiệp tham gia cải tạo, đồng thời chính quyền tạo điều kiện, tháo gỡ “nút thắt” giúp đỡ doanh nghiệp tham gia vào việc cải tạo chung cư cũ thì việc cải tạo chung cư cũ sẽ khá thuận lợi”, TS Liêm nhận định.